Theo số liệu của Bộ Thống kê, bệnh sa sút trí tuệ là nguyên nhân chủ yếu thứ hai gây chết người ở Úc.
Bệnh sa sút trí tuệ - hậu quả của tình trạng suy giảm khả năng nhận thức mà không phải do tiến trình lão hoá – ước tính đang gây ra chi phí xã hội trên toàn cầu là $1.8 ngàn tỷ Úc kim.
Một nghiên cứu, được xuất bản trên tạp chí Lancet Public Health, lần đầu tiên sử dụng phương thức ước tính ở mức độ quốc gia để dự đoán về sự phổ biến của bệnh sa sút trí tuệ đối với những người trên 40 tuổi tại 195 quốc gia.
Nghiên cứu này cũng tính đến khả năng ảnh hưởng của các xu hướng làm dẫn đến những nhân tố rủi ro gây nên bệnh sa sút trí tuệ.
Tác giả dẫn đầu cuộc nghiên cứu, Emma Nichols, đến từ Đại học Washington, cho biết, cho đến năm 2050, con số người lớn bị sa sút trí tuệ sẽ tăng gấp ba lần, khoảng 153 triệu người.
“Chúng tôi dự kiến số lượng người bị sa sút trí tuệ sẽ ngày càng tăng ở tất cả các quốc gia, bất kể là nơi nào. Do đó đây là một loại bệnh quan trọng mà chúng ta nên xem xét để có kế hoạch cho tương lai. Vấn đề là mức độ gia tăng số người bị sa sút trí tuệ ở mỗi khu vực lại khác nhau. Nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn cần phải cân nhắc tầm quan trọng của bất kỳ sự gia tăng nào để có sự chuẩn bị, cũng như có những can thiệp cần thiết và nghiên cứu trong tương lai.”
Những khu vực chuẩn bị có sự gia tăng lớn nhất là ở Bắc Phi và Trung Đông, tăng 367%, và vùng phía đông Châu Phi Hạ Sahara, tăng 357%.
Nơi có mức tăng ít nhất được dự đoán là ở châu Á Thái Bình Dương, tăng 53%, và Tây Âu, tăng 74%.
Bà Nichols nói rằng tốc độ tăng dân số và tình trạng lão hoá dân số là các tác nhân dẫn đến sự gia tăng bệnh sa sút trí tuệ.
“Dự đoán mức gia tăng ở Bắc Phi và Trung Đông là rất lớn, và lý do là cả tốc độ tăng dân số và già hoá dân số đều cao. Đây là hai nguyên nhân về nhân khẩu học đặc biệt xảy ra ở vùng này và đã dẫn đến sự gia tăng lớn số trường hợp bệnh sa sút trí tuệ. Vì thế đây là điều mà các chính phủ và những nhà làm luật ở mỗi quốc gia cần nhận thức để lên kế hoạch tương lai cho những người bị sa sút trí tuệ ở những nơi này.”
Việc giáo dục thông qua các chiến dịch y tế công cộng cũng giúp làm giảm tốc độ gia tăng, ước tính giảm 6.2 triệu ca sa sút trí tuệ trên toàn cầu đến năm 2050.
Nhưng kết quả này hoàn toàn bị lật ngược nếu thế giới gia tăng các trường hợp béo phì, đường trong máu và nghiện thuốc lá, khi đó dự đoán thế giới sẽ có thêm 6.8 triệu trường hợp sa sút trí tuệ.
Mặc dù bệnh sa sút trí tuệ chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi, nhưng lối sống cũng có thể giúp làm giảm bớt nguy cơ.
Uỷ hội Lancet trong năm 2020 đã cho rằng 40% các trường hợp có thể được ngăn ngừa hoặc làm trì hoãn nếu 12 nhân tố gây rủi ro được giải quyết, bao gồm: học vấn thấp, huyết áp cao, khiếm thính, hút thuốc lá, béo phì tuổi trung niên, căng thẳng, thiếu vận động thể chất, tiểu đường, cách ly xã hội, uống rượu bia quá độ, chấn thương đầu và ô nhiễm không khí.
Phó giáo sư Michael Woodward, cố vấn y khoa danh dự cho Hiệp hội Sa sút trí tuệ Úc, nói rằng các chiến dịch y tế công cộng đã có những tác động đáng chú ý. Ông cũng nói thêm rằng những nỗ lực trong lĩnh vực này cần phải được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn những trường hợp sa sút trí tuệ có khả năng tăng lên 1 triệu người ở Úc vào năm 2050.
“Những chiến dịch y tế công cộng về bảo vệ não bộ cần được đẩy mạnh. Chúng ta đã có những chiến dịch tương tự như vậy vào những năm 1980, nói về tầm quan trọng của tập luyện thể chất. Nhưng chúng ta nên có thêm chương trình nói về tầm quan trọng của hoạt động trí não, hoạt động thể chất và ăn uống đúng cách. Thói quen ăn uống của người dân Địa Trung Hải mà nhiều người chắc cũng đã biết, rất quan trọng cho sức khoẻ trí não, tim mạch và tất nhiên sẽ tốt cho sưc khoẻ nói chung. Nếu chúng ta có thể công bố những thông tin này tôi chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt. Chúng ta phải lên kế hoạch để biết xã hội sẽ như thế nào khi có quá nhiều người bị sa sút trí tuệ. Làm sao chúng ta có thể chăm sóc họ? Chúng ta sẽ chăm sóc họ ở đâu? Và chúng ta cũng cần phải phát triển những cách điều trị tập trung vào căn nguyên bệnh.”
Tuy nhiên nghiên cứu này đã không tính đến tác động của đại dịch COVID-19 mà đã dẫn đến việc thiếu chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ do không đủ công suất trong hệ thống y tế.
Phó giáo sư Woodward nói rằng những tác động đó có thể được nhìn thấy từ việc cách ly xã hội, và có thể dẫn đến việc trì hoãn chẩn đoán bệnh cũng như tiếp cận việc điều trị.
“Đại dịch chắc chắn có tác động đến bệnh sa sút trí tuệ. Nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính không nằm ở đó mà nằm ở nhận thức. Vẫn còn nhận thức sai trong phần lớn người dân và thậm chí cả những chuyên viên y tế, như cho rằng người ta già đì thì người ta bị mất trí nhớ là đương nhiên, không ai có thể làm gì được. Đó là một nhận thức rất tiêu cực mà sẽ khiến cho bệnh này sớm trở thành nguyên nhân chính gây chết người trong xã hội chúng ta. Tôi cho rằng việc chẩn đoán chính xác sẽ đem lại nhiều lợi ích về mặt điều trị, người bệnh được chú ý hơn để giảm thiểu rủi ro, bởi vì ngay cả khi bạn bị Alzheimer, một dạng phổ biến của sa sút trí tuệ, thì bạn vẫn có thể làm chậm tiến trình phát triển bệnh.”
Ông Woodward cho biết có khoảng 500.000 người ở Úc đang bị sa sút trí tuệ, nhưng chưa đầy một nửa trong số này được chẩn đoán chính xác.