Cẩm nang du lịch (35): Thành phố biển Quy Nhơn – viên ngọc thô của duyên hải miền trung Việt Nam

Drone view Eo Gio headland in Quy Nhon

Drone view of Eo Gio in Quy Nhon on an overcast day, Binh Dinh Province, Central Vietnam. Source: Getty / Pham Hung

Trong tiết mục Cẩm nang du lịch hôm nay, mời quý vị ghé thăm thành phố biển Quy Nhơn, tham quan Kỳ Co - Eo Gió, tìm hiểu món bún song thằn An Thái cùng nhiều đặc sản địa phương khác. Chương trình được thực hiện bởi Ngọc Bích Trần với khách mời là anh Trần Tiến Dũng, người sáng lập công ty du lịch First Class.


SBS VIETNAMESE: Ở Việt Nam hiện nay thì thành phố Quy Nhơn là một trong những điểm đến du lịch thu hút đông đảo lượng khách cả trong và ngoài nước, đặc biệt là Kỳ Co - Eo Gió. Những yếu tố nào khiến cho Quy Nhơn cũng như địa điểm này trở nên khác biệt so với các địa điểm du lịch khác?

TRẦN TIẾN DŨNG: Điểm đặc biệt đầu tiên khi mà chúng ta đến với Kỳ Co - Eo Gió, đó là chúng ta sẽ phải sử dụng tàu đi từ đất liền. Mặc dù Kỳ Co - Eo Gió nằm sát trên đất liền, nhưng mà để tới được đây thì chúng ta sẽ phải đi tàu, và thông thường các tour du lịch hiện nay thì bắt đầu từ bờ biển làng chài Nhơn Hải. Sau khi vượt qua 7km đường biển thì chúng ta mới tới được bãi Kỳ Co. Cũng chính vì đặc điểm là nằm khuất sau một dãy núi vốn không có người dân sinh sống, nên bãi biển này được biết tới là một trong những nơi rất hoang sơ với bờ cát trắng dài.

Ngoài ra thì đối với dân mê mô-tô thì cũng có thể chọn cho mình phương án đi vòng quanh quả núi. Trên đường núi thì có một con đường off-road dài hơn 10km để tới bãi biển này. Tuy nhiên, đây cũng là một cuộc thử nghiệm khá nguy hiểm, đòi hỏi các tay lái phải có kinh nghiệm và một chút kiến thức về off-road. Đây thực sự cũng không phải là một trải nghiệm dành cho nhiều người.

Đối với tôi thì lần đầu tiên đến với Kỳ Co là khoảng đầu những năm 2015. Sau gần 10 năm phát triển thì du lịch và dịch vụ của Kỳ Co đã được nâng lên một tầm cao mới. Hiện tại bây giờ thì đã có những khu nhà nghỉ chân, cũng như nhà vệ sinh, nhà tắm tráng, rồi các trò chơi trên biển, skydiving, trò chơi xe máy nước…

Về khoảng thời gian tuyệt vời để thăm thú Kỳ Co thì đó là khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 9 hàng năm. Nếu mà các bạn muốn trải nghiệm một Kỳ Co vắng vẻ thì chúng ta cũng có thể chọn cho mình khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 5. Ngoài ra chúng ta cũng có thể chọn thời gian mà Kỳ Co có thời tiết ổn định hơn, đó là từ tháng 5 tới tháng 7. Đây là khoảng thời gian có thể nói là tuyệt vời nhất của Kỳ Co, tại vì thời tiết rất ổn định và chúng ta sẽ có những ngày nắng dài. Còn kể từ sau tháng 7 tới tháng 9 thì lúc này là mùa mưa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nên thường vào đầu giờ chiều hoặc tầm giờ chiều, hoặc thậm chí cả ngày, sẽ có những cơn mưa giông thường xuyên, việc đi ra và tiếp cận đảo Kỳ Co sẽ trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt là sau khoảng tháng 9 thì đó là mùa rất xấu về mặt thời tiết.

Ngoài ra khi tham quan Kỳ Co - Eo Gió thì các bạn cũng có thể tranh thủ tham quan Hòn Khô, Hòn Sẹo, trải nghiệm cảm giác chèo thuyền kayak rất thú vị ở những nơi này. Đặc biệt vào khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm thì ở đây sẽ có mùa thu hoạch rong mơ. Đây cũng là một món ăn, một dược liệu quý, mà hàng năm thì Dũng cũng như các du khách tới đây để ghi lại hình ảnh của những người nông dân thu hoạch rong mơ.

SBS VIETNAMESE: Anh có thể chia sẻ chi tiết hơn về cách thức cũng như quá trình mà người dân nơi đây cần chuẩn bị để thu hoạch rong mơ không?

TRẦN TIẾN DŨNG: Khu vực mà chúng ta bắt đầu để đi khám phá Kỳ Co là khu vực Nhơn Hải, là một trong những nơi có trữ lượng rong mơ cực kỳ lớn của Quy Nhơn. Quy trình khai thác thực ra cũng khá nguy hiểm và đòi hỏi những người nông dân ở đây phải có một số kỹ năng, ví dụ như lặn. Vì trong quá trình khai thác, ngư dân sẽ phải sử dụng một bình oxy, người ta lặn sâu từ 1m tới 10m xuống dưới mực nước biển. Lúc này sẽ có một ngư dân nữa ở trên ghe hay thuyền thúng, người ta sẽ chờ, và người lặn xuống sẽ sử dụng những cái dao rất là sắc để cắt rong. Người trên ghe lúc này có nhiệm vụ dùng cái rào dài, gom những cây rong mới được cắt mang về.

Công việc này đòi hỏi sự phối hợp của cả hai người, cả người cắt lẫn người gom, phải luôn luôn chú ý tới tình trạng oxy của người thợ lặn, tại vì những thiết bị lặn ở đây người ta cũng sử dụng rất là thô sơ thôi. Ngoài ra cũng phải cẩn thận để không bị những cây rong quấn, làm rối dây lặn hay quấn vào chân tay. Đây thực sự là một công việc rất nguy hiểm và đòi hỏi sức khỏe tốt, cũng như kinh nghiệm phong phú. Tuy nhiên, đây cũng là một công việc mà kiếm cho bà con một nguồn thu nhập rất tốt và ổn định.

SBS VIETNAMESE: Ngoài Kỳ Co - Eo Gió thì Quy Nhơn còn có những địa điểm nào đặc sắc nữa?

TRẦN TIẾN DŨNG: Thành phố Quy Nhơn thực ra là một thành phố cũng không phải quá lâu đời. Tuy nhiên, nếu mà nói tới nền văn hóa thì chúng ta sẽ có một công trình kiến trúc rất đặc sắc của người Chăm, đó là Tháp Bánh Ít. Đây là một trong số những cái tháp rất đặc trưng của khu vực miền Trung, và là cụm tháp gồm bốn ngôi tháp được xây dựng trên một đỉnh đồi. Hiện nay để tham quan được cụm thác này thì chúng ta phải di chuyển ra khỏi trung tâm thành phố khoảng 10km về phía Bắc. Ngoài những giá trị văn hóa như là cụm tháp Chăm, thì cuộc sống nơi đây thì cũng rất đáng để trải nghiệm, ví dụ như gần Tháp Bánh Ít có làng bún An Thái, hay làng chài Nhơn Hải là những điểm mà khách du lịch thường xuyên lui tới, để ngoài những cảnh đẹp thì chúng ta còn được khám phá về cuộc sống của nơi này.
Banh_It2.jpg
Tháp Bánh Ít Credit: Wikipedia
SBS VIETNAMESE: Một số người nói là về An Thái, ăn bún song thằn tiến vua. Không biết anh đã có cơ hội tham quan làng An Thái và thử qua món bún song thằn chưa?

TRẦN TIẾN DŨNG: Rất may mắn là trong chuyến đi khảo sát Bình Định vào năm 2015 thì tôi đã có dịp tới và tham quan làng bún An Thái, và tôi cũng đã trở lại làng bún An Thái này rất nhiều lần. Lần đi khảo sát Bình Định đó thì tôi đi vào dịp cận Tết, khi mà hơn 60 hộ dân ở đây đang gấp rút sản xuất bún, nên dọc theo bờ đê An Thái, bà con tranh thủ phơi bún khô, làm ngày làm đêm, làm sao cho ra được nhiều mẻ bún nhất để còn kịp trả hàng vào dịp Tết. Nên tôi đã được chứng kiến một khung cảnh thực sự là đẹp, dọc theo bờ đê An Thái là những mẻ bún được phơi màu vàng rất đẹp.

Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì làng nghề An Thái được biết tới là một khu đô thị cực kỳ sầm uất, và các nghề thủ công rất phát triển như nghề rèn, đúc kim loại, nghề mộc, nghề giấy, nghề dệt lụa, nhuộm và đặc biệt là nghề làm bún. Nhưng hiện nay duy nhất còn tồn tại thì chỉ có nghề làm bún thôi, và bây giờ đã phát triển thành thương hiệu bún An Thái.

Bún An Thái được chia làm ba loại bún chính: bún mì, bún gạo, và bún song thằn. Mỗi loại bún thường có giá thành rất khác nhau. Trong đó, bún mì và bún gạo rất đơn giản, mhưng mỗi công đoạn thì thường là sẽ được các gia đình, cơ sở có những bí quyết riêng để họ chế biến.

Còn riêng đối với bún song thằn hiện tại thì chỉ có vài hộ sản xuất ở đây thôi, không có nhiều. Thông thường thì những sợi bún chỉ là sợi bún đơn, còn sợi bún song thằn thì người ta sẽ bắt hai sợi bún lại với nhau thành từng đôi một, nên mới có từ “song” trong “song thằn”. Bản chất thì bún này được làm từ đậu xanh, và 5kg đậu xanh thì mới cho ra được 1kg bún, nên những sản phẩm bún song thằn thường có giá trị rất cao và không thông dụng. Rất may mắn là tôi cũng đã có mua được một gói bún song thằn về để thử. Và thực sự là vị của bún này rất khác biệt so với những loại bún thông thường khác.

SBS VIETNAMESE: Ngoài món bún song thằn thì anh có thể gợi ý thêm một số đặc sản địa phương mà khách du lịch nên thử không?

TRẦN TIẾN DŨNG: Thực sự là tới Quy Nhơn thì chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho mình một cái bụng rất là lớn để có thể khám phá hết được những món đặc sản ở nơi này. Bởi vì Quy Nhơn có một số lượng đặc sản từ những món ăn cho bữa phụ cũng như bữa chính trong ngày rất phong phú. Cụ thể như ở đây thì có thể kể tới là món bún cá. Bún cá thì đâu cũng có, nhưng mà bún cá ở đây thì rất là đặc trưng, vì họ sử dụng hải sản tươi sống. Nguồn nguyên liệu cá ở đây được sử dụng là cá biển và là cá tươi đánh bắt hàng ngày, nên cho ra một hương vị rất đặc trưng của Quy Nhơn, đặc biệt là được sử dụng với nước ninh xương, mà xương ở đây mà người ta sử dụng là xương cá.

Ngoài ra thì cũng có thể kể đến những món đặc sản liên quan tới cá, ví dụ như là món cháo cá kho. Như người Việt chúng ta thì việc ăn cơm với cá kho là việc hết sức bình thường, nhưng mà thực sự là một bát cháo với cá kho thì nó sẽ đậm đà hương vị hơn rất nhiều lần. Cá được sử dụng để kho ở trong cháo là cá nục. Đây là một loại cá biển rất ngon và chắc thịt. Đây cũng là một món mà rất là khuyến khích bà con khi mà tới tham quan Quy Nhơn, chúng ta cũng rất là nên thử.

Ngoài ra thì hầu như món hải sản nào ở Quy Nhơn thì cũng đều rất ngon, do hàng ngày lượng thuyền ra khơi lớn và phong phú về chủng loại, thế nên giá thành ở Quy Nhơn thì đặc biệt là sẽ rẻ hơn so với những điểm du lịch khác.

Dũng đã từng rất may mắn được thưởng thức món tôm hùm nướng phô mai, thì thường là sẽ được phục vụ ở trong những nhà hàng cao cấp. Nhưng mà ở đây thì được phục vụ tại một quán ven đường với phong cách nướng thuyền chài rất đơn sơ và giản dị tại Quy Nhơn, mà chỉ có hai trăm ngàn thôi.

SBS VIETNAMESE: Ngoài các món hải sản thì anh có ấn tượng với các loại đặc sản nào nữa không?

TRẦN TIẾN DŨNG: Ngoài những món ăn mặn đó thì chúng ta còn một danh sách cực kỳ dài, những món bánh cực kỳ hấp dẫn, ví dụ như là món bánh ít lá gai, bánh hồng, bánh mặn… Đấy là những cái bánh cực kỳ đặc trưng của nơi này. Đặc biệt là món bánh hồng, nó chỉ nhỏ một chút xíu thôi, và được làm từ gạo nếp ngự. Đây là một loại bánh mà có lớp vỏ màu trắng đục, bên trong là nhân sữa dừa béo ngậy, dẻo và giòn. Đây thực sự là một món ăn rất cuốn, và hầu như những ai đi tới Quy Nhơn thì rất hay mua món bánh hồng này để làm quà đặc sản về cho người thân của mình.
Martial-arts-statue,-Quy-Nhon-beach,-1500px.jpg
Một bức tượng võ sinh trên biển Quy Nhơn. Credit: Wikipedia
SBS VIETNAMESE: Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, mà mỗi khi nhắc tới tỉnh Bình Định thì điểm nhấn quan trọng không thể bỏ qua là hình ảnh võ cổ truyền Bình Định. Không biết anh có cơ hội quan sát và trải nghiệm bộ môn này chưa?

TRẦN TIẾN DŨNG: Đúng vậy, Bình Định rất nổi tiếng với các môn võ truyền thống ở đây. Việc tập võ này đã có từ thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, và khi mà chúng ta đi về những vùng quê như là những vùng xung quanh An Nhơn thì có thể dễ dàng tìm được những lò võ để tham quan và tìm hiểu. Ví dụ ở Bình Định hiện nay có tới khoảng tầm gần hai trăm câu lạc bộ võ thuật, và có một lượng võ sinh đều đặn tham gia có thể lên tới hàng ngàn người, nên việc ra đường và gặp một võ sư ở Bình Định là một việc hết sức đơn giản. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh các bạn trẻ đang cùng nhau tập luyện võ ở trên đường. Đây cũng là một cơ hội rất hay để chúng ta tìm hiểu thêm một chút về văn hóa của Quy Nhơn, Bình Định.

SBS VIETNAMESE: Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ về thành phố Quy Nhơn trong chương trình ngày hôm nay. Rất mong được gặp lại anh trong những chương trình sau để cùng khám phá các địa điểm du lịch không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

TRẦN TIẾN DŨNG: Cảm ơn quý khán thính giả đã dành thời gian theo dõi và hy vọng đã cung cấp thêm được những thông tin bổ ích cho chuyến du lịch sắp tới của quý cô chú anh chị. Xin phép được gửi lời chào thân ái và hẹn gặp lại.

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

Share