Các bước chuẩn bị hồ sơ quan chức "tham nhũng" vi phạm nhân quyền cho Magnitsky Act

Capitol Building

Capitol Building Source: AAP

Tổ chức cứu người vượt biển BPSOS tại Hoa Kỳ phối hợp cùng 19 tổ chức nhân quyền quốc tế khác lập danh sách quan chức vi phạm nhân quyền nộp lên Bộ ngoại giao để thực thi Luật Magnitsky chế tài, tịch thu tài sản quan chức Việt Nam tại Hoa Kỳ.


Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama vào những ngày tháng cuối nhiệm kỳ (23/12/2016) đã ký tên công nhận Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act), áp dụng các biện pháp chế tài trên toàn thế giới và cho phép áp đặt lệnh trừng phạt chống lại tất cả những cá nhân đã tham gia các hoạt động tham nhũng và vi phạm nhân quyền, kể cả các quan chức Việt Nam.

Nếu bị xếp vào danh sách vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, các cá nhân, quan chức ở Việt Nam, có thể bị Hoa Kỳ hạn chế nhập cảnh hoặc đóng băng tài sản. Đạo luật Magnitsky cũng áp dụng cho các cá nhân bị kết tội tham nhũng, biển thủ và một số tội danh khác.
Sau ba tháng, đạo luật này đã có tiến triển như thế nào?

Bích Ngọc phỏng vấn TS Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Uỷ ban Cứu người vượt biển BPSOS để tìm hiểu tiến trình thực hiện đạo luật này.

Phương án hành động chung

Ngày 8 tháng 2 vừa qua Uỷ ban Cứu người vượt biển BPSOS là một trong khoảng 20 tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ (cùng với Freedom House, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, Ban nhân quyền của Luật sư đoàn Hoa Kỳ, các tổ chức Nhân quyền của Trung Đông, Tây Tạng…) họp bàn kế hoạch chung để vận động chính quyền Hoa Kỳ thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu và áp dụng biện pháp chế tài đối với các giới chức đàn áp nhân quyền trầm trọng ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những tổ chức trước đây đã cùng nhau vận động cho Luật Magnitsky Toàn Cầu.

Các tổ chức này đã đồng ý về một phương án hành động chung, với mốc điểm chính là ngày 10 tháng 12, 2017, tức Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Mục tiêu là vào ngày ấy, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ chế tài một số giới chức chính quyền thuộc các quốc gia trọng điểm.

Ngoài việc góp phần với phương án chung kể trên, Uỷ ban Cứu người vượt biển BPSOS có phương án riêng tập trung vào Việt Nam, và sẽ huy động mạng lưới cộng sự viên người Việt ở nhiều thành phố và tiểu bang để thúc đẩy việc chế tài số lượng lớn hơn các giới chức chính quyền, lãnh đạo đảng Cộng Sản, và cá nhân đồng loã ngoài chính quyền.

Các tổ chức tham gia buổi họp ngày 8 tháng 2 sẽ gom chung các hồ sơ từ nhiều quốc gia, mỗi quốc gia khoảng 3 - 5 hồ sơ “mạnh” nhất, chọn theo các tiêu chuẩn sau:

(1) Có yếu tố tra tấn, hãm hiếp, gây tử vong, hay bắt đi mất tích;

(2) Có thông tin rõ ràng, cụ thể và được công nhận bởi quốc tế;

(3) Có thể quy trách nhiệm lên các thủ phạm thừa hành hay ra chỉ thị;

(4) Có thể nhận diện các thủ phạm qua hình ảnh, ngày tháng năm sinh, và tên chính thức.

Luật Magnitsky Toàn Cầu không quy định giới hạn thời gian cho các hồ sơ xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên các nước, trong đó có Việt Nam sẽ tập trung vào các hồ sơ từ 3 năm trở lại đây (kể cả những vụ vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng đã xảy ra trước đó nhưng tiếp diễn cho đến cách đây không quá 3 năm).

Trong năm nay, sẽ nhắm vào các viên chức chính quyền cấp trung (như Giám Đốc Sở Công An và Viện Kiệm Sát cấp tỉnh, vụ trưởng, chánh án...). Quyết định này mang tính cách chiến thuật để làm giảm sự quan ngại, nếu có, của một số giới chức Hành Pháp và Lập Pháp rằng chế tài cấp lãnh đạo của một quốc gia có thể tạo khó khăn cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Sau đó, có thể sẽ “leo thang” dần lên những cấp cao hơn trong những năm sau đó.

Việc chọn lựa hồ sơ sẽ hoàn tất đầu tháng 3. Tháng 4, sẽ thực hiện vận động dư luận qua nhiều phương tiện truyền thông, những buổi họp báo, những hội nghị, và một số buổi điều trần tại Quốc Hội.

Mục tiêu là đưa các quốc gia “trong tầm ngắm” vào bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao, nộp cho Quốc Hội ngày 10 tháng 12, 2017, tức Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Ghi chú: Đây sẽ là bản phúc trình lần 2 về thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu; theo luật định, Bộ Ngoại Giao phải nộp bản phúc trình đầu tiên cho Quốc Hội ngày 30 tháng 4, 2017.

BPSOS hiện đang hoàn chỉnh 5 hồ sơ từ tổng số khoảng 100 bản báo cáo vi phạm nhân quyền đã nộp cho Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và nhiều cơ quan quốc tế trong 3 năm qua.

Phương án riêng đối với Việt Nam

Trên đây là phương án chung của nhiều tổ chức nhân quyền ở Hoa Kỳ nhắm vào nhiều quốc gia. Song song, BPSOS bắt đầu thực hiện phương án gồm 3 giai đoạn nhắm riêng vào Việt Nam.

Giai đoạn 1

Cuối tháng 1 vừa qua, BPSOS đã gửi cho Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) danh sách trên 100 thủ phạm liên can đến 31 vụ đàn áp tự do tôn giáo xảy ra trong năm 2016. Các thủ phạm này đã đích thân thực hiện các hành vi đàn áp. Đồng thời, BPSOS cũng đã gởi một danh sách gồm 76 tù nhân tôn giáo Việt Nam cho Bộ Ngoại Giao và USCIRF.

Ngày 1 tháng 2, BPSOS tổ chức buổi hội thảo ở Quốc Hội về áp dụng các biện pháp trừng phạt của Luật Magnitsky Toàn Cầu lên Việt Nam, với sự tham gia của một số tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ, một số nhân viên Quốc Hội, và vị Chủ Tịch USCIRF.

Cuối tháng 2, BPSOS sẽ bổ sung danh sách để bao gồm một số giới chức cấp trung liên can đến các vụ đàn áp mà BPSOS đã theo dõi và báo cáo từ năm 2014 đến nay.

Tháng 3 - 4, BPSOS sẽ vận động Quốc Hội yêu cầu Bộ Ngoại Giao trả lời về danh sách các thủ phạm Việt Nam, trước khi hoàn tất bản phúc trình lần 1 gởi Quốc Hội ngày 30 tháng 4, 2017.

Giai đoạn 2

Cuối tháng 5, BPSOS sẽ soạn danh sách bổ sung dựa trên những hồ sơ đàn áp mới xảy ra trong năm 2017, để dùng cho cuộc tổng vận động vào cuối tháng 6.

Cuôi tháng 6, BPSOS sẽ tổ chức Ngày Vận Đông Cho Việt Nam lần 7 tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Mỗi phái đoàn đến từ các thành phố và tiểu bang sẽ có một danh sách thủ phạm để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản. BPSOS sẽ phối hợp thực hiện buổi điều trần về đề tài này ở Quốc Hội.

Giai đoạn 3

Tháng 7 – 11, BPSOS sẽ phối hợp với mạng lưới cộng sự viên ở nhiều thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ để tiếp tục vận động từng dân biểu và thượng nghị sĩ đòi hỏi Toà Bạch Ốc đưa một số giới chức Việt Nam vào danh sách chế tài khi nộp bản phúc trình lần 2 cho Quốc Hội (ngày 10 tháng 12, 2017).

Cuối tháng 12, BPSOS sẽ tổ chức buổi hội thảo ở Quốc Hội về bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao, tổng kết công tác năm 2017 và đề ra kế hoạch cho năm 2018.

Những hoạt động trên đây, mà mục đích là thúc đẩy việc thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu, là một phần trong kế hoạch tổng vận động Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ năm 2017. Kế hoạch này còn có nỗ lực vận động Quốc Hội thông qua Luật Nhân Quyền Việt Nam.

Ngoài “Hoa Kỳ vận”, chương trình quốc tế vận của BPSOS năm 2017 còn:

(1)    Vận động Luật Magnitsky Toàn Cầu ở nhiều quốc gia khác như: Canada, Anh Quốc, Na Uy và Nam Phi trong sự phối hợp với các tổ chức nhân quyền ở mỗi quốc gia này.

(2)    Vận động sự ủng hộ của cộng đồng các tổ chức xã hội dân sự trong vùng Á Châu – Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á.

Quốc tế vận là một trong 2 lĩnh vực của kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam, mà BPSOS công bố năm 2010 và bắt đầu triển khai năm 2011. Lĩnh vực thứ hai là phát triển xã hội dân sự ở trong nước.

(Trích thông cáo báo chí của Uỷ ban cứu người vượt biển BPSOS)


Share