Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố Julian Assange thêm tội danh

The US is seeking to extradite Assange for alleged computer hacking.

The US is seeking to extradite Assange for alleged computer hacking. Source: AAP

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa truy tố thêm 17 tội danh gián điệp đối với người đồng sáng lập Wikileaks, ông Julian Assange. Các cáo trạng mới buộc tội ông đã nhận và công bố phi pháp tên của những nguồn tin được bảo mật.


Hồi tháng Tư Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chỉ truy tố ông Assange có một tội danh là thông đồng với Manning xâm nhập computer của chính phủ vào năm 2010 và công bố hàng trăm ngàn báo cáo quân sự của Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Nhưng bây giờ ông Assange đối mặt với 18 cáo trạng. Bộ Tư Pháp Mỹ cáo giác không những ông hỗ trợ và khuyến khích binh nhìn Bradley Manning ăn cắp tài liệu mật, mà còn đe dọa tính mạng của nhiều nguồn tin khi công bố phi pháp danh tính của họ.

Cố vấn cho chiến dịch đòi tự do cho ông Assange là luật sư Greg Barns giải thích các cáo trạng mới mở rộng vụ án.

"Có nghĩa là tất cả những gì ông Assange công bố liên quan đến cuộc chiến Afghanistan và cuộc chiến Iraq, bất cứ gì Wikileaks công bố đều bị qui tội hình."

Luật sư Barns nói chính phủ tổng thống Donald Trump muốn gởi đi một thông điệp chính trị.

"Các cáo trạng này đã có từ thời chính phủ Obama, nhưng chính phủ Obama quyết định không truy tố, căn bản là vì chính phủ biết các cáo trạng vi phạm quyền tự do ngôn luận có trong hiến pháp. Nhưng chính phủ Trum muốn ông Assange và bất cứ ai tương tự, là chính phủ sẽ mạnh tay với những ai thực thi quyền tự do ngôn luận liên quan đến Hoa Kỳ."

Hoa Kỳ đang hy vọng có thể dẫn độ ông Assange về Mỹ để xét xử. Luật sư của ông Assang, bà Jennifer Robinson vụ án này liên quan đến quyền tự do ngôn luận.

"Tiền lệ này có nghĩa là bất kỳ ký giả nào cũng có thể bị dẫn độ về Mỹ để ra tòa vì đã công bố những sự thật về nước Mỹ."   
   
Chủ tịch nghiệp đoàn Truyền thông, Giải trí và Nghệ thuật, ông Marcus Strom quan ngại cho quyền tự do báo chí.

"Đây là một quan ngại lớn. Chính phủ này trấn áp những tường thuật về an ninh quốc gia, và khả năng của các ký giả tường thuật những gì công chúng quan tâm mà họ nhận được từ một nguồn tin."

Ông Strom kêu gọi chính phủ Úc hãy can thiệp giúp công dân của mình.

"Họ cần phải làm nhiều hơn chỉ là thăm viếng lãnh sự cho ông Julian Assange, là điều họ hiện đang làm. Chuyện này đụng đến cốt lõi của quyền phát hành những thông tin mà công chúng quan tâm, và chính phủ Úc nên yêu cầu nhà chức trách ở Anh chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ."

Nhưng thủ tướng Scott Morrison đã loại trừ mọi sự can thiệp đặc biệt cho ông Assange.

Hồi tháng Tư, cảnh sát Anh đã bắt ông Assange ngay sau khi Ecuador ngưng quy chế tị nạn 7 năm của ông trong 
tòa đại sứ Ecuador ở London.

Ông Assange được cựu tổng thống Rafael Correa của Ecuador cho tị nạn, nhưng tân tổng thống Lenin Moreno chỉ trích ông Assange tiếp tục làm việc cho Wikileaks trong lúc ẩn náu và gây hấn với nhân viên an ninh của tòa đại sứ Equador.

Tổng thống Moreno nói ông Assange đã vi phạm quy chế tị nạn.

“Chính phủ chúng tôi tôi trọng những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và hiến pháp khi công nhận quyền xin tị nạn. Cấp hoặc thu hồi tư cách tị nạn là quyền bất khả xâm phạm của Ecuador theo luật pháp quốc tế. Thái độ ích kỷ và hung hăng của ông Julian Assange đã khiến tư cách tị nạn của ông ấy không còn phù hợp và kéo dài được nữa.”

Hiện công dân Úc 47 tuổi Julian Assange đang thọ án 50 tuần tù giam ở Anh vì vi phạm bảo lãnh tại ngoại  năm 2012. Sẽ còn hai phiên nghị án dẫn đô vào cuối tháng này và đầu tháng 6. Kristinn Hrafnsson, Chủ biên của Wikileaks nói đây là một cuộc chiến đòi tự do khó khăn và còn kéo dài. 


Share