Bạo hành trong gia đình ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

Sad girl

Little girl with curly hair sits on grass and cries into her arms. Source: Moment RF

Đối với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc và êm ái nhất trong những năm tháng đầu đời. Nhưng trên thực tế có rất nhiều trẻ đã không được sống trong một gia đình như vậy.


Đã có nhiều nghiên cứu về hậu quả của việc bạo hành gia đình đối với phụ nữ, nhưng đối với trẻ em, dù trực tiếp hay gián tiếp, vẫn chưa có nhiều tài liệu cho biết.

Được sống cùng cha mẹ và những người ruột thịt khác, được hưởng tình yêu thương cũng như sự chăm sóc về vật chất và tinh thần là quyền chính đáng của mọi đứa trẻ. Thế nhưng vẫn còn nhiều trẻ em đang là nạn nhân của những gia đình có cha hoặc mẹ liên quan đến vấn nạn bạo hành, và hậu quả để lại là các em gặp khá nhiều rắc rối về mặt cảm xúc trong giai đoạn sau này.

Trầm cảm, chậm phát triển hoặc trở nên hung hãn

Chị Thi Nguyễn, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm tiếp xúc và gặp gỡ với các nạn nhân bị bạo hành trong gia đình, giải thích, bạo hành có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, có thể bạo hành về tinh thần, về thể xác, về tình dục, về xã hội, về những lời nói…

Đối với những bạo hành về tình cảm (emotional abuse), chẳng hạn ở những gia đình có cha mẹ thường xuyên cãi nhau sẽ khiến con cái cảm thấy mình không có giá trị, từ đó sinh ra những hiện tượng như trầm cảm, hồi hộp, mất ngủ…  Các em cũng thường sợ sệt khi cha mẹ cãi nhau dẫn đến học hành không được. Từ trong môi trường đó, nhiều em trở nên bản tính hung hãn.

Đối với bạo hành về thể chất (physical abuse), đó là những trường hợp trẻ bị đánh đập, có thể do cố ý, cũng có thể do văn hóa dạy con ở một số nước. Bạo hành dạng này có thể gây ra tổn thương về thể chất cho trẻ, hoặc làm cho trẻ em bị chậm phát triển.

"Có những trường hợp các em bỏ đi, trốn tránh, vì đã bị chính cha đẻ bạo hành trực tiếp, khi về nhà thấy xe của cha thì sẽ không vào nhà, hoặc phải đợi mẹ về hoặc có một người khác ở trong nhà thì trẻ mới vào nhà, vì trẻ sợ có một mình nó ở nhà, thì ba nó lại tiếp tục giở những hành vi bạo lực," chị Thi kể.
violence
Trẻ sống trong môi trường bị bạo hành sợ tiếp xúc với mọi người. Source: Pixabay
Bạo hành thể xác còn ở hình thức gián tiếp khi các trẻ em phải chứng kiến cảnh hành hung, nghe những lời cãi vã, để rồi những hình ảnh ấy dần ăn sâu vào óc bọn trẻ.

"Các em sẽ tự hỏi tại sao gia đình mình phải sống trong sự đau khổ như vậy, nó lo lắng cho sự an toàn của mẹ, của em. Khi nó lớn lên, nó cảm thấy thế giới xung quanh không an toàn cho nó. Khi kết bạn nó cũng không có sự tin tưởng vào bản thân.

"Hoặc có nhiều em bị ảnh hưởng hành vi từ người cha, nhất là con trai, đối xử rất hung hãn, coi thường mẹ, vì đó là cái cách mà nó lớn lên từ nhỏ."

Ngoài ra còn có bạo hành về mặt xã hội, chẳng hạn như không cho con cái đi ra ngoài chơi với bạn bè, không được tiếp xúc, không được liên lạc, không được điện thoại. Từ đó xảy ra sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, làm cho các em mất đi sự tự tin về bản thân mình, trở nên rụt rè, không muốn tiếp xúc với ai.
violence
Trẻ trốn tránh bạo hành gia đình. Source: Pixabay

Tuổi thơ bị đánh cắp

Tuổi thơ là lứa tuổi phải được vui chơi, phải nhận được sự chăm sóc của cả cha và mẹ. Cho nên sẽ rất bất công cho một đứa trẻ khi phải lo lắng cho gia đình, phải suy nghĩ cho những chuyện của người lớn.

Một đứa trẻ bị bạo hành hoặc sống trong môi trường bạo hành đã bị mất đi tuổi thơ, suốt ngày phải sống trong hồi hộp, không biết hôm nay ba về có uống rượu hay không, có chửi mắng hay không.

Kinh khủng hơn, đó là trường hợp bị bạo hành tình dục ngay trong gia đình.

Đối với hình thức bạo hành này, ở một số cộng đồng, đây là một vấn đề nhạy cảm và rất xấu hổ.

"Nhiều khi người con nói cho mẹ biết là mình bị chính cha ruột bạo hành tình dục, nhưng người mẹ không tin, cho rằng con mình đặt chuyện, làm sao cha nó có thể làm những chuyện bậy bạ như vậy," chị Thi cho biết.

"Những người mẹ thường thấy xấu hổ, không dám và cũng không muốn cho người khác biết. Kết quả là chính đứa trẻ đó phải chịu hậu quả kéo dài và ảnh hưởng rất lâu trong cuộc đời sau này."
violence
Trẻ sống trong môi trường bị bạo hành. Source: Pixabay

Người mẹ luôn đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào

Người mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình, là người ảnh hưởng đến cách giáo dục con cái trong gia đình. Do đó người mẹ cần hiểu vấn đề bạo hành ảnh hưởng như thế nào đến tâm sinh lý của trẻ, giúp trẻ có thể diễn tả được những tình cảm.

Chị Thi Nguyễn đưa ra lời khuyên, là người mẹ nên nói với các con những lời yêu thương, khẳng định lại tình yêu của cha mẹ đối với con, cố gắng ủng hộ các con, tìm các hoạt động về thể dục thể thao, hay nghệ thuật, vẽ, nhảy, để con mình có sự gần gũi hơn với cha mẹ và cũng tốt cho chính các con.

Người mẹ không nên xấu hổ về những vấn đề bạo hành trong gia đình, đó là tệ nạn của xã hội và không phải là vấn đề của riêng của gia đình nào.

Chị Thi Nguyễn cho biết vấn đề bạo hành trong gia đình đã xảy ra từ lâu nhưng chỉ gần đây vấn đề mới được đề cập nhiều hơn. Các cộng đồng cũng được phổ biến nhiều hơn nên các chị em mới biết đến những nơi có thể cung cấp sự giúp đỡ.

"Theo văn hóa của người Việt, trong gia đình người đàn bà lúc nào cũng phải ráng chịu đựng để giữ mái ấm gia đình. Nếu gia đình có chuyện lộn xộn hay không vui thì lúc nào người phụ nữ cũng nghĩ là mình không khéo, không biết chiều chồng, mình không biết dạy con. Cho nên người phụ nữ gánh mọi trách nhiệm.

"Đa số trường hợp, chính những người hàng xóm là những người phát hiện ra vì cãi vã rất lớn, hoặc đánh đập, rượt đuổi. Lúc đó hàng xóm mới can thiệp gọi cảnh sát, chứ người vợ rất ít khi gọi cảnh sát, vì nghĩ dù sao đó cũng là chồng mình, nên ráng nhịn, và đôi khi họ không biết tiếng Anh nên sợ liên lạc cảnh sát."
domestic
Bạo hành trong gia đình ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Source: Pixabay
Nhưng phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, chị em phụ nữ cần hiểu rằng họ có quyền được sống trong sự an toàn để tạo ra môi trường an toàn cho con cái. Đó là bổn phận và trách nhiệm của cả hai vợ chồng chứ không phải của riêng gì người phụ nữ.

Người mẹ nên tham gia vào các lớp học do cộng đồng hay do Chính phủ tổ chức để biết cách tạo ra môi trường an toàn, hạnh phúc cho con cái phát triển. Dù gia đình có chuyện không hay thì vấn đề dạy dỗ con cái là vấn đề rất cần thiết. 

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share