Bạo hành gia đình: Góc nhìn của Di trú Úc

Thời gian vừa qua, Bộ Di Trú có thống kê cụ thể số trường hợp bị bạo hành có liên quan đến hồ sơ xin định cư bảo lãnh theo diện vợ chồng. Con số làm cho người đọc nhức nhối!

domestic violence fist

Migrant women at risk of domestic violence. Source: Pixabay

Tại Úc, bạo hành gia đình được định nghĩa theo bộ Luật Gia Đình ban hành năm 1975 là ‘sự cưỡng bức, đe doạ hoặc các hành vi của một người khiến cho người khác trong gia đình phải sợ’.

Trong phạm vi của người Việt Nam mình, phụ nữ thường được coi là những số phận mềm yếu và đa số phụ thuộc vào bạn đời của mình. Các hành động này cũng thường khiến cho đàn ông thường hay ‘ăn hiếp’ phụ nữ.

Khoảng 10 năm gần đây, khi các hội bảo vệ nhân quyền cũng như bảo vệ quyền lợi của phụ nữ được nhiều người biết đến hơn thì cũng là lúc các phương tiện truyền thông tuyên truyền về bình đẳng giới tính thì mới vỡ lẽ rằng có rất nhiều cặp vợ/chồng hoặc sống chung nhưng không được hạnh phúc… thậm chí không biết rằng mình đang là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Bạo hành gia đình là gì?

Bạo hành gia đình được tóm tắt chia thành 5 nhóm chính như sau:

  1. Thể xác – Tát, đấm, đá hay các tác động trực tiếp đến sức khoẻ
  2. Tình dục – Cưỡng ép quan hệ
  3. Tinh thần – La, mắng, chửi bới hoặc lạnh nhạt với bạn đời
  4. Xã hội – Ngăn cản và không cho tiếp xúc với gia đình hay bạn bè
  5. Tài chánh – Lệ thuộc hoàn toàn chuyện tiền bạc, không được có tiền trong người 
Sống trong một xã hội văn minh như Úc, ai cũng nghĩ rằng ‘bạo hành gia đình’ ít khi xảy ra nhưng trên thực tế, đa số nạn nhân của bạo hành gia đình đều im hơi lặng tiếng. Im tiếng vì họ muốn níu kéo mối quan hệ hay cũng có thể im tiếng vì họ sợ một điều gì đó.

Hiệp ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị còn được gọi là ICCPR (International Covenant on Civil and Political Rights) là một hiệp ước quốc tế do Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 16/12/1966 nêu tổng quan các quyền dân sự và hiệp ước này cũng công nhận rằng gia đình luôn là nền tảng của xã hội, bởi vậy hạnh phúc là trên hết.

Trong hôn nhân, hai người thường đến với nhau một cách tự nguyện, nhưng chẳng phải cuộc hôn nhân nào cũng được vĩnh cửu. Có những gia đình sống một cuộc đời hạnh phúc dựa trên cơ sở tình yêu của vợ chồng, nhưng có những gia đình kém may mắn hơn. Hai chữ gia đình trở thành địa ngục đối với họ. Ban đầu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, sau đó họ trở thành nạn nhân bị bạo hành.

Đa phần những nạn nhân này thường im lặng vì mặc cảm của bản thân, hoặc họ im lặng vì họ bị đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của mình.

Di trú Úc và số liệu các trường hợp là nạn nhân của bạo hành gia đình

Thời gian vừa qua, Bộ Di Trú và Bảo vệ Biên giới Úc có thống kê cụ thể số trường hợp bị bạo hành có liên quan đến hồ sơ xin định cư bảo lãnh theo diện vợ chồng. Những trường hợp này ban đầu rất hạnh phúc, bên chồng (hoặc vợ) là người có quốc tịch hay có thường trú của Úc, họ đứng đơn xin bão lãnh cho một nửa của mình được ở lại Úc lâu dài để cả hai có điều kiện yêu thương chăm sóc nhau và xây dựng một gia đình bền vững. Nhưng trong quá trình sinh sống người được bảo lãnh đã trở thành nạn nhân của sự bạo hành.

Đây là số liệu cụ thể được Bộ Di Trú và Bảo vệ Biên giới Úc thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây (01/05/2005 - 30/06/2016)
Family violence and partner visa data in vietnamese
Source: SBS Vietnamese
Theo thống kê của Bộ Di Trú và bảo vệ biên giới Úc thì có ba trường hợp sau:

  1. Có phán quyết của tòa: người bị hại đã kiện ra tòa và được tòa tuyên bố là người bị hại trong vụ bạo hành gia đình;
  2. Có xác nhận của chuyên gia: người bị hại đã được chuyên gia tâm lý hoặc các tổ chức xã hội xác nhận là người bị hại trong vụ bạo hành gia đình;
  3. Những nạn nhân báo mình là người bị hại nhưng chưa có xác thực của các giới chức liên quan.
Tổng số nạn nhân của tệ nạn bạo hành gia đình trong 10 năm từ 2005-2016 là 6,835 trường hợp trong đó có 5,603 trường hợp là phụ nữ, 1,232 trường hợp là đàn ông.

Căn cứ vào báo cáo trên có thể thấy, tổng số nạn nhân bị bạo hành không có khuynh hướng giảm trong 10 năm qua, cụ thể là năm 2005-2006 tổng số nạn nhân là 516, trong khi đó trong năm 2015-2016 là 535 nạn nhân.

Số người là nạn nhân của bạo hành gia đình cao nhất vào năm 2011-2012 với 855 trường hợp trong đó có tới 402 nạn nhân không dám kiện ra tòa hay nhờ chuyên gia giúp đỡ.

Từ năm 2011 đến 2016 tổng số nạn nhân có khuynh hướng giảm từ 855 chỉ còn 535 nạn nhân. Điều gây ấn tượng nhất ở đây là năm 2011-2012 có tới gần một nửa trong tổng số nạn nhân của năm này không khởi kiện hay nhờ chuyên gia giúp đỡ, nhưng đặc biệt đến năm 2015-2016 có hơn 85% nạn nhân đã khởi kiện ra tòa hoặc nhờ chuyên gia giúp đỡ (449/535 nạn nhân).
Để phân tích sâu và cụ thể hơn về giới tính chúng ta có thể thấy ở biểu đồ dưới đây:
Family violence and partner visa data in vietnamese
Source: SBS Vietnamese
Nạn nhân của bạo hành gia đình chủ yếu là phụ nữ. Năm 2015-2016 có tổng số 459 trường hợp là người bị hại.

Qua biểu đồ trên có thể thấy: số nạn nhân nữ bị bạo hành gia đình cao nhất là vào năm 2011-2012 với 669 trường hợp và thấp nhất vào năm 2006-2007 với 429 trường hợp. Tổng quan trong 10 năm từ năm 2005 đến 2016 số nạn nhân không hề giảm, nhưng số nạn nhân không dám khởi kiện hay báo cáo các cơ quan quan chức năng giảm đi đáng kể, cụ thể từ năm 2011-2013 mỗi năm có trên 300 trường hợp không báo cáo nhưng đến năm 2016 chỉ còn hơn 50 trường hợp không báo cáo.

Bạo hành gia đình thường mọi người nghĩ nạn nhân chủ yếu là nữ nhưng theo số liệu thống kê rất bất ngờ, tổng số nạn nhân nam bị bạo hành gia đình trong 10 năm qua (từ 2005-2016) là 1,232 trường hợp.
Family violence and partner visa data in vietnamese
Source: SBS Vietnamese
Dựa trên biểu đồ trên có thể thấy nạn nhân là đàn ông tuy có số lượng thấp hơn nữ 4.5 lần trong 10 năm qua (1,232 nạn nhân so với 5,603 nạn nhân) nhưng số nạn nhân đứng ra khởi kiện tại Tòa hay báo cáo cáo cơ quan chức năng rất thấp cụ thể: năm 2015-2016 có 76 nạn nhân thì trong đó chỉ có 13 nạn nhân có phán quyết của tòa án (chiếm 17% trên tổng số nạn nhân). Điều này cho thấy, nạn nhân là đàn ông có khuynh hướng không dám đứng ra khởi kiện hoặc nhờ các giới chức chuyên ngành giúp đỡ rất cao.

Pháp luật Úc bảo vệ nạn nhân bạo hành gia đình, dù bạn đang ở Úc với visa gì

Dựa trên pháp luật quốc tế và cụ thể là bộ Luật Gia Đình ban hành năm 1975 của Úc có thể thấy, bạo hành gia đình luôn diễn ra trong xã hội dưới nhiều hình thái khác nhau. Pháp luật Úc luôn có những điều luật để bảo vệ những nạn nhân này, và đặc biệt hơn ngay cả những nạn nhân này là đương đơn đang nộp hồ sơ xin tạm trú/thường trú theo diện vợ chồng. Úc luôn là một đất nước dân chủ, đặt quyền con người lên cao nhất nên họ luôn có những chính sách được xây dựng trên cơ sở quyền con người (human rights). Để biết cụ thể hơn những quy định của Luật di trú Úc bảo vệ những nạn nhân đang là đương đơn nộp hồ sơ xin định cư tại úc, mời quý vị xem tiếp phần 2.
Ta Quang Huy
Tạ Quang Huy | Đại Diện Di Trú Số Đăng Ký 0212473 | Fellow – Viện Di Trú Úc Source: Supplied

Share
Published 5 September 2017 6:10pm
Updated 2 November 2017 3:15pm

Share this with family and friends