Sởi là một bệnh truyền nhiễm qua đường không khí có khả năng lây nhiễm cao, lây lan khi người nhiễm bệnh thở, ho hoặc hắt hơi.
Chín trong 10 người chưa được tiêm chủng tiếp xúc với vi-rút có thể mắc bệnh.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Sanjaya Senanayake là Phó Giáo sư Y khoa tại Đại học Quốc gia Úc.
"Nếu ai đó vào phòng chờ của bệnh viện, mắc bệnh sởi và đợi ở đó khoảng 15 phút rồi rời đi, trong hai giờ tiếp theo, bất kỳ ai vào phòng đó sẽ bị phơi nhiễm với bệnh sởi. Vì vậy, thực sự rất dễ lây nhiễm."
Các triệu chứng - xảy ra từ 10 đến 18 ngày sau khi tiếp xúc - bao gồm phát ban, sổ mũi, ho, đau mắt và sốt.
Hầu hết mọi người đều hồi phục, nhưng bệnh sởi có thể dẫn đến các biến chứng về sức khoẻ - bao gồm nhiễm trùng tai, viêm phổi và viêm não, tức là sưng não.
Trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến tử vong.
Tiến sĩ Senanayake cho biết bệnh sởi rất hiếm ở Úc - nhờ tiêm chủng - nhưng số ca bệnh gia tăng trên toàn cầu khiến các cơ quan y tế phải cảnh giác.
"Chúng tôi đã thực hiện rất tốt công tác tiêm chủng ở Úc đối với nhiều bệnh lây nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi. Trên thực tế, vào năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới đã coi bệnh sởi đã được loại trừ ở Úc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi không thấy bệnh sởi ở Úc vì bệnh sởi vẫn còn lây lan ở những nơi khác trên thế giới. Vì vậy, những người đến Úc - hoặc người Úc từ nước ngoài trở về hoặc khách du lịch đến thăm Úc - đều có thể mang bệnh sởi quay lại đây. Và có thể có những đợt bùng phát nhỏ xảy ra, như chúng tôi đã thấy ở các vùng khác nhau của đất nước trong năm nay."
Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, 28 trường hợp mắc bệnh sởi đã được phát hiện ở Úc. Vào năm 2023 con số này là 26 trường hợp cho cả năm.
Khoảng 50 quốc gia đang trải qua những gì Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là đợt bùng phát bệnh sởi “lớn và gây rối loạn”.
Điều này chủ yếu là do tỷ lệ tiêm chủng giảm trong thời kỳ đại dịch, khi ước tính có khoảng 60 triệu trẻ em không được tiêm chủng sởi.
Những nỗ lực bắt kịp hiện nay rất quan trọng, với số ca nhiễm tăng vọt ở châu Âu. Khu vực này đã chứng kiến số ca mắc sởi tăng gấp 30 lần vào năm 2023.
Nhiều trường hợp khác cũng đã được ghi nhận ở Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo về sự bùng phát trở lại của bệnh sởi ở Tây Thái Bình Dương, nơi 3,6 triệu trẻ em đã bỏ lỡ tiêm chủng định kỳ từ năm 2020 đến năm 2022.
Năm ngoái, số ca nhiễm bệnh đã tăng 255% trong khu vực, bao gồm Úc, các quốc đảo Thái Bình Dương, Trung Quốc, Philippines và Malaysia.
W-H-O cho biết các yếu tố có thể thúc đẩy sự gia tăng hơn nữa bao gồm: tỷ lệ tiêm chủng giảm đã xảy ra trong đại dịch COVID; và quy mô cũng như mức độ bùng phát ở Philippines và Malaysia.
Tiến sĩ Saia Ma'u Piukala là Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới nói.
"Trong đại dịch COVID-19, do lệnh phong tỏa và mọi người không đi du lịch nên các loại bệnh dịch khác cũng không xảy ra lây lan. Lực lượng y tế chăm sóc sức khỏe đã tập trung vào việc tiêm chủng COVID-19 và các trường hợp mắc bệnh COVID. Sau đại dịch, phần lớn, các ca bệnh nhập khẩu từ các nơi bùng phát bệnh sởi. Có hai quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương báo cáo tỷ lệ mắc bệnh sởi cao nhất vào năm 2023. Đó là Malaysia và Philippines."
Tiến sĩ Senanayake cho biết khó có khả năng xảy ra một đợt bùng phát bệnh sởi lớn ở Úc, nhưng ông nhấn mạnh mọi người cần kiểm tra xem họ đã tiêm ngừa đầy đủ chưa - đặc biệt nếu bạn sắp ra nước ngoài.
"Điều quan trọng là chúng ta không được tự mãn về tỷ lệ tiêm chủng của chính mình. Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi bạn nên đi gặp bác sĩ và kiểm tra kỹ việc tiêm chủng sởi của mình. Và điều đó có thể được thực hiện chỉ bằng cách xem hồ sơ tiêm chủng hoặc thậm chí làm xét nghiệm máu để xem mức độ kháng thể."
Tiêm phòng sởi được khuyến cáo cho trẻ từ 12 tháng tuổi.
Trẻ sơ sinh từ sáu tháng tuổi có thể được chủng ngừa sởi-quai bị-rubella trước khi đi du lịch nước ngoài đến các quốc gia đang xảy ra dịch sởi.
Hai liều có hiệu quả khoảng 97% và bảo vệ suốt đời.