22 cải cách hình phạt cho chủ thuê bóc lột lao động được thông qua

(MLB177) 01 April 2000.  A standard pay packet regarding the Living Wage Case decision that was handed down today by the Australian Industrial Relations Commission. (AAP Photo/Julian Smith).

Source: AAP

Những chủ nhân cố tình trả lương thấp cho nhân viên sắp tới có thể sẽ phải bị phạt tù. Đây là một phần trong những cải cách cứng rắn nhằm bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương nhất tại Úc. Lực lượng đặc trách Người lao động Di dân Migrant Workers' Taskforce đã đệ trình 22 khuyến nghị cải cách lên chính phủ liên bang trong tuần này vào ngày 7/3 và đều đã được thông qua.


Đề xuất vừa được thông qua bao gồm các mức phạt hình sự, án tù và tiền phạt hàng triệu đô la.

 Đây chỉ là một số trong 22 cải cách cho vấn đề bóc lột sức lao động được Lực lượng đặc trách người lao động di dân Migrant Workers' Taskforce đề xuất cho chính phủ liên bang.

Và tất cả đề dự luật này đều đã được chấp thuận. 

Sinh viên quốc tế và du khách ba lô chiếm khoảng 650 đến 700 ngàn người lao động  tại Úc . Chủ tịch Lực lượng đặc trách lao động di dân Allan Fels nói rằng một tỷ lệ "rất lớn" trong số họ đang bị trả lương dưới mức tối thiểu một cách nghiêm trọng.

"Chúng tôi  khuyến nghị có các biện pháp trừng trị nghiêm khắc hơn về mặt tiền phạt- khoảng một triệu đô thay vì khoản phạt mức khiêm tốn như hiện tại. Trong trường hợp những hành vi nghiêm trọng hơn như chủ nhân bị xử ngồi tù, thì chúng tôi muốn nhìn thấy Đạo Luật lao động liên bang với vai trò của Fair Work Ombudsman, mạnh mẽ hơn , thông minh hơn bằng cách trao cho họ những quyền bổ sung - như là xử lý thế nào khi hệ thống trả lương thấp dưới quy định đang diễn ra khắp nơi như vậy."

Giáo sư Fels nói rằng việc trả lương thấp chỉ mới là khởi đầu. Trong số các  lao động di dân , nhiều người đang bị buộc phải làm việc gấp đôi giờ mà không hề được trả thêm tiền. Họ phải sống trong điều kiện thiếu thốn, phải làm việc cật lực để  đánh đổi quyền được ở lại nhờ vào diện chiếu khán bảo lãnh .

Theo giáo sư, ông hy vọng các khuyến nghị sẽ gửi một thông điệp cứng rắn tới các nhà tuyển dụng trên toàn quốc -rằng  việc lạm dụng người lao động sẽ không được chấp nhận.

"Thông điệp gửi đi đó là các chủ thuê đang gặp rủi ro, hiện tại họ có thể không thấy rủi ro gì lớn vì dễ gì họ bị bắt, và nếu có bị bắt thì cũng chỉ đóng một khoản tiền phạt chút đỉnh, họ sẽ xem coi như phí kinh doanh, chả có gì đáng lo cả. Nhưng hình phạt tù sẽ khiến họ lo sợ hơn, cũng như khoản tiền phạt nặng hơn vừa được thông qua- khoảng 1 triệu đô la cho mỗi lần vi phạm cũng sẽ khiến họ phải dè chừng."
Điều đó sẽ đánh dấu sự gia tăng đáng kể trong các hình phạt với các chủ thuê vi phạm, với mức phạt hiện tại dao động từ $3,780 đến $378,000 tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và quy mô của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Joanna Howe là một chuyên gia luật lao động và di dân có trụ sở tại Adelaide.

Mặc dù bà thừa nhận 22 khuyến nghị trên là một khởi  sắc, nhưng tiến sĩ cho biết bản phúc trình không đi vào trọng tâm của vấn đề.

"Thực tế ,đó là hệ thống lao động di dân tạm thời của Úc bị phá vỡ khi có một lượng lớn nhân lực đang lao động 'bằng đường tắt'. Họ đến Úc này cho mục đích khác chứ không phải để làm việc. Điển hình là chiếu khán du lịch cấp cho khách ba lô hay chiếu khán du học cấp cho du học sinh. Đó là mục đích chính chiếu khán của họ chứ không phải để đi làm. Và họ vẫn tham gia vào thị trường lao động 'bằng đường tắt' như thế này. Và những chiếu khán lao động "đường tắt" đó lại chẳng bị ràng buộc nhiều quy định."

Và trong khi bà chúc mừng cho bản phúc trình của lực lượng đặc nhiệm đã tiên phong trong việc hướng toàn bộ chính phủ đối mặt với vấn đề này, tiến sĩ Howe phát biểu rằng cần phải đại tu toàn bộ hệ thống lao động di dân tạm thời để thực sự chấm dứt nạn bóc lột lao động.

"Nguyên nhân chính mang lại tổn thương cho một người lao động di dân tạm thời đó  là thời gian của họ ở Úc có giới hạn. Nếu chúng ta thực sự muốn giải quyết sự mất cân bằng quyền lực xảy ra tại nơi làm việc, chúng ta phải cấp ít chiếu khán cho di dân đến làm việc tạm thời lại và  xác định xem những ngành nghề nào trong nền kinh tế thực sự cần lao động, rồi từ đó  mở các chiếu khán vĩnh viễn. Ví dụ, ngành trồng trọt, vì tính chất địa lý, mùa màng và tính khó khăn của công việc, chúng tôi biết ở những vùng nông thôn quanh nước Úc- tôi đã đến đó- họ đang vô cùng khan hiếm nguồn lao động di dân. Chúng ta lại chẳng có giải pháp chiếu khán vĩnh viễn nào cho những vùng đó."

Lực lượng đặc trách lao động di dân Migrant Workers Taskforce được thành lập vào tháng 10 năm 2016 sau khi các phúc trình truyền thông tiết lộ việc các chuỗi doanh nghiệp lạm dụng lao động rộng rãi và có hệ thống đối với những người lao động di dân trên toàn quốc bao gồm chuỗi 7 Eleven và nhà hàng pizza Dominos.

Tuy nhiên, theo chủ tịch Hội đồng Sinh viên Quốc tế Úc, Bijay Sapkota , cho biết không chỉ riêng các chuỗi doanh nghiệp lớn mới vi phạm.

"Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát vào năm ngoái. Có rất nhiều trường hợp nổi bật về việc bóc lột lao động những người cùng quốc gia, Ví dụ,  du học sinh đến từ Trung Quốc bị bóc lột bởi chủ Trung Quốc hay du học sinh Nepal bị chủ Nepal bóc lột. Điều đó có vẻ khá phổ biến trong phần lớn các nền văn hóa."

Sapkota nói rằng anh hoan nghênh khuyến nghị rằng sinh viên quốc tế nên được phép báo cáo các vấn đề về nơi làm việc cho các trường đại học của họ thay vì với  Ombudsman bởi cơ quan có liên quan đến chính phủ, để giảm bớt lo lắng cho sinh viên về việc bị hủy visa.

"Một trong những lý do chính khiến sinh viên quốc tế bị bóc lột và không dám đi trình báo đó là họ lo lắng cho chiếu khán của mình bị ảnh hưởng và họ khá sợ rằng nếu đi trình báo thì họ sẽ mất việc. Chúng ta đều biết rằng khá chật vật để sinh viên quốc tế tìm được việc tại Úc."

Giờ đây, Tổng trưởng Nhân dụng và Quan hệ Kỹ nghệ  Kelly O'Dwyer đã thông qua tổng thể 22 khuyến nghị. Chính phủ nói rằng họ sẽ bắt tay vào thực hiện các cải cách này.

Share