Công ty vệ sinh ở Sydney bị phạt tiền vì bóc lột nhân công ngoại quốc

Một sinh viên Colombia bị đe dọa trục xuất khỏi Úc, một sinh viên Ý bị quỵt tiền lương, còn một sinh viên khác gặp khó khăn trong việc kiếm tiền chữa bệnh cho bạn đời.

Cleaners

Cleaners Source: Getty

Công ty Grouped Property Services ở Sydney đã bị phạt $447,300 vì bóc lột 51 nhân viên, với tình trạng lao động được mô tả là như “nô lệ”. Công ty vệ sinh này cũng được yêu cầu phải đền bù hơn $223,000 tiền lương của 49 nhân viên từ năm 2011 đến 2013.

Nhiều nạn nhân của công ty này là nhân công ngoại quốc giữ visa làm việc tạm thời, những người có kỹ năng tiếng Anh kém hoặc không nắm rõ luật lao động Úc.

Một nhân viên vệ sinh giấu tên nói với SBS rằng anh ta đã đặt lòng tin vào nhầm chỗ.

“Tôi cảm thấy chán nản về toàn bộ sự việc này. Tôi làm việc hết mình cho họ, và rồi họ quay lại phản bội tôi và nói rằng tôi là đồ giẻ rách, hãy quên đi, họ không quan tâm gì đến tôi, luật pháp không thể bảo vệ tôi, không ai có thể bảo vệ tôi, họ cứ tiếp tục lấn lướt tôi như thế,” anh nói.

Tòa án Liên bang phát hiện ra rằng cựu chủ nhân của công ty này, ông Rosario Pucci, đã đe dọa trục xuất một sinh viên Colombia, dùng vũ lực để đuổi một sinh viên khác ra khỏi văn phòng, và trắng trợn quỵt tiền công của một sinh viên Ý.

Thẩm phán Anna Katzmann cho biết hầu hết các nhân viên của công ty này đều gặp khó khăn về tài chính. Một trong số đó đang phải hỗ trợ bạn đời chữa trị ung thư, còn một nhân viên khác phải rời khỏi Úc vì không đủ tiền xin visa.

“Rất nhiều trong số họ đã thất nghiệp một thời gian dài trước khi làm việc cho công ty này. Một số bị công ty Grouped Property Services đối xử như nô lệ,” bà Katzmann nói.

“Một nhân viên đang hỗ trợ người phối ngẫu của mình trong quá trình hóa trị, và khi Grouped Property Services ngừng trả tiền cho cô ta, thì họ đã phải chật vật kiếm sống.”

Một sinh viên khác đã phải nghỉ việc vì không đủ tiền gia hạn đăng ký xe để lái đến chỗ làm. Hầu hết các nhân viên bị bóc lột đều làm công việc lau dọn, nhưng một số làm ở những vị trí khác.

Bà Katzmann mô tả hành động của ông Pucci là “nhục nhã, thô tục và đáng hổ thẹn.”

Tòa án cũng phạt ông Pucci $74,300 vì đã “tính toán có chủ đích” trong việc trả lương nhân công dưới mức lương tối thiểu và không cung cấp các quyền lợi theo luật định.
Giám đốc Fair Work Ombudsman Natalie James cho biết đây là một trong những vụ án phức tạp nhất mà cơ quan này từng gặp phải, và có liên quan đến việc sắp xếp hợp đồng giả.

Tòa án phát hiện ông Pucci đã thuê mướn các nhân viên này dưới dạng nhà thầu độc lập (independent contractors) thông qua một công ty thuê mướn lao động ngụy trang, nằm cùng một địa chỉ với Grouped Property Services.

“Người lao động ngoại quốc có thể dễ bị tổn thương nếu họ không nhận thức được đầy đủ các quyền lợi của mình và không dám lên tiếng tố cáo, vì thế chúng tôi coi đây là một trường hợp rất nghiêm trọng,” bà James nói.

“Những nhà tuyển dụng gian trá ở Úc, những người cho rằng họ có thể trục lợi thông qua việc bóc lột những nhân công dễ tổn thương này, cần phải hiểu rằng: Chúng tôi sẽ theo đuổi quý vị đến cùng, bảo đảm rằng quý vị bị trừng trị thích đáng, và phá hủy mô hình kinh doanh bất hợp pháp của quý vị.”
Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 9 June 2017 3:39pm
Updated 12 August 2022 3:52pm
By Matthew Connellan, Ben Winsor, Đăng Trình

Share this with family and friends