Highlights
- Trung Quốc gửi thông báo xác nhận dừng nhập khẩu gỗ từ Tasmania và Nam Úc do có mối mọt trong gỗ nhập khẩu từ hai tiểu bang này.
- Trong năm nay, Trung Quốc liên tục có đòn tấn công vào hàng xuất cảng Úc, bao gồm tôm hùm, thịt bò, lúa mạch và rượu vang.
- Hiệp hội Nông gia Úc đang kêu gọi chính phủ kiện Trung Quốc lên WTO.
Những ngày gần đây, liên tục có thêm nhiều sản phẩm hàng hóa của Úc bị Trung Quốc từ chối nhập cảng. Sau tôm hùm, rượu vang, lúa mạch là các doanh nghiệp chế biến thịt, và mới nhất là gỗ của Tasmania và Nam Úc.
Thông báo từ quan chức hải quan Trung Quốc xác nhận đã phát hiện có mối mọt trong lô hàng gỗ cây nhập khẩu từ hai tiểu bang này.
“Gần đây, hải quan ở các thành phố Thượng Hải, Ninh Ba, Hạ Môn và Thanh Đào đã cho chặn gỗ nhập khẩu có côn trùng sống từ Tasmania và Nam Úc,” thông cáo có viết.
“Chuyện này đã được báo cáo cho các nhà chức trách Úc.”
Theo đó, quốc gia này đã cấm mọi lô hàng gỗ xuất khẩu từ hai tiểu bang trên từ ngày 3 tháng 12 với mục đích “ngăn không cho côn trùng xâm nhập vào Trung Quốc và bảo vệ tính an toàn cho hệ sinh thái và rừng của quốc gia”.
Trước đó, Trung Quốc đã cấm gỗ nhập khẩu từ Queensland và Victoria, sau đó là việc từ chối làm ăn với nhiều doanh nghiệp cung cấp thịt, trong đó có xưởng chế biến thịt cừu JBS Brooklyn và Công ty Australian Lamb Company ở Victoria.
Hiệp hội Nông gia Quốc gia Úc đã gửi đơn lên chính phủ liên bang, nói rằng họ ủng hộ nếu chính phủ quyết định kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về quyết định áp thuế nặng nề lên sản phẩm lúa mạch và rượu vang xuất khẩu của Úc.
Trong một văn bản gửi lên Quốc hội, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham nói chính phủ “đang xem xét mọi khả năng kiện tụng” để giúp những nhà xuất khẩu đã bị kiệt quệ do thuế quan.
Ông Birmingham trước đây đã từng nói ông hi vọng Úc có thể thực hiện một vụ kiện chính thức lên WTO, vì đã mệt mỏi với tiến trình khiếu nại trong nước của Trung Quốc.
Nếu Úc quyết định đẩy mạnh tranh chấp, đây có lẽ là lần đầu tiên Úc đã nhờ đến một tổ chức trọng tài độc lập giải quyết vấn đề thương mại nông nghiệp kể từ khi ký Hiệp ước Thương mại tự do ChAFTA với Trung Quốc vào năm 2015. Đây cũng có thể được xem là một tiền lệ cho những tranh chấp tương tự về thuế quan đối với mặt hàng rượu Úc.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại