Kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính, việc các doanh nghiệp tuyển thực tập sinh vào làm những công việc chính thức đã trở thành một xu hướng trong môi trường lao động Úc hiện đại.
Các vị trí thực tập trước đây từng được trả lương, và là những vị trí ở cấp độ đơn giản, nhưng hiện dần đang biến thành những công việc thực tập không lương.
Để lấy được một vị trí không lương hoặc chỉ nhận một phần nhỏ lương tượng trưng, mà không chắc sẽ bảo đảm một vị trí lâu dài, bạn phải có khả năng làm việc miễn phí. Nghĩa là, nếu bạn muốn có cơ hội chen chân vào môi trường đầy cạnh tranh, bạn hãy hi vọng cha mẹ có đủ khả năng hoặc sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho bạn.
Một người giấu tên, có lẽ quá chán ngấy với tập quán đầy tính phân biệt đối xử và bóc lột này, đã lập một tài khoản trên Twitter (@dodgyinternship) kêu gọi mọi người báo cáo về cái trường hợp tuyển thực tập sinh không trả lương.
Trong vòng 2 tuần, tài khoản này đã phát hiện ra rất nhiều doanh nghiệp sai phạm ở trong mọi lĩnh vực, từ các công ty cung cấp thiết bị y tế, các doanh nghiệp startups về ứng dụng điện thoại, viết web, địa ốc, bán hàng gia dụng online, xây dựng, cung cấp dịch vụ chỗ ở, nối tóc… Và không chỉ những doanh nghiệp nhỏ, Marley Spoon và L’Occitane chỉ là một trong số những công ty đa quốc gia nằm trong danh sách này.
Và nhiệm vụ của các vị trí thực tập sinh cũng rất đa dạng, từ đóng gói hàng, trả lời thư khiếu nại khách hàng, cho đến những công việc quản lý như phát triển đối tác chiến lược, kiểm soát khả năng làm việc nhóm và đánh giá chiến lược sản phẩm.
Khi nào thì công việc thực tập bị gọi là phạm luật?
Không phải lúc nào thực tập không lương cũng là phạm luật và các hình thức thực tập có lương đều đúng luật.
Theo , một trong những điểm khác biệt giữa một nhân viên và một thực tập sinh, là ‘nếu công việc đó vốn dĩ phải do một nhân viên của công ty hoàn thành, hoặc là một công việc mà doanh nghiệp hoặc tổ chức đó bắt buộc phải làm, thì người làm việc đó phải là một nhân viên, chứ không phải là thực tập sinh.”
Nói một cách dễ hiểu, nếu một người thực tập làm những công việc mà nếu không có người thực tập đó thì một nhân viên khác của công ty phải làm, thì đó là công việc phải được trả lương.
Tại sao tập quán thực tập sai trái này vẫn tồn tại?
Nếu các cơ quan chính phủ có sẵn các điều luật để ngăn chặn tập quán phạm pháp này, tại sao nó vẫn thường xuyên bị phớt lờ?
Một trong những lý do là, những người phải tìm đến những thông báo tuyển thực tập viên không trả lương thường là những người không đủ khả năng và không thể làm gì để thay đổi.
Tỷ lệ thất nghiệp cao ngày càng gia tăng áp lực, đặc biệt là đối với những lao động trẻ, những người mới bắt đầu bước chân vào thị trường lao động. Nếu một vị trí thực tập có thể giúp họ bước chân vào thị trường, thì đa số họ sẽ chấp nhận dù biết rõ điều này là sai luật.
Những lao động trẻ rất ngại phải lên tiếng công bố những chủ doanh nghiệp sai phạm, và Fair Work Ombudsman thì dường như có nhiều vụ quan trọng hơn phải giải quyết. Chẳng hạn, theo người lập tài khoản Twitter@dodgyinternship này thì Fair Work Ombudsman không có hứng thú trong việc theo đuổi vụ kiện với những doanh nghiệp chưa đầy 15 nhân viên.
Giải pháp là gì?
Việc thiếu hành động chống lại tập quán thuê mướn thực tập bất hợp pháp tạo ra một lỗ hổng rõ ràng cho việc công khai bóc lột nhân công.
Các cơ quan chính phủ đã được yêu cầu phải chấn chỉnh chuyện này, bất kể doanh nghiệp lớn nhỏ thế nào, thuộc lĩnh vực nào.
Các trang mạng việc làm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra giải pháp, bằng cách chọn ưu tiên những quảng cáo chính thống thay vì những quảng cáo lừa gạt trong danh sách quảng cáo tuyển thực tập sinh. Có nghĩa là không chỉ nói suông, mà phải thật sự có luật lệ chặt chẽ.
Những người trẻ cũng cần phải được thông tin về thực tập để bảo đảm họ không ngây thơ đồng lõa với văn hóa sai phạm này.
Và cuối cùng, thực tập được hiểu là để cải thiện kỹ năng cho thực tập sinh, chứ không phải để bóc lột họ.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại