Những thay đổi về visa từ ngày 1/7 sẽ mang lại cho người lao động có tay nghề những con đường mới để trở thành thường trú nhân, nhiều vị trí hơn cho những người làm việc kết hợp kỳ nghỉ, và cơ hội cho sinh viên mới tốt nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa biên giới trong đại dịch COVID-19 để bù đắp cho khoảng thời gian họ không thể nhập cảnh Úc.
Ông Ben Watt, luật sư thuộc công ty di trú VisaEnvoy, cho biết những thay đổi này mang lại triển vọng “thú vị” cho một số người, tập trung vào việc hỗ trợ phục hồi kinh tế sau COVID-19.
“Rất nhiều người và rất nhiều ngành kỹ nghệ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên, đặc biệt là trong một số lĩnh vực yêu cầu tay nghề cao,” ông nói.
“[Những thay đổi này] giúp đưa càng nhiều người vào hệ thống càng tốt.”
Theo ông Watt, những thay đổi từ ngày 1/7 được xem như phần thưởng cho những người giữ một số loại visa nhất định đã gặp khó khăn tại Úc trong thời kỳ đại dịch.
“Có rất nhiều khó khăn cho những người ở đây với visa tạm trú trong đại dịch COVID bởi vì có rất nhiều sự bất ổn.
“Rất nhiều người mất việc làm hoặc bị sa thải, họ không được nhận trợ cấp. Có đủ loại khó khăn mà những người giữ visa tạm trú gặp phải.”
Sau đây là một số thay đổi chính:
Visa tay nghề tạm trú (TSS)
Những người giữ visa 482 hay còn gọi là TSS (Temporary Skill Shortage) sẽ dễ dàng xin thường trú hơn.
Tại Úc, tính đến ngày 31/3, có 52.440 người giữ visa 482 hoặc 457 (vốn đã ngừng cấp từ tháng 3/2018).
Từ ngày 1/7, những người này có thể nộp đơn xin visa Chuyển tiếp Tạm trú (), cho phép những người lao động có tay nghề được doanh nghiệp bảo lãnh đến sống và làm việc lâu dài tại Úc.
Thế nhưng chính sách này chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm.
Ông Luke Edwards, luật sư thuộc hãng luật Work Visa Lawyers, cho biết thay đổi tạm thời này sẽ giúp việc sinh sống lâu dài ở Úc trở nên dễ dàng hơn đối với những người giữ visa tay nghề tạm trú.
“Nhiều người trong số họ đang đứng trước một con đường khó khăn và không chắc chắn để trở thành thường trú nhân,” ông nói.
“Khách hàng và những người mà tôi quen biết rất vui mừng vì giờ đây đã có cơ hội ở lại Úc.”
Những người hội đủ điều kiện sẽ phải ở Úc ít nhất một năm từ ngày 1/2/2020 đến ngày 14/12/2021.
Thay đổi cũng sẽ áp dụng cho những người giữ visa 457 có nghề nghiệp nằm trong .
Một phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ nói với SBS News rằng “ưu đãi đặc biệt” này là nhằm công nhận “những di dân có tay nghề đã chọn ở lại Úc trong suốt đại dịch”.
“Điều này cho phép họ ở lại đây, với con đường trở thành thường trú nhân, với con đường trở thành công dân Úc,” ông cho biết.
Source: Getty Images/JohnnyGreig
Loại bỏ giới hạn độ tuổi
Những người giữ visa 457 sẽ không còn bị giới hạn độ tuổi khi xin thường trú theo diện TRT.
Ông Edwards cho biết trước đây, những người giữ visa này từ 45 tuổi trở lên hầu như không có lựa chọn nào để trở thành thường trú nhân.
“Có một số người đã làm việc tại Úc trong một thời gian rất dài, được chủ lao động bảo lãnh,” ông nói.
“Họ không thể trở thành thường trú nhân khi còn trẻ, và giờ đây đã quá tuổi để nộp đơn. Thay đổi này là điều mà họ đã chờ đợi từ lâu.”
Thay đổi này cũng sẽ có hiệu lực trong 2 năm.
Để hội đủ điều kiện, những người giữ visa 457 phải giữ visa này từ ngày 18/4/2017. Họ cũng cần phải ở Úc từ ngày 1/2/2020 đến ngày 14/12/2021.
Visa tạm trú sau tốt nghiệp
Cũng từ ngày 1/7, những người đã hoặc đang giữ visa tạm trú sau tốt nghiệp (Temporary Graduate Visa – TGV) mà không thể nhập cảnh Úc do lệnh đóng cửa biên giới trong đại dịch COVID-19, thì có thể nộp đơn xin visa thay thế.
Để hội đủ điều kiện, những người này phải đang giữ visa tạm trú sau tốt nghiệp hợp lệ, hoặc đã từng giữ visa này nhưng hết hạn từ ngày 1/2/2020.
Họ cũng phải ở bên ngoài Úc từ ngày 1/2/2020 đến ngày 15/12/2021.
Thay đổi này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 30.000 người đã hoặc đang giữ visa tạm trú sau tốt nghiệp
Ông Watt cho biết những người này có thể đóng góp cho lực lượng lao động một cách nhanh chóng.
“Chúng ta có một nhóm người với kỹ năng thực sự tuyệt vời, với nền giáo dục thực sự tuyệt vời của Úc, chưa bao giờ có cơ hội ở lại với visa tạm trú sau tốt nghiệp.”
Một phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ cho biết biện pháp thay thế này là nhằm “khắc phục tình trạng cho những người đã bỏ lỡ thời gian lưu trú TGV của mình do COVID-19”.
Visa làm việc kết hợp kỳ nghỉ
The National Farmers Federation has called to help improve worker availability to address the chronic labour shortages crippling the farming sector. Source: AAP / LUKAS COCH
Bước qua năm tài chính tiếp theo, Mông Cổ và Brazil sẽ có quyền tiếp cận chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ tại Úc.
Giới hạn độ tuổi của công dân Ý và Đan Mạch sẽ tăng thêm 5 năm – từ 30 lên 35 tuổi.
Ông Edwards cho biết một số lĩnh vực đang “rất cần” sự đóng góp của những người giữ visa lao động kết hợp kỳ nghỉ nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực.
“Có rất nhiều lời kêu gọi đặc biệt là từ vùng nông thôn nước Úc và các nông trại để có nhiều nhân công và nhiều lao động thời vụ hơn, chẳng hạn như những người giữ visa lao động kết hợp kỳ nghỉ,” ông nói.
Cách tiếp cận mới của chính phủ Lao động
Các con đường khác nhau để những người lao động có tay nghề đến Úc sẽ tăng hơn 30.000 vị trí.
Chính phủ Lao động có ý định tập trung vào con đường trở thành thường trú nhân, nhằm giải quyết tình trạng bất ổn do số di dân tạm trú gia tăng.
Tuy nhiên, hệ thống di trú đang phải đối mặt với tình trạng tồn đọng hồ sơ visa sau đại dịch.
Ông Watt cho biết mọi người không nên mong đợi một “sự thay đổi lớn” đối với hệ thống visa ngay lập tức sau khi chính phủ mới lên nắm quyền.
“Sẽ mất một vài năm hoặc ít nhất là 12 tháng trước khi chúng ta thấy bất kỳ sự thay đổi lớn lao nào.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại