Vào năm 2013, khi đang học năm cuối ngành Cử nhân Tài chính, cô H.* đi làm thêm trong một tiệm take away ở Sydney. Qua nhiều lần nói chuyện với chủ tiệm là ông T. – một người Úc gốc Việt, cô H. có chia sẻ mong muốn được ở lại Úc, nhưng ngặt nỗi ngành học của cô không nằm trong danh sách tay nghề ưu tiên.
Sau một năm làm việc, ông T. đề nghị cô H. góp tiền để cùng mở một công ty kế toán, và sẽ sử dụng chính công ty đó để bảo lãnh cho cô ở lại Úc theo dạng visa 457. Ông cũng hứa sẽ hướng dẫn thêm về chuyên môn cho cô H. và giữ cô lại làm việc sau khi có visa.
Để tăng tính thuyết phục cho lời nói của mình, ông T. đã đưa cô H. đến gặp một người luật sư để tư vấn “đường đi nước bước”, nhằm lấy được PR tại Úc.
“Người luật sư này có tư vấn cho mình là, vì mình chỉ có bằng về Bachelor of Finance nên mình phải đi học thêm một cái bằng về Accounting, để sau khi mình học xong Accounting rồi thì công ty của ông này có thể sponsor cho mình,” cô H. nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với SBS Vietnamese.
“Nhưng sau khi thành lập công ty và mình đã đưa tiền, thì ông không làm theo thoả thuận ban đầu, cũng không có sponsor cho mình, công ty cũng không có hoạt động…”
Vì tin lời người đàn ông này nên cô H. và gia đình đã cố gắng gom đủ $80,000 để góp tiền thành lập công ty. Cô H. cũng đăng ký học thêm văn bằng Master of Accounting trong khi làm việc cho ông T.
“Nhưng mà sau khi thành lập công ty và đã đưa tiền xong rồi thì không có làm theo thoả thuận ban đầu, và cũng không có sponsor cho mình, cũng như công ty không có hoạt động như là người đàn ông đó nói ngay ban đầu,” cô H. nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với SBS Vietnamese.
Hành vi đáng ngờ
Những tưởng giấc mơ Úc của mình sắp thành hiện thực, thế nhưng cô H. bắt đầu cảm thấy nghi ngờ bởi ông T. hiếm khi xuất hiện, và công ty không có bất kỳ hoạt động giao dịch nào kể từ khi thành lập.
“Mình có đặt câu hỏi và người đàn ông đó nói là tại vì thời điểm đó, người đàn ông đó có quá nhiều việc với lại hai nhà hàng khác nữa, nên không có thời gian để mà làm lúc đó, và nói với mình là cứ yên tâm vì ông ta có thể tự lo được, còn mình thì cứ lên trên văn phòng và giúp đỡ ông ta thôi,” cô H. nói.
“Nhưng mà thực sự là trên văn phòng thì không có việc gì để làm vì mình chưa bao giờ thấy công ty đó có khách bao giờ cả.”
“những khoản tiền rất lớn được chuyển từ tài khoản công ty sang tài khoản cá nhân của ông mà không có lý do gì cả”
Trên giấy tờ, cô H. là co-director của công ty, đứng tên cùng với ông T., và cả hai người có mở một tài khoản chung dưới tên công ty. Thế nhưng ông T. không hề đóng góp $80,000 vào tài khoản chung như giao kèo lúc ban đầu.
Cô H. cũng phát hiện “những khoản tiền rất là lớn được chuyển từ tài khoản công ty sang tài khoản cá nhân của ông mà không có lý do gì cả”.
“Mình có yêu cầu trong thư của luật sư, yêu cầu ông phải giải thích về những cái transaction đó nhưng mà ông ấy không có giải trình cho mình biết,” cô nói.
Cô H. tại văn phòng kế toán thành lập chung với ông T. Ảnh do nhân vật cung cấp. Source: Supplied
Nhẹ dạ cả tin
Cô H. thừa nhận đã không tìm hiểu trước các quy định pháp lý tại Úc về việc thành lập công ty, cũng như những yêu cầu để công ty có thể đứng ra bảo lãnh cho nhân viên ở lại Úc.
“Lúc đó thì mình không có tìm hiểu thông tin, mà người đàn ông đó đưa thông tin cho mình thì mình tin cái người đàn ông đó vào thời điểm đó, mình không kiểm tra gì lại cả,” cô nói.
“Mình không biết những quy trình để mở công ty, hay là giấy tờ thì cần những điều khoản, điều kiện như thế nào nên mình chỉ ký.”
Ngay cả bản hợp đồng thành lập công ty do cô ký với ông H., cô cũng không giữ lại một bản riêng, và cũng không hề biết là bản hợp đồng đó có hợp lệ hay không.
“Mình không biết các quy trình để mở công ty, giấy tờ thì cần những điều khoản, điều kiện như thế nào nên mình chỉ ký.”
“Trước khi mình đưa tiền góp vốn cho ông này thì mình có ký một bản hợp đồng làm ăn có các điều khoản và số tiền trên đó, nhưng mà vì lúc đó mình ký trên giấy và mình cũng không lưu lại một bản copy nào cả.
“Cái bản đó thì ông này giữ và mình có yêu cầu ông đưa ra cái bản đó rất là nhiều lần, nhưng mà ông nói là máy tính của ông bị hỏng và bản gốc thì ông không giữ nữa. Ông làm mất rồi.”Tìm lại công lý
...ngay cả khi đã thu thập đủ bằng chứng về việc lừa đảo của ông T., cô H. vẫn chưa thể đòi lại công lý cho bản thân... Source: Supplied
Từ khi phát hiện bị lừa tiền, cô H. đã nhiều lần liên lạc với ông T. trên phương diện cá nhân, thế nhưng người đàn ông này đã phớt lờ các tin nhắn và cuộc gọi của cô.
Đến năm 2016, khi cần một khoản tiền lớn để đăng ký học tiếp, thì cô H. mới quyết định thú thật với gia đình và nhờ đến sự giúp đỡ của luật sư.
“Bố mẹ mình cũng có giúp mình để mà liên lạc với ông này, nhưng mà cũng không liên lạc được,” cô H. nói.
“Có một lần gọi điện được thì ông ấy nói là ông ấy cũng không có tiền để trả gia đình mình.”
“Lý do mình liên lạc với đài SBS là mình muốn cảnh tỉnh các bạn khác biết về người đàn ông này, và cách thức mà ông ta lừa du học sinh như thế nào, để ông ta không có tiếp tục lừa người khác.”
Và ngay cả khi đã thu thập đủ bằng chứng về việc lừa đảo của ông T., cô H. vẫn chưa thể đòi lại công lý cho bản thân vì không kham nổi chi phí kiện tụng và sợ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân.
Cô chia sẻ câu chuyện của mình với SBS Vietnamese nhằm cảnh tỉnh các nạn nhân khác để không sa vào màn lừa đảo tương tự của người đàn ông này.
“Lý do mà mình liên lạc với đài SBS là mình cũng muốn có một tiếng nói, để mà đầu tiên là cảnh tỉnh các bạn khác biết về người đàn ông này, và cách thức mà ông ta lừa các bạn du học sinh như thế nào, để ông ta không có tiếp tục lừa người khác,” cô nói.
Ông T. chỉ là một trong rất nhiều những người đang lợi dụng kẽ hở của Luật Di trú Úc để trục lợi. Thế giới ngầm của việc buôn bán visa bất hợp pháp với nhiều bí mật sẽ được hé lộ trong chương trình của SBS, phối hợp với SBS Việt ngữ và các ban ngôn ngữ khác, cùng FairFax Media, phát sóng trên Viceland vào ngày 14/11 lúc 7.30pm.
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi để bảo vệ danh tính.