‘Một người đàn ông đề nghị tôi trả $100,000 kết hôn giả để ở lại Úc’

Trong vai một người sinh viên sắp hết hạn visa, tìm cách ở lại Úc bằng cách kết hôn giả, phóng viên Bích Ngọc của SBS Vietnamese được một người đàn ông mai mối hé lộ giá cả của một vụ kết hôn giả, cách thức qua mặt Bộ Di trú, làm sao thực hiện đám cưới giả tiết kiệm và đánh bóng hồ sơ visa cho thật đẹp… Góp một phần trong cuộc điều tra phối hợp giữa SBS The Feed, SBS các ban ngôn ngữ, và FairFax Media, Bích Ngọc kể lại câu chuyện đi điều tra của cô.

SBS Vietnamese journalist Olivia Nguyen goes undercover with SBS Viceland's 'The Feed' to investigate the world of fake visa marriages in Australia

SBS Vietnamese journalist Olivia Nguyen goes undercover with SBS Viceland's 'The Feed' to investigate the world of fake visa marriages in Australia Source: SBS The Feed

Kết hôn giả để có visa ở lại Úc

Trong một vài cách ít ỏi để trở thành công dân Úc, kết hôn có lẽ là con đường nhanh chóng và rẻ tiền nhất. Không cần trình độ, không cần ngoại ngữ hay thời gian ở Úc trước đó, người được bảo lãnh kết hôn có thể sống tại Úc ngay sau khi nộp hồ sơ visa và được hưởng một số quyền lợi về y tế và an sinh xã hội.

Mật ngọt hút ruồi, nhu cầu này đã tạo ra một ngành kỹ nghệ ngầm vô cùng sôi động, nơi kẻ bán người mua nườm nượp, bất chấp những rủi ro mà hành vi phi pháp này có thể mang lại.

Những lời đồn thổi về giá cả của một vụ kết hôn giả, cách thức qua mặt Bộ Di trú, làm sao thực hiện đám cưới giả tiết kiệm, hay đánh bóng hồ sơ visa cho thật đẹp để thuyết phục nhân viên di trú đầy rẫy từ các luật sư, công ty di trú được truyền tai nhau đến những người di dân mới sang.

Thế nhưng để ‘cầu tìm được cung’ là điều không mấy dễ dàng, đòi hỏi mối lái, quen biết và cả một chút ‘may mắn’. Bởi đây là những vụ mua bán giả giả thật thật, trong bóng tối mà cả người mua lẫn kẻ bán đều không muốn tiết lộ.

Ở đời, điều gì càng được che giấu, người ta càng tò mò muốn biết thật hư. Và cách duy nhất để khám phá bí mật là ‘dụ rắn ra khỏi hang’.
Fake marriages
Stock image: Getty images Source: Getty Images

Dụ rắn khỏi hang

Tôi tình cờ phát hiện một lời than thở vô cùng ai oán của một nam thanh niên trong diễn đàn dành cho du học sinh người Việt tại Melboure với hàng chục ngàn thành viên. Anh tâm sự ‘học thì ngu, tiếng Anh chỉ đủ trình độ mua ly trà sữa và đi chợ Việt, nhưng lại có khá nhiều tiền và ước mong kiếm được một người nâng khăn sửa túi tìm đường ở lại Úc’. Câu chuyện của anh này thu hút khá nhiều sự đồng cảm và chia sẻ của những người đồng hương. Một số người nhanh nhẹn gợi ý anh nên kết hôn với một cô gái Úc gốc Việt để tiện bề ở lại, đồng thời giới thiệu vài dịch vụ mai mối mà họ cho là ‘khá hiệu quả’.

Không rõ anh chàng này đã tìm được ý trung nhân chưa, riêng tôi thì đây là cơ hội để thử tìm hiểu về thế giới mai mối ngầm để có quyển passport Úc.

Trong vai một nữ sinh viên ngây thơ, chân ướt chân ráo ở Melbourne, chuẩn bị kết thúc khóa học vào tháng 7 năm sau và khát khao ở lại Úc để đổi đời, tôi có thể che giấu thân phận phóng viên SBS và tạo ra một vỏ bọc an toàn cho mình.

Tôi lân la trò chuyện với những người đã giới thiệu dịch vụ kết hôn cho anh chàng sinh viên nói trên và chia sẻ nhu cầu muốn kết hôn ở lại Úc của mình với họ. Trong số những người tôi trò chuyện, có duy nhất một cô gái Việt Nam cho tôi số điện thoại của một người đàn ông gốc Cambodia. Cô gái này dặn dò tôi đây là chỗ quen biết và cứ gọi thẳng cho anh ta. Anh ta biết phải làm gì để giúp tôi được ở lại Úc.

Sau vài lần gọi vào số điện thoại của người đàn ông tên *N. và không ai bắt máy, tôi nghĩ rằng mình chắc… hết hy vọng. Bất ngờ xảy đến sau một ngày, N. gọi lại cho tôi. Đã chuẩn bị tâm thế từ trước, tôi cứ theo kịch bản mà tiến hành.

Tôi cho rằng việc tỏ ra quá tự tin, sành sỏi tiếng Anh và sống lâu năm ở Úc sẽ không thể thuyết phục N. tin tưởng và chia sẻ dịch vụ kết hôn của anh ta với tôi. Quả đúng như vậy, việc tôi tỏ ra nhút nhát và nói tiếng Anh theo kiểu lắp bắp, gà mổ thóc hay ‘broken English’ khiến N. tin tưởng tôi ngay từ lần đầu trò chuyện.

N. cho biết anh là người gốc Cambodia, nên chỉ có thể nói tiếng Anh và Khơ me. Chúng tôi chọn cách giao tiếp bằng tiếng Anh.
"Bao nhiêu thì em trả được?"
Cuộc trò chuyện chóng vánh trong vòng 20 phút với khá đủ thông tin thuyết phục tôi rằng N. là một người chuyên làm dịch vụ mai mối, kết hôn cho khá nhiều cặp trước đây. Việc tôi quen biết với cô gái người Việt trên diễn dàn người Việt tại Úc, người cho tôi điện thoại của N. khiến anh ta khá an tâm.

“Em có đi khảo giá một số nơi và biết mức giá khá cao. Em không biết mình có đủ tiền không nữa”, tôi dò chừng.

“Em hỏi được giá bao nhiêu”, N. hỏi thẳng.

“$100,000 cho một trường hợp”.

“Bao nhiêu thì em trả được?” N. hỏi tôi.

“Rẻ hơn mức đó... tầm 60 ngàn thôi”, tôi nói ngập ngừng.

“Vậy thì khó lắm, cực kỳ khó, cực kỳ khó”, anh ta nhắc lại vài lần.

Lo sợ N. từ chối vì tôi không có đủ tiền, tôi cố gắng thuyết phục.

“Visa khóa học của em tháng 7 năm sau hết hạn rồi, những công ty khác không kiếm được người liền cho em. Nếu anh có thể làm gấp, cho em kết hôn vào đầu năm sau để có visa thì em sẽ ráng gom tiền”, tôi trả lời.

N. tỏ ra hài lòng và trấn an tôi rằng anh ta có sẵn danh sách vài người cho tôi lựa chọn và việc có visa mới trước tháng 7 năm tới là điều dễ dàng. Cuộc gọi của chúng tôi kết thúc với địa điểm hẹn gặp mặt trực tiếp là một quán cà phê ở Sunshine, Melbourne.

Cá đã đớp mồi

Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý và một số câu hỏi để tìm hiểu về đường dây môi giới của N., nhưng tôi vẫn khá hồi hộp. Liệu anh ta có lật tẩy được việc giả dạng của tôi, liệu N. có cung cấp đủ thông tin mà tôi muốn biết và cả sự an toàn của chính mình.

Các đồng nghiệp đi săn tin cùng tôi có hai người: phóng viên của chương trình  cô Elise Potaka, một người quay phim bí mật Tim Anastasi.

Đúng 2 giờ chiều, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ N.

“Em đang ngồi ở đâu”, N.hỏi qua điện thoại

“Em ngồi ở bàn bên trong, sát cửa kính”, giọng tôi hơi run run.

Người đàn ông sẽ mai mối cho tôi gần 40 tuổi, gương mặt Á châu, không có vẻ gì hung tợn, ngược lại anh ta trông khá đáng tin cậy. Anh ta mặc đồng phục của một hãng sản xuất xe hơi và nhanh chóng tiến lại phía tôi ngồi. Tôi ra dấu mình là Anna, người đã nói chuyện điện thoại với N. và mời anh ta ngồi.

Tôi vẫn áp dụng chiến thuật cũ đã đặt ta cho mình ngay từ đầu: tỏ vẻ ngây thơ, cần sự giúp đỡ và xa lạ với việc kết hôn giả ở Úc.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi nhanh chóng đi thẳng vào vấn đề chính: giá cả của việc kết hôn.

“$100,000 thì hơi đắt, em nghe nói là phụ nữ muốn kết hôn giả thì dễ hơn, nên giá sẽ rẻ hơn nam giới. Nếu người nam muốn kết hôn giả thì mới có giá $100,000; còn người nữ thì khoảng $70,000 mà thôi”, tôi cố gắng nì nài.

“Không, $100,000 là giá thị trường. Nhưng anh có thể giảm giá cho em chút đỉnh để lấy chỗ quen biết, sau đó em giới thiệu thêm bạn bè có nhu cầu cho anh”, N. lạnh lùng trả lời.

“Giá này là trọn gói từ A-Z hả anh? Em không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào nữa”.

“Đây là tiền để đưa cho người chịu kết hôn với em thôi. Còn tiền làm hồ sơ visa khoảng $6000 và tiền luật sư thêm $4000, em tự trả thêm”, N. trả lời.

“Em có thể chia thành nhiều đợt để trả góp không, hay phải trả ngay một lần.”

“Chia thành hai lần, đầu tiên là $25,000 lúc bắt đầu giới thiệu, sau khi nộp hồ sơ visa thì trả số còn lại là $75,000.”

“Vậy thì anh sẽ được hưởng lợi gì từ việc kết hôn này? Ai sẽ trả hoa hồng cho anh? Em hay người kia”, tôi hỏi thêm.

“Em không phải lo cái đó, anh sẽ làm việc với người kia”.
"Hãy coi như đây là kết hôn thật, chỉ là không ngủ chung thôi. Đây là kết hôn thật. Tất cả đều là thật. Rồi sau này hai người muốn ly dị thì là chuyện của em."
Khi tôi tỏ ý nghi ngờ rằng việc đưa tiền mặt không có hóa đơn, chứng từ như vậy có thể rủi ro, N. thuyết phục rằng một khi đã nộp visa vợ chồng rồi thì tôi chỉ rung đùi ngồi chờ mà không cần phải lo lắng gì cả.

N. đồng ý làm một hợp đồng để bảo đảm ‘danh chính ngôn thuận’ dưới hình thức một khoản vay. Nhưng tôi phải chủ động tự thương lượng với ‘đối tác’ - tức chồng hờ của mình. Tôi thầm nghĩ những vụ lừa đảo kết hôn giả, ‘tiền mất tật mang’ đều bắt nguồn từ việc cả hai bên đều không có bất cứ một thỏa thuận nào chính thức được pháp luật công nhận, cho nên việc ‘đối tác’ ôm tiền bỏ chạy là chuyện quá dễ dàng, mà nạn nhân chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, không biết kêu ai.

Để hỏi sâu hơn về việc ly dị sau khi có được PR ngay lập tức, tôi chia sẻ với N. về tình huống hiện tại của mình. Tôi dựng ra câu chuyện mình đã có bạn trai tại Việt Nam, và chỉ muốn kết hôn giả để có visa. Sau đó sẽ bảo lãnh bạn trai của mình qua sau.

“Cả hai người nên ra ngoài đi chơi với nhau vài lần, chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Rồi đặt vé đi du lịch cùng nhau, gần thôi cũng được, Sydney hay Gold Coast chẳng hạn”, B chỉ tôi cách thức tiến hành.

“Nhưng em không muốn đi chơi chung ở xa như vậy. Bạn trai của em không muốn”, tôi nói.

“Vậy thì chỉ cần đặt vé máy bay đến đó chụp vài tấm hình là được, không cần đi chơi. Tùy em thôi”.
“Không cần tổ chức đám cưới lớn, chỉ cần tìm một người chứng hôn, ký tên, chụp vài tấm hình cho Bộ Di trú là xong. Chỉ tốn vài trăm thôi”.
Một trong những khía cạnh khác mà tôi lo lắng là bằng chứng của những vụ kết hôn giả này. Làm sao những đám cưới ma có thể qua mặt Bộ Di trú với những nhân viên dày dặn kinh nghiệm trong việc phát hiện ra những cuộc hôn nhân không trung thực. N. tỏ ra là một người có kinh nghiệm trong việc này, anh ta hướng dẫn tôi một cách chi tiết.

“Quen nhau khoảng bao lâu thì làm hồ sơ được hả anh”, tôi hỏi

“Hai ba tháng là đủ, nhưng trong hồ sơ thì nói là được một năm rồi”, N. nói chắc nịch.

“Em nghe nói khi làm hồ sơ visa vợ chồng, cần có hai nhân chứng để xác minh mối quan hệ tình cảm này là trung thực. Nhưng em không quen biết ai ở Úc cả”.

“Anh sẽ làm một nhân chứng cho em, một người bạn khác của anh chàng kia (tức chồng hờ của tôi) sẽ làm nhân chứng thứ hai”, N. thuyết phục.

“Nhưng mà có phải tổ chức đám cưới không anh, em lại tốn kém thêm một khoản tiền nữa”.

“Không cần tổ chức lớn, chỉ cần tìm một người chứng hôn, ký tên, chụp vài tấm hình cho Bộ Di trú là xong. Chỉ vài trăm thôi”.

“Em có phải sống chung với anh ta không”, tôi hỏi với vẻ chăm chú.

“Hai người phải thuê nhà chung, có hóa đơn điện nước chung với nhau. Rồi làm chung một tài khoản ngân hàng như vợ chồng”.

“Nhưng em đã nói từ đầu là em có bạn trai rồi, và đây là kết hôn giả, sống chung là sao? Em có phải quan hệ với anh ta như vợ chồng không”, tôi tỏ ra e ngại.

“Hãy coi như đây là kết hôn thật, chỉ là không ngủ chung thôi. Đây là kết hôn thật. Tất cả đều là thật. Rồi sau này hai người muốn ly dị thì là chuyện của em”.
Fake marriages
Source: Getty Images

Hôn nhân không cần chung giường

N. nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng đây là kết hôn thật, nhưng không cần ‘ăn nằm như vợ chồng’. Định nghĩa này của anh ta khiến tôi cảm thấy nực cười. Thấy N. có vẻ thẳng thắn chia sẻ, tôi tấn công tiếp bằng một loạt câu hỏi.

Có rất nhiều vụ kết hôn giả bị Bộ Di trú phát hiện, họ đến tận nhà để kiểm tra đột ngột, gọi điện để thẩm vấn, làm thế nào mà trường hợp của tôi lại không bị phát hiện. N. từ tốn giải thích rằng anh ta đã quen thuộc với việc này và cả hai bên sẽ dành ra thời gian để tìm hiểu lẫn nhau để các câu trả lời trùng lắp.
“Sau này tùy hai người thu xếp với nhau. Không yêu nhau thì ly dị thôi”.
Để chứng minh mình đã thành công trong các vụ mai mối trước đây, N. đưa cho tôi một mốt số tấm hình trong điện thoại của mình các cặp kết hôn thành công và ‘đang sống hạnh phúc’. N. tự hào khoe vừa làm mai cho 3 cặp, giờ đã có visa ở lại Úc. Nhìn nụ cười gượng gạo của các đôi trong hình, tôi không chắc họ có đang thật sự hạnh phúc hay chỉ làm trò để lừa Bộ di trú.

“Lúc đầu thì họ không hợp nhau lắm, nhưng sau đó vài lần, anh hướng dẫn cho nó (N. chỉ vào tấm hình người đàn ông) mua hoa tặng cho người kia. Cả hai còn đi Bali chơi nữa”, N. nói.

“Anh tìm đâu ra những người đàn ông hay phụ nữ đang muốn kiếm tiền từ việc kết hôn như vậy”, tôi dò hỏi.

“Bạn bè của anh, họ hàng, rồi bạn của bạn”, N. trả lời không suy nghĩ.

Thấy tôi tỏ ra lo lắng vì không biết người đàn ông mà N. giới thiệu cho tôi có phải là người tử tế hay không, anh ta trấn an đã lựa chọn cho tôi người tốt nhất. Chồng hờ của tôi người Trung Quốc gốc Mã Lai, có công ăn việc làm ổn định, không chơi bời, hiền lành, ngoài 30 tuổi. Sợ tôi đổi ý, N. còn hứa hẹn nếu tôi không thích người này, N. vẫn còn hai người khác cho tôi lựa chọn, nên cứ sẵn sàng gặp mặt trước rồi tính tiếp.

Với một cuộc hôn nhân xếp đặt chóng vánh như vậy, lại còn đặt ra lộ trình ly dị sau khi có visa, như đọc được sự lo ngại của tôi, N. bàn đến chuyện luật sư.

“Người đàn ông Trung Quốc gốc Mã Lai kia có chịu ly dị với em khi em có visa không? Em đã có bạn trai rồi”, tôi hỏi.

“Cái đó tùy hai người thu xếp với nhau. Không yêu nhau thì ly dị thôi”.

“Em thấy trường hợp của mình hơi khó, em lại không quen biết luật sự nào đáng tin cậy cả”.

“Em an tâm, anh có biết một luật sư tốt lắm. Người này từng làm hồ sơ visa cho nhiều người trước đây của anh rồi. Kể cả visa sinh viên, visa vợ chồng. Có thể tin được”.

“Vậy em có thể nói với luật sư đây là kết hôn giả không, người của mình mà”, tôi hỏi.

“Ai lại nói ra, cứ làm như là kết hôn thật. Đưa họ đầy đủ bằng chứng là được”.
“Em an tâm, anh có biết một luật sư tốt lắm. Người này từng làm hồ sơ visa cho nhiều khách trước đây của anh rồi. Kể cả visa sinh viên, visa vợ chồng. Có thể tin được”.
Tôi đặt ra giả thiết nếu anh chồng hờ người Trung Quốc gốc Mã Lai kia thích tôi và muốn kết hôn thật, thì chúng tôi có thể trở thành một cặp vợ chồng chính thức, và tôi không cần phải trả một đồng nào không. N. nói hãy coi $100,000 này là tiền sính lễ và đừng tính toán thiệt hơn.

“Trong văn hóa Châu Á, khi con gái về nhà chồng thì cha mẹ hay cho nhà trai một số tiền lớn hoặc mua nhà cho con ở. Em cứ coi đây là tiền sính lễ thôi”, N. nói.

“Nhưng đã là tình yêu thật sự thì không có chuyện tiền bạc ở giữa”, tôi đáp lại.

“Đó là chuyện văn hóa, cứ kết hôn với nhau thì giả thật gì cũng trả $100,000”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài một tiếng đồng hồ, trước khi chia tay, N. chỉ vào logo trên chiếc áo đồng phục của anh ta mặc và nhấn mạnh anh ta là người đàng hoàng, có công ăn việc làm, đây chỉ là công việc kinh doanh thêm của anh ta mà thôi, nên sẽ chẳng bao giờ lừa đảo tôi làm gì.

Trước khi ra khỏi quán cà phê, N. không quên dặn tôi suy nghĩ kỹ và liên lạc lại với anh ta kèm theo lời hứa hẹn.

“Anh sẽ giảm giá nếu em giới thiệu thêm em gái của mình nữa”…
--

N. chỉ là một trong rất nhiều những người đang lợi dụng kẻ hở của Luật Di trú Úc để trục lợi. Thế giới ngầm của việc buôn bán visa bất hợp pháp với nhiều bí mật sẽ được hé lộ trong chương trình The Feed của SBS, phối hợp với SBS Việt ngữ và các ban ngôn ngữ khác, cùng FairFax Media, phát sóng trên Viceland vào ngày 14/11 lúc 7.30pm.

Đón xem toàn bộ câu chuyện trên

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Share
Published 14 November 2017 8:28pm
Updated 12 August 2022 3:54pm
By Bích Ngọc, Olivia Nguyen


Share this with family and friends