Đến từ kinh đô ánh sáng, thủ đô của thời trang thế giới, Paris, nay Charlotte Ravet gọi nước Úc là nhà.
Cô được cấp thị thực loại dành cho các tài năng xuất chúng để đến Úc sau 8 năm làm việc trong vai trò là chuyên viên trang điểm cao cấp cho hai nhãn hiệu thời trang đẳng cấp thế giới Prada and Yves St Laurent.
“Tôi đang làm việc tốt đẹp, mọi thứ suôn sẻ cả. Tôi làm nhiều việc khác nhau cho các chương trình với một số thương hiệu thời trang.”
“Mọi thứ đều tốt đẹp, thế nhưng, tôi chỉ muốn tìm cho mình một cơ hội, thách thức mới thôi,” cô Ravet nói.
Phải mất 10 tháng để nộp đơn xin visa và nếu ngày đó quá trình này tốn thời gian lâu hơn thì cô Ravet có lẽ đã dành tài năng của mình để cống hiến cho một nơi khác thay vì Úc.
“Nếu việc này kéo dài hàng tháng trời, rồi tốn tiền bạc nữa, nếu lại còn thật sự khó khăn như bây giờ thì tôi nghĩ là mình đã không còn đủ sức để mà tiếp tục theo đuổi.”
“Lúc đó, tôi cảm thấy có lẽ không ổn rồi, có thể nơi đây không dành cho tôi,” cô Ravet nói.
Thay đổi Visa 457 đẩy áp lực sang Distinguished Talent Visa
Nay thì có vẻ là chính phủ hướng đến các tài năng xuất chúng từ ngoại quốc thông qua việc cải tổ chương trình chiếu khán 457.
Hơn 80 ngàn người tại Úc với chiếu khán làm việc tạm thời Visa 457 trong hơn 800 ngành nghề khác nhau.
Hơn 1/4 các ngành nghề trong danh sách này hiện bị chính phủ gỡ bỏ khỏi danh sách.
Thay vào đó, chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chiếu khán dành cho tài năng xuất chúng, thế nhưng số chiếu khán được cấp cho đối tượng này chỉ là 200 người mỗi năm.
Một quan chức từ Bộ di trú Úc đã hé lộ trong một buổi điều trần trước Thượng viện vào tháng Năm vừa qua rằng không có một chính sách chiếu khán di trú nào khác bị ảnh hưởng bởi thay đổi Visa 457.
Ông Alex Kaufman, một luật sư chuyên cố vấn đề nhân dụng của FCB Group cho rằng kế hoạch này đã được vạch ra từ trước.
Ông cũng dự đoán rằng trong vài năm tới sẽ có những hạn chế nhất định trong lĩnh vực này.
“Nếu như ngành này buộc phải cần đến những tài năng xuất chúng và phải tuyển dụng thông qua chương trình, thì chúng tôi thấy khá chắc chắn là sẽ có hạn chế đáng kể trong chương trình cấp visa cho người có tài năng xuất chúng trong những năm tới đây,” ông Kaufman nói.
Chính phủ sẽ thông báo về thay đổi trong danh sách nghề nghiệp đủ tiêu chuẩn nộp đơn xin Visa 457 mới vào tháng tới.
Từ giờ cho đến lúc đó, rõ ràng là những lao động vốn đang theo visa 457 cũ sẽ buộc phải nộp đơn xin visa theo diện tài năng xuất chúng vào Úc và dự kiến là sẽ mất thêm thời gian cho việc này.
Trở lại với chuyên gia trang điểm người Pháp, nay cô Ravet đang truyền lại những kỹ năng của mình cho các chuyên viên trang điểm trẻ của Úc.
Cô mừng vì mình vẫn đang được ở lại Úc thế nhưng có lẽ nếu như phải trải qua những thủ tục di trú như hiện nay thì có lẽ quyết định của cô đã khác.
“Tôi không chắc là mình có phải là người có thể làm được điều đó không.”
“Với tôi thì có thể tôi sẽ trở về Châu Âu hoặc là thử tìm kiếm cơ hội ở một nước khác, và coi đây là một kinh nghiệm thôi,” cô Ravet nói.