Một nghiên cứu mới của AMP phát hiện ra rằng 69% người Úc cảm thấy hối tiếc sau khi mua một món hàng hay một dịch vụ nào đó. Và con số này còn cao hơn nữa trong mùa lễ tết, với 56% người Úc không nhớ rõ họ đã chi bao nhiêu tiền để mua sắm quà Giáng Sinh trong năm 2016.
Đáng lo ngại hơn, 71% người tham gia thừa nhận rằng họ chi tiêu vượt quá khả năng tài chính của bản thân, và 88% đã từng mua sắm tùy hứng, nhất là với những mặt hàng như thời trang và đồ điện tử.
Cảm giác hối tiếc sau khi mua sắm ảnh hưởng đến 87% người Úc ở độ tuổi từ 18-24, trong đó có 79% là phụ nữ.
Anh Simon Wood và vợ là Caroline sống ở Sydney, bình thường vẫn có thể kiểm soát chi tiêu của mình khi mua quà cho hai đứa con, nhưng lại “vung tay quá trán” khi mua đồ trang trí Giáng Sinh và dạ tiệc.
“Gia đình tôi chưa bao giờ lâm vào cảnh nợ nần cả, nhưng cùng lúc đó, chúng tôi lại rất bận rộn và chi tiêu rất nhiều vào thời điểm này trong năm,” anh nói.
“Khi bạn mua sắm vào những ngày cận Giáng Sinh, mọi cửa hàng đều chật cứng người, và bạn chỉ muốn thoát ra khỏi đó càng sớm càng tốt. Vì thế, bạn có xu hướng chộp lấy mọi thứ thay vì nghĩ xem bạn có thực sự cần đến món đồ đó hay không.”
“Các cửa hàng thường trưng bày chocolate và bánh panettone ở những nơi bắt mắt, và bạn nghĩ rằng, ‘Ồ phải rồi, Giáng Sinh là một dịp đặc biệt trong năm.’ Phần não duy lý của bạn bị đẩy sang một bên, và bạn mau chóng chộp lấy mọi thứ.
“Khi bạn lớn tuổi hơn, thì thời điểm này trong năm cũng diễn ra nhiều tiệc tùng hơn. Nhất là với tính năng chạm thẻ để trả tiền (tap-and-pay), bạn chỉ việc đi đến quầy bar và mua thức uống cho cả nhóm mà thậm chí không suy nghĩ hay nhìn đến số tiền mà bạn đã trả.”
“Vấn đề trở nên tệ hơn khi bạn không để ý đến chi tiêu hàng ngày của mình, dẫn đến việc tiêu tiền quá tay và phải trả nợ vào tháng giêng năm sau.”
Chuyên gia tài chinh và ngôi sao YouTube Canna Campbell đến từ gợi ý rằng người mua hàng có thể tránh trường hợp vung tay quá trán bằng cách lên kế hoạch mua sắm từ trước, chi tiêu trong ngân sách, và suy nghĩ kỹ trước khi mua hàng.
“Bí quyết là hãy mua quà Giáng Sinh thật sớm. Khi bạn trì hoãn việc mua sắm đến phút cuối, bạn sẽ có tâm lý hoảng sợ và thường chi tiêu quá tay, vì trong tiềm thức, bạn cảm thấy có lỗi với người được tặng quà vì đã mua quà của họ vào phút cuối.”
“Tiếp theo đó, bạn hãy lên kế hoạch và chuẩn bị danh sách những người mà bạn cần phải mua quà, cùng với một khoản ngân sách cố định, đồng thời viết ra một số món đồ mà bạn nghĩ là họ sẽ thích.”
“Bạn cũng nên trò chuyện với người thân. Khi còn nhỏ, nếu bạn muốn mua một món đồ nào đó, bạn thường phải chờ hàng tháng trời trước khi Giáng Sinh đến để được tặng món đồ đó, thế nhưng giờ đây bạn có thể tự đi ra ngoài và mua đồ cho mình bất cứ lúc nào — vì thế hãy hỏi những người thân yêu xem họ muốn được tặng món quà gì, bởi vì khi đó họ sẽ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Đó là một khía cạnh tình cảm quan trọng.”
Cô Campbell nói rằng mặc dù việc mua quà Giáng Sinh là không thể tránh khỏi, song người tiêu thụ có thể tránh cảm giác hối tiếc sau khi mua hàng bằng cách chi tiền cho những món quà ý nghĩa và thân thiện với môi trường hơn.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH CẢM GIÁC HỐI TIẾC SAU KHI MUA HÀNG:
- Lên kế hoạch từ sớm
- Đặt ra ngân sách cố định
- Hỏi thăm người thân về món quà mà họ mong muốn
- Ưu tiên trải nghiệm hơn là vật chất
- Mua sắm trực tuyến để theo dõi chi tiêu dễ hơn, và tận dụng mã khuyến mãi và giảm giá
- Chi tiền cho những món đồ thân thiện với môi trường
- Sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại