Thống đốc Ngân hàng Trữ kim Úc (RBA) Philip Lowe khi trình bày trước Ủy ban Kinh tế Hạ viện cho biết ông sẽ tiếp tục nâng lãi suất nhưng tốc độ sẽ sớm chậm lại, và ông tin rằng nền kinh tế có thể thích nghi được với đà gia tăng.
Trong khi ông Lowe lặp lại các tuyên bố gần đây ám chỉ mạnh mẽ rằng tốc độ tăng lãi suất sẽ sớm chậm lại từ 0,5 điểm phần trăm mỗi tháng, ông nhấn mạnh rằng lãi suất tiền mặt sẽ tiếp tục tăng so với mức hiện tại.
Lãi suất sẽ tiếp tục tăng so với mức [quá thấp] hiện tại
"[Ở] 2,35 [phần trăm], tôi nghĩ rằng tỷ lệ này vẫn còn quá thấp," ông Lowe nói với Ủy ban Thường vụ Hạ viện về Kinh tế ở Canberra.
Ông nói thêm rằng, trong dài hạn, lãi suất tiền mặt "ít nhất nên đạt mức trung bình của điểm giữa trong mục tiêu lạm phát", là 2,5%, nếu không muốn nói là cao hơn.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ xoay quanh một số con số từ 2,5 đến 3,5 [phần trăm]," ông nói.
Chúng ta không đi trên một con đường đã định sẵn, đặc biệt là với sự bất định [thế này.]Philip Lowe, Thống đốc Ngân hàng Trữ kim Úc
Tiến sĩ Lowe cho biết ngân hàng trung ương sẽ làm những gì cần thiết để giảm lạm phát xuống phạm vi mục tiêu của RBA từ 2 đến 3% so với mức hàng năm hiện tại là 6,1%.
"Về triển vọng lãi suất, Hội đồng quản trị Ngân hàng Trữ kim kỳ vọng rằng cần phải tăng thêm nữa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu," ông nói.
RBA đã tăng lãi suất từ 0,1% trong tháng Năm lên 2,35% trong tháng này, với bốn trong số năm lần tăng lãi suất ở mức nửa điểm phần trăm.
Nhưng Tiến sĩ Lowe cho biết vào tháng tới, RBA sẽ thảo luận xem liệu mức tăng 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm có được bảo đảm không.
Úc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kinh tế thế giới
Những bình luận của Tiến sĩ Lowe đưa ra khi Ngân hàng Thế giới cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm tới, do lãi suất toàn cầu đã tăng cao hơn.
Tiến sĩ Lowe cho biết Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và điều đó sẽ ảnh hưởng đến Úc.
"Một nguồn gốc quan trọng của sự bất định là nền kinh tế toàn cầu, nơi mà triển vọng đã xấu đi. Triển vọng của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới là khá yếu," ông nói.
Sẽ rất khó cho Úc để tiếp tục đi trên con đường hẹp đó và về đích nhẹ nhàng nếu có thêm tin tức xấu quan trọng về nền kinh tế toàn cầu.Tiến sĩ Philip Lowe, Thống đốc RBA
"Sẽ rất khó để chúng tôi điều hướng trên con đường hẹp, vừa giảm lạm phát vừa giữ nền kinh tế của chúng ta tiếp tục tăng trưởng tốt một cách hợp lý."
Ông Lowe quan ngại, nhìn về nên kinh tế hùng mạnh nhất toàn cầu, rằng các đợt tăng lãi suất lớn vượt dự đoán ở Hoa Kỳ mới đây sẽ đẩy nước Mỹ vào suy thoái, bởi vì nếu xảy ra, điều đó sẽ khiến nước Úc khó tránh khỏi cảnh suy thoái nghiêm trọng.
Ông Lowe cho biết tình hình kinh tế Hoa Kỳ rất khác với Úc.
Ông cho biết Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) muốn làm chậm nền kinh tế Mỹ vì tiền lương nước này đang tăng với tốc độ hàng năm là 6% và điều này gây khó khăn cho việc giảm lạm phát.
Ông cho biết lạm phát ở Hoa Kỳ cao hơn nhiều so với ở Úc, và FED của Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng trong kiểm soát lãi suất để ngăn chặn vòng xoáy vật giá - tiền lương xảy ra.
Nhưng điều đó có thể gây ra hậu quả đối với Úc, ông Lowe cảnh báo, vì nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái, nó sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo một cuộc suy thoái toàn cầu
Nền kinh tế thế giới đang ở trong bối cảnh cả lạm phát và lãi suất cùng tăng vọt.
Ngân hàng Thế giới cho biết thế giới có thể đang tiến tới một cuộc suy thoái toàn cầu khi các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để chống lại lạm phát gia tăng.
Trong một báo cáo mới, ngân hàng cho biết các nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro, đã tăng trưởng chậm lại và thậm chí một "gây tác động vừa phải đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm tới có thể đẩy nó vào suy thoái".
Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại một cách rõ rệt, và có khả năng sẽ chậm lại hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái.David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng cho biết nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn chậm chạp mạnh nhất sau sự phục hồi sau suy thoái kể từ năm 1970 và niềm tin của người tiêu dùng đã giảm nhanh hơn so với thời kỳ suy thoái toàn cầu trước đó.
Tuy nhiên, ngân hàng lưu ý rằng việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục, nhưng điều đó có thể không đủ để làm giảm lạm phát.
Ngân hàng cho biết tỷ lệ lạm phát lõi toàn cầu có thể ở mức khoảng 5% vào năm 2023, gần gấp đôi mức trung bình 5 năm trước đại dịch.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại