Giá nhà ở Úc có thể sẽ tăng hơn mức trước đại dịch

Giá nhà ở Úc đang phục hồi mạnh mẽ từ cuộc suy thoái COVID-19, và được dự đoán sẽ đắt hơn vào năm 2021.

property market

Source: ABC Australia

Highlights
  • Perth, Sydney và Adelaide dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng giá nhà lớn nhất trong năm tới.
  • Người Úc đã vay 22,7 tỷ đô la vào tháng 10 để mua nhà (mức cao kỷ lục)
  • Các khoản vay được thúc đẩy bởi chính sách hỗ trợ mua căn nhà đầu tiên và chương trình HomeBuilder
Theo chỉ số thị trường nhà ở mới nhất của CoreLogic, chỉ số giá nhà trên cả nước Úc tăng 0,8% so với tháng 11, khi tất cả các thành phố lớn - bao gồm cả Melbourne - đều tăng giá trị.

Canberra và Darwin ghi nhận mức tăng cao nhất là 1,9%, trong khi Hobart có mức tăng trung bình 1,4%. Adelaide tăng 1,3%.

Melbourne là nơi phục hồi chậm nhất, có giá nhà tăng 0,7%, tiếp theo là mức tăng 0,6% của Brisbane và 0,4% của Sydney.

Theo một báo cáo mới của các nhà phân tích bất động sản SQM Research, các thành phố lớn của Úc có thể chứng kiến giá nhà tăng từ 5-9%.

Việc cắt giảm lãi suất, "kích thích tích cực của chính phủ" và sự trở lại của luật cho vay có trách nhiệm được cho là những yếu tố chính thúc đẩy giá nhà tăng.

Những dự đoán này trùng khớp với số liệu mới nhất của Nha Thống kê Úc (ABS), cho thấy nhu cầu về bất động sản đã tăng cao.

Dữ liệu cho thấy giá trị của các khoản vay mua nhà mới đã tăng lên mức cao kỷ lục 22,7 tỷ AUD vào tháng 10. Tuy mức này chỉ cao hơn một chút (+0,7%) so với tháng trước, nhưng là một bước nhảy vọt (+23,3%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự kiến giá nhà ở các thành ph lớn sẽ tiếp tục tăng

Perth dự kiến sẽ là chứng kiến mức tăng mạnh nhất 8-12% nhờ thị trường hàng hóa phục hồi và đầu tư dự án khai thác.

Kế đến là Sydney, với giá bất động sản tăng do những thay đổi được đề xuất đối với luật thuế quan và thuế đất của NSW.

SQM cho biết Melbourne sẽ là thị trường yếu nhất do việc phong tỏa kéo dài, nhiều cơ sở kinh doanh thất bại và thị trường việc làm yếu hơn so với các thành phố lớn khác.

"Việc đóng cửa biên giới quốc tế đang diễn ra kết hợp với về dòng di cư hạn chế giữa các tiểu bang hiện nay cũng sẽ khiến Melbourne gặp bất lợi", SQM viết trong báo cáo Housing Boom and Bust.

Lo ngại hậu quả về lâu dài của các biện pháp kích thích

SQM đã đưa ra giả định rằng nước Úc có thể bị cản trở bởi làn sóng thứ ba lây nhiễm coronavirus, nhiều đợt phong tỏa hơn và vắc-xin COVID được triển khai dần dần.

Các nhà phân tích cũng giả định rằng Ngân hàng Dự trữ (RBA) và Chính phủ Liên bang sẽ buộc phải tăng cường các chương trình kích thích của mình.

Cụ thể, SQM đang kỳ vọng RBA sẽ giữ lãi suất gần bằng 0 và bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế, trong khi Chính phủ sẽ buộc phải gia hạn trợ cấp lương JobKeeper thêm sáu tháng, đến tháng 9 năm 2021.

Ngay cả trong kịch bản bi quan nhất của mình, SQM dự đoán giá cả ở các thành phố thủ đô sẽ không thay đổi hoặc tăng tối đa 4%.

Các giả định khác nhau trong kịch bản đó là Chính phủ loại bỏ JobKeeper vào tháng 3 (theo kế hoạch), trợ cấp thất nghiệp giảm trở lại mức trước COVID và RBA không bơm thêm tiền vào hệ thống.

Giám đốc điều hành của SQM, Louis Christopher cho biết ông đã "nghi ngờ" về hậu quả lâu dài của các biện pháp kích thích này.

"Nếu nhà ở được coi là loại tài sản không được phép giảm, Úc có thể gặp một số vấn đề xã hội khá nghiêm trọng xung quanh tỷ lệ sở hữu nhà trong dài hạn.”

"Nhiều người trong cộng đồng bắt đầu nghĩ rằng họ không thể nào thất bại trong thị trường nhà ở, rằng Chính phủ sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu cần. Và đó là một ý tưởng đáng sợ."

Những người mua nhà lần đầu tiên vội vàng vì sợ bỏ lỡ

Đầu tuần này, thống đốc Ngân hàng Dự trữ Philip Lowe nói với một ủy ban quốc hội rằng: "Thực ra đây là thời điểm tốt nếu bạn là người mua nhà đầu tiên".

Nhưng những người mua nhà đầu tiên có thể đã đi trước một bước, theo số liệu cho vay của ABS. Trong tháng 10, số lượng chủ sở hữu nhà đầu tiên đã tăng 13.481.

Mặc dù con số hồi tháng trước cao hơn nhiều (+3,4%), nhưng ABS lưu ý rằng đây là một bước nhảy vọt (+30%) so với "tất cả những tháng trước COVID kể từ năm 2009".

ABS đã chỉ ra rằng, "khoản trợ cấp cho chủ sở hữu nhà đầu tiên đã tạm thời tăng gấp ba lần trong khuôn khổ gói kích thích kinh tế của Chính phủ Liên bang để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu."

Nhà phân tích tài chính Steve Mickenbecker của Canstar cho biết: “Chắc hẳn những người mua nhà lần đầu tiên đã rơi vào tâm lý sợ bỏ lỡ khi họ theo dõi bình luận về giá nhà tăng cho đến năm 2022.”

Tăng xây dựng do các biện pháp kích thích

Theo dữ liệu mới nhất của ABS về cho vay, xây dựng cũng là một lĩnh vực có nhu cầu vay cao.

Giá trị cho vay xây dựng tăng 10,9% trong tháng 10 so với tháng trước. Nhưng kể từ tháng 7, giá trị đã tăng 65,6%.

ABS quan sát thấy điều này trùng hợp với việc giới thiệu khoản trợ cấp HomeBuilder của Chính phủ vào tháng Sáu.

Các nhà kinh tế học Adelaide Timbrell và Felicity Emmett của ANZ đã viết trong một nghiên cứu: “Các khoản trợ cấp xây dựng nhà và các khoản trợ cấp xây dựng khác đã dẫn đến mức tăng trưởng cao nhất trong mười năm đối với hoạt động cho vay để xây dựng nhà ở.”

Họ lưu ý rằng các khoản vay xây dựng đã tăng vọt 86% so với tháng 10 năm 2019.

Liệu có nguy cơ vay quá khả năng trả?

Vào cuối tháng 9, Chính phủ Morrison đã công bố kế hoạch giảm bớt luật cho vay có trách nhiệm để giảm thiểu tác động của suy thoái do COVID-19.

Vào thời điểm đó, Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết những thay đổi sẽ bảo đảm không có "rào cản không cần thiết" đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ muốn vay tiền.

Theo số liệu GDP mới nhất, nền kinh tế Úc đã phục hồi mạnh mẽ và không còn rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật.

Giám đốc nghiên cứu của RateCity Sally Tindall cho biết: “Lý do chính để loại bỏ luật cho vay có trách nhiệm là để giải phóng dòng chảy tín dụng.

"Chúng ta không cần phải loại bỏ luật hiện hành, để mọi người tránh nguy cơ mắc các khoản nợ mà họ không có khả năng trả."

Share
Published 3 December 2020 7:35pm
Updated 3 December 2020 7:56pm
By Thanh Ngôn

Share this with family and friends