Bộ Di trú kiểm tra mối quan hệ trong visa bạn đời bằng cách nào?

Bộ Di Trú vẫn có thể hủy bỏ hồ sơ và trục xuất đương sự nếu họ tìm thấy những chi tiết mâu thuẫn với những gì mà đương sự đã cung cấp trong đơn. Vậy đâu là cách mà Bộ Di trú thường sử dụng để kiểm tra visa bạn đời? Và quan trọng hơn, làm sao để vượt qua?

Partner & Prospective Marriage Visas

Source: AAP

Các visa bạn đời ngày càng trở nên khó khăn, tốn kém và nhiêu khê trong quá trình xét duyệt. Có những trường hợp dù đương đơn trình đủ giấy tờ, thậm chí có con chung, nhưng hồ sơ vẫn bị bác, và có không ít trường hợp phải mất nhiều năm thì hồ sơ mới được chấp thuận.

Lý do Bộ Di trú đã trở nên rất gắt gao đối với các hồ sơ visa bạn đời vì đã có nhiều câu chuyện không trung thực đằng sau mỗi bộ hồ sơ.
Luật sư Di trú Trần Hữu Trung ở Sydney kể lại một câu chuyện mà Bộ Di trú đã thông báo cho các luật sư cũng như đại diện di trú.

“Một người đàn ông Ấn Độ kết hôn với một cô vợ người Úc và nộp đơn visa bạn đời, anh này khai gia đình ở Ấn Độ hết sức ủng hộ mối quan hệ của họ. Thế nhưng khi các nhân viên di trú của Úc tại Ấn Độ đến tận nhà để hỏi chuyện gia đình thì phát hiện ra cha mẹ của anh này không hề biết anh đã kết hôn.”

Phỏng vấn qua điện thoại để đối chiếu lời khai

Trước đây Bộ Di trú thường mời đương đơn trực tiếp đến văn phòng để phỏng vấn từng người, sau đó so sánh câu trả lời của vợ và chồng. Tuy nhiên sau này vì có quá nhiều hồ sơ, và mỗi lần phỏng vấn trực tiếp như vậy mất nhiều thời gian và công sức nên Bộ Di trú đã chuyển sang hình thức phỏng vấn qua điện thoại.

Cách thức thực hiện là một nhân viên sẽ đột ngột gọi và hỏi chuyện người chồng, và cùng lúc một nhân viên khác gọi điện hỏi chuyện người vợ. Câu hỏi xoay quanh những chuyện đơn giản lặt vặt trong gia đình để qua đó có thể xác thực mối quan hệ.

“Người nhân viên di trú có thể hỏi người vợ, tối qua hai vợ chồng đã làm gì, ở nhà hay ra ngoài, và cô đã nấu gì cho hai vợ chồng ăn?” luật sư Trần Hữu Trung nói.

“Nếu người chồng trả lời giống với người vợ thì không sao. Nhưng nếu câu trả lời khác, chẳng hạn người vợ nói là hai vợ chồng ở nhà ăn cơm trong khi người chồng lại nói là tối qua chúng tôi đã đi ăn ngoài thì Bộ Di trú phát hiện có sự lừa dối.
Và không chỉ Bộ Di trú mà thậm chí Tòa tái xét di trú cũng hỏi những câu hỏi kiểu đó.
“Tôi có lần đã chứng kiến, người vợ trả lời trước tòa trong nhà có bàn ăn màu trắng, nhưng đến lượt người chồng lại trả lời bàn ăn màu đen.”

Luật sư Trần Hữu Trung khuyên rằng mỗi khi Bộ di trú gọi điện thoại đến phỏng vấn thì đừng vội sợ hãi.

“99% Bộ di trú sẽ kiểm tra bằng cách này. Họ có thể gọi bất cứ lúc nào và không báo trước, nên cứ bình tĩnh, đừng nghĩ rằng hồ sơ mình có gì sai trái.

“Nếu cảm thấy không thoải mái nói tiếng Anh thì cứ mạnh dạn xin thông dịch viên.”
partner visa
Source: unplashed

Kiểm tra Facebook cá nhân

“Tôi đoán rằng hiện nay Bộ Di trú, Bộ Nội vụ và Cảnh sát đều có liên kết với nhau. Bộ Nội vụ cần thông tin Facebook để theo dõi những đối tượng khủng bố, và Bộ Di trú có thể cũng từ đó lấy thông tin của những người nộp hồ sơ,” luật sư Trung nói.

Luật sư Trần Hữu Trung kể chuyện một thân chủ trẻ của ông đã bị Bộ Di trú chất vấn vì sao kết hôn vào tháng 4 mà đến tháng 7 vẫn thấy hình chụp tình tứ với một cô gái khác trên Facebook.

“Tôi phải hỏi lại thân chủ của mình thì anh thanh niên nói rằng nghề của anh ấy là thiết kế thời trang nên thường chụp ảnh với người mẫu. Tôi phải làm lời khai để giải thích cho Bộ Di trú.

“Bộ Di trú sau khi nhận được giải trình đã yêu cầu thân chủ của tôi phải nộp bằng thiết kế thời trang cho họ kiểm tra.”

Luật sư Trung cũng nhấn mạnh là Bộ Di trú chỉ quan tâm đến Facebook hay mạng xã hội của đương đơn từ ngày nộp hồ sơ, còn thời gian trước đó họ hoàn toàn có quyền có bạn gái/bạn trai, có cuộc sống riêng tư.

Viếng thăm nhà vào những giờ 'oái oăm'

Bộ Di trú có thể viếng thăm vào bất kỳ giờ nào, thậm chí là những giờ giấc “oái ăm” như 5 giờ sáng hay 10 giờ đêm, là những giờ có thể dễ dàng kiểm tra xem hai người có sống với nhau không.

Luật sư Trung cho biết chính vì những hồ sơ kết hôn giả ngày càng nhiều nên Bộ Di trú mới siết chặt việc kiểm tra. Tuy nhiên phương pháp này mất nhiều thời gian và công sức cho nhân viên di trú nên họ chỉ thực hiện khi có người tố giác hoặc hồ sơ có dấu hiệu nghi ngờ như kết hôn khi chỉ vừa quen nhau vài tuần, kết hôn chênh lệch tuổi quá nhiều.

“Bộ Di trú có tài liệu chỉ thị cho nhân viên đánh giá xếp loại hồ sơ là ‘nguy cơ’ hoặc ‘nguy cơ cao’.
Theo chỉ dẫn này, hồ sơ ‘nguy cơ’ khi hai người cách nhau 10 tuổi, và ‘nguy cơ cao’ khi hai người cách nhau 15 tuổi.
Nếu hai người có chung sống thật thì nhân viên di trú thông thường chỉ hỏi qua loa, nhưng nếu hai người không ở chung với nhau thì khi đó Bộ di trú sẽ bắt đầu công việc kiểm tra.

“Họ sẽ hỏi người vợ xem người chồng đang ở đâu. Nếu người vợ trả lời là người chồng hôm nay về thăm bố mẹ thì họ sẽ gọi điện ngay lúc đó để kiểm tra.”
Luật sư Trung cho biết nhân viên di trú sẽ kiểm tra xung quanh nhà, vào phòng ngủ để xem có hình ảnh, có quần áo, có dấu vết sinh hoạt của hai người hay không, kiểm tra phòng giặt để xem hai người có giặt đồ chung không…

“Những lúc như vậy mình có thể từ chối không cho họ kiểm tra, nhưng tất nhiên điều đó sẽ được ghi vào trong hồ sơ và sẽ là một điều bất lợi cho mình.”

Theo chỉ dẫn của Bộ Di trú, để lấy visa tạm trú phải chờ 26 tháng, sau 2 năm có thể nộp đơn xin thường trú và thời gian chờ đợi được thường trú phải mất 25 - 26 tháng nữa, tổng cộng mất hơn 4 năm.

“Nhưng thực tế Bộ Di trú cấp visa sớm hơn nhiều, nếu như đương đơn tích cực cung cấp các bằng chứng về mối quan hệ trong thời gian sống chung,” luật sư Trung nói.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 9 March 2021 1:56pm
Updated 12 August 2022 3:11pm
By Mai Hoa, Hương Lan

Share this with family and friends