Hường là một phụ nữ người Việt 37 tuổi hiện sống ở Sydney. Chị sang Úc theo diện visa kết hôn với một người Úc. Thời gian đầu, cả hai người chỉ có thể giao tiếp với nhau thông qua công cụ Google Translate.
Vốn tiếng Anh của Hường khi đó chỉ là những từ rời rạc, không thể ráp thành câu hoàn chỉnh, vì thế chị sống hoàn toàn phụ thuộc vào chồng khi mới sang Úc, đi đâu cũng phải có chồng đưa đi, không dám ra đường, không thể làm việc, không có bất cứ mối quan hệ bạn bè nào.
Sáu tháng sau, chị theo học chương trình tiếng Anh dành cho di dân của chính phủ, và bằng nỗ lực cá nhân, Hường dần có bạn bè, xin được việc làm.
Và đến nay sau 7 năm ở Úc, Hường đã có việc làm ổn định và còn làm tình nguyện viên để đóng góp trở lại cho xã hội.
Tiếng Anh là cần thiết nhưng không nên là một quy định bắt buộc đối với visa kết hôn
Trong Ngân sách Liên bang tháng 10, chính phủ đã công bố yêu cầu bài thi tiếng Anh mới dành cho bất cứ ai nộp đơn xin visa bạn đời.
Hường nói nếu 7 năm trước chị cũng bị buộc phải làm bài thi tiếng Anh thì có lẽ chị không bao giờ có thể đặt chân được đến Úc
“Có những cặp vợ chồng không giao tiếp được tiếng Anh nhiều nhưng họ yêu nhau thì không thể vì tiếng Anh mà ngăn cản họ,” Hường nói.
“Trong thời gian học tiếng Anh, tôi may mắn học ở Campsie, lớp học ở đó có nhiều di dân đến từ các quốc gia khác, điều đó buộc tôi phải nói tiếng Anh nên tôi tiến bộ nhanh. Nhưng những người sống ở Cabramatta hay Bankstown, xung quanh toàn người Việt nên họ sẽ hay nói tiếng Việt, rồi tiếng Anh khó mà tiến bộ được.
Rồi nhiều người cũng phải đi làm để có tiền gửi về cho gia đình, trang trải cuộc sống mới, nên để bắt họ phải giỏi tiếng Anh trong một thời gian ngắn như vậy là rất khó.
Theo Hường, có rất nhiều hoàn cảnh giống chị, được bảo lãnh dưới dạng kết hôn nhưng họ chưa thực sự sẵn sàng cho một cuộc sống ở Úc
“Tôi đã chứng kiến có những người có bằng tiếng Anh nhưng sang Úc cũng không dễ tìm việc, thậm chí phát âm người Úc nghe không hiểu, họ cũng phải làm quen lại với những văn hoá, tập quán, học cách xin việc.
Tôi cho rằng tiếng Anh là cần thiết nhưng những kiến thức về pháp luật, lao động, văn hoá, phong tục mới là thứ giúp di dân hoà nhập. Chính phủ nên có những khoá học miễn phí như vậy giúp cho di dân thay vì bắt họ thi tiếng Anh.
Cô Phạm Bích Thuỷ, Chủ tịch Hội Phụ nữ Á Châu, là người tổ chức nhiều khoá học và dịch vụ cho di dân mới sang, bao gồm cả vấn đề bị bạo hành gia đình.
Cô cho biết có rất nhiều di dân sang đây không có điều kiện tài chính, họ thường phải mau chóng tìm cách trang trải cho cuộc sống mới bằng những việc làm ở hãng xưởng, hoặc những công việc không đòi hỏi trình độ tiếng Anh cao như phục vụ, làm farm…“Việc buộc những người mới sang tham gia vào các khoá tiếng Anh là cần thiết, nhưng nếu bắt họ phải thi tiếng Anh trước khi có thường trú sẽ chỉ khiến cuộc sống họ chật vật hơn, vì nhiều người phải đi làm để có thể trang trải cuộc sống.
Chị Phạm Bích Thủy - Hội phụ nữ Á châu Nơi làm việc Source: Bich Thuy Pham
Trong các lớp học của tôi tổ chức, có những người lớn tuổi, họ đi làm nhiều năm rồi giờ mới có thể quay lại đi học, nhưng khả năng tiếp thu cũng rất chậm. Chính phủ bắt họ thi tiếng Anh là điều không thể.
“Chính phủ có khả năng nhắm vào việc thu tiền từ những đương đơn không đậu bài thi tiếng Anh”
Luật sư Di trú Andie Lam thuộc Hội Luật sư Việt Úc, chuyên thụ lý những hồ sơ đoàn tụ gia đình và định cư tay nghề, cho rằng đây là một “chính sách kỳ thị của nước Úc đối với những nước không nói tiếng Anh”.
"Theo thống kê của Bộ Nội Vụ cho thấy, Việt Nam đứng thứ sáu trong các nước di dân tới Úc. Đứng thứ nhất là Ấn Độ, thứ ba Anh Quốc, thứ tư New Zealand và thứ năm là Philippines. Cả bốn nước này đều có căn bản nói tiếng Anh rất tốt, thì rõ ràng đây là một chính sách kỳ thị những nước không nói tiếng Anh.”
Giới hạn số visa bạn đời đã được tăng từ 47,000 lên , ưu tiên cho những người nộp đơn trong nước hoặc có bạn đời sống ở vùng nông thôn được chỉ định. Nhưng Luật sư Andie Lam nghi ngờ chính phủ nhắm vào việc thu tiền từ những đương đơn không đậu bài thi tiếng Anh
“Các loại visa khác, như visa tay nghề hay visa đầu tư, đều áp dụng biện pháp thu tiền nếu đương đơn không đậu bài thi tiếng Anh, nên rất có khả năng chính phủ sẽ từng bước thực hiện biện pháp này đối với visa bạn đời.
“Ví dụ, nếu người đứng đơn chính không thi được tiếng Anh thì trả $10,000, người phụ thuộc trên 18 tuổi $5,000. Với nhiều gia đình có con đi kèm thì việc chi thêm $15,000 cho một bộ hồ sơ là không khó khăn gì. Hãy thử làm phép tính chỉ cần chính phủ cấp một nửa chỉ tiêu 30,000 visa vợ chồng là dễ dàng kiếm được 450 triệu đô Úc chỉ trong một năm.”Thủ tướng Scott Morrison từng phát biểu trong buổi công bố Ngân sách rằng, việc thiếu hụt kỹ năng tiếng Anh đã khiến nhiều người gặp rủi ro trong cuộc sống ở Úc.
Luật sư Andie Lam. Source: Andie Lam
“Rủi ro bị bạo hành, rủi ro bị bóc lột tại nơi làm việc, và bị tước quyền lợi,” ông Morrison nói.
Luật sư Andie Lam cho rằng việc bắt buộc học tiếng Anh khi mới sang Úc là điều cần thiết, nhưng bài thi tiếng Anh không nên và chưa bao giờ nên là tiêu chí để được cấp visa.
Visa vợ chồng là phải hội tụ bốn điều quan trọng: chăm sóc gia đình, tài chính, xã hội và cam kết trong hôn nhân, chung thuỷ một vợ một chồng. Tất cả những điều đó không liên quan gì đến tiếng Anh.
“Đối với visa tay nghề, visa kinh doanh thì cần bài thi tiếng Anh để thu hút những nhân tài đến Úc. Nhưng đối với visa bạn đời, nếu dùng tiếng Anh để xét tiêu chuẩn cấp visa thì hoàn toàn không hợp logic và mục đích của visa này. Yêu cầu tiếng Anh là sẽ thêm sự khó khăn cho những cặp vợ chồng Tây Việt chẳng hạn.
“Ví dụ những cặp lớn tuổi muốn đến với nhau, lại phải hì hục đi thi tiếng Anh? Học tiếng Anh hay không là do sự cầu tiến của mỗi người, những người trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh, những người lớn tuổi sẽ tự học hiểu.”
Cộng đồng người Việt tại Úc hiện là một trong những cộng đồng đông dân nhất. Từ những năm 1980, xuất hiện làn sóng người Việt tỵ nạn tới Úc, những người rời Việt Nam sau chiến tranh.
Đa số người Việt khi đó cũng không biết tiếng Anh, nhưng qua thời gian, người Việt đã hội nhập và cống hiến rất nhiều vào xã hội Úc.
Giờ đây những vùng có đông người Việt như Cabramatta, Bankstown, Footscray hay Sunshine đều nằm trong những vùng đông đúc và kinh doanh sầm uất.
Cô Bích Thuỷ cho rằng chính phủ cần nhìn nhận rằng, dù là di dân theo visa nào họ rồi cũng sẽ đóng góp vào xã hội Úc
“Những di dân sang đây không giỏi tiếng Anh, nhưng sau một thời gian cố gắng học họ cũng làm việc được và rồi đóng thuế lại cho xã hội Úc. Và cho dù cha mẹ không nói được tiếng Anh tốt, thì thế hệ con cháu sinh trưởng ở đây nói tiếng Anh rất tốt, hỗ trợ cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày, và cũng đóng góp vào xã hội Úc.”
Tổng trưởng Di trú Alan Tudge cho biết chi tiết về những thay đổi đối với visa bạn đời sẽ được công bố trong vài tháng tới.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại