Bạn muốn làm nghề gì (7) Kỹ sư phần mềm

Software Engineering

Software Engineering Source: Pixabay

Kỹ sư phần mềm (Software Engineering), một phân ngành của CNTT có tính thực tế cao, đòi hỏi sự sáng tạo nhưng yêu cầu về tiếng Anh lại không quá khắt khe, do đó người lao động nước ngoài tay nghề cao hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh trong thị trường lao động Úc.


CNTT luôn là một ngành học được đông đảo du học sinh và những người tìm kiếm cơ hội định cư tay nghề ở Úc lựa chọn bởi khả năng tìm được việc trên thị trường lao động khá cao so với những ngành khác. Và cùng với việc luôn có mặt trong danh sách SOL (danh sách định cư tay nghề), thì càng khiến cho sức hấp dẫn của ngành này chưa bao giờ suy giảm.

Kỹ sư phần mềm không chỉ là lập trình

Khi nhắc đến công việc Kỹ sư phần mềm thì người ta thường ngay lập tức nghĩ đến công việc lập trình, nghĩa là viết các phần mềm ứng dụng. Nhưng theo chia sẻ của anh Trần Hồng Thái, một kỹ sư phần mềm có hơn 10 năm làm việc trong nghề và hiện đang làm tiến sĩ tại Đại học UTS, thì công việc của ngành này rất đa dạng

“Trong quy trình phát triển của một sản phẩm phần mềm có rất nhiều công đoạn và mỗi công đoạn sẽ có nhiều vị trí công việc tương ứng. Đầu tiên là công đoạn tiếp nhận yêu cầu (business analyst), đây là những người sẽ cùng khách hàng phân tích nghiệp vụ từ hướng kinh tế để áp dụng trong hệ thống CNTT.

“Tiếp theo là đến công đoạn phát triển sản phẩm gồm những người trực tiếp tạo ra sản phẩm (coder, developer)

“Sau đó có đội ngũ kiểm thử (tester) bảo đảm chất lượng sản phẩm, công việc này rất phát triển, đặc biệt là ở những quốc gia có chi phí nhân công thấp do yêu cầu về trình độ nhân viên không quá cao.

 “Cuối cùng là công đoạn triển khai sản phẩm và hỗ trợ khách hàng (customer service). Ngoài ra còn có những người thiết kế giao diện (designer), quản lý dự án (project manager) hay quản lý kỹ thuật. Cao cấp hơn là những người quản lý sản phẩm và quản lý kiến trúc hệ thống.”

Nhu cầu tuyển dụng trên thị trường khá lớn

Không chỉ các doanh nghiệp chuyên về CNTT mới cần tuyển dụng nhân sự về lập trình/phần mềm, mà ở những doanh nghiệp hay tổ chức trong các lĩnh vực khác như tài chính hay giáo dục, họ vẫn cần đội ngũ kỹ sư phần mềm để bảm đảm sự vận hành của các chương trình phần mềm trong tổ chức, và những vị trí tuyển dụng cũng tương tự như ở các tổ chức về CNTT.
top_place.jpg
Top những doanh nghiệp được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất 2016 (nguồn: Great Place to Work)
Một kết quả khảo sát về những nơi làm việc tốt nhất do tổ chức tiến hành đã cho thấy, trong số những doanh nghiệp được bình chọn là những nơi làm việc tốt nhất năm 2016 có gần ½ là những doanh nghiệp chuyên về CNTT, dẫn đầu là , công ty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm cho nhiều lĩnh vực.

Số lượng tuyển dụng cho ngành CNTT trên các trang tìm việc luôn dẫn đầu, cụ thể trên trang seek.com.au, trong suốt 3 tháng kể từ tháng 2/2016, con số này là gần 14,000 vị trí, vượt xa các lĩnh vực khác chẳng hạn như y tế là 11,000 hay kế toán là hơn 8,000 vị trí.

Ngành Kỹ sư phần mềm cũng là ngành có tỷ lệ người làm việc toàn thời cao nhất (91%), với mức lương trung bình trên $80,000/năm. Xem thêm

Kỹ năng tìm việc như thế nào?

So với các ngành nghề khác, thì ngành kỹ sư phần mềm không đòi hỏi quá khắt khe về khả năng tiếng Anh, vậy còn điều gì trở ngại đối với người Việt trong chuyện tìm việc?

Chị Nghiêm Phương Thảo, Tiến sĩ về CNTT đang làm việc tại Đại học RMIT đã chia sẻ:

“Sau khi được qua vòng sàng lọc hồ sơ thì sẽ đến vòng phỏng vấn. Đầu tiên là bài kiểm tra trên đầu vào, nếu là kiểm tra trên giấy thì sẽ là những câu hỏi về chuyên môn. Kế tiếp sẽ là phỏng vấn với quản lý, nhân sự, lúc này nhà tuyển dụng muốn thấy cách xử lý tình huống của mình khi phải đối mặt với tình huống hay áp lực như thế nào. Và đặc biệt khả năng giao tiếp rất quan trọng”

“Bạn nên chuẩn bị trước khi đi phỏng vấn như đọc trước thông tin về công ty, vị trí công việc mà mình ứng tuyển. Một điều quan trọng là tìm thông tin của những người trong ban phỏng vấn, thế mạnh của họ là gì để trả lời đúng trọng tâm họ cần.

“Ngoài ra, một vấn đề mà người Việt thường gặp phải đó là không có hồ sơ cá nhân online LinkedIn, hoặc có nhưng ít chăm sóc. Nếu cải thiện được hai điều này thì cơ hội tìm được việc sẽ rất cao.”

Share