Nước Úc được xem là một trong những nước có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới với tuổi thọ trung bình là 81 tuổi.
Việc già hóa dân số tại Úc đã kéo theo sự tăng trưởng mạnh đối với nhu cầu của nghề agedcare, tức là nghề y tá chăm sóc người cao niên.
Điều này thể hiện qua số lượng tuyển dụng ngành aged care trên các trang tuyển dụng việc làm như seek.com.au, ngành agedcare luôn đứng đầu trong số những ngành liên quan đến y khoa và chăm sóc sức khỏe.
Công việc của y tá chăm sóc người cao niên là gì?
Y tá Phạm Kim Âu, người đã có 8 năm trong nghề, và hiện đang gắn bó với viện dưỡng lão Mekong ở Melbourne cho biết, những cư trú viên tại viện dưỡng lão thường ở đây trong thời gian dài, điều này đòi hỏi người y tá không chỉ phải làm nhiệm vụ chăm sóc về mặt sức khỏe cho họ, mà còn phải đảm nhiệm cả những nhiệm vụ chăm sóc cá nhân, còn phải có kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và trò chuyện, chăm sóc về mặt tinh thần và cả vấn đề tâm linh.
“Phần lớn là chăm sóc về sức khỏe, những công việc hàng ngày như đo huyết áp, kiểm tra bệnh tình có tiến triển không hay có gì mới phát sinh, và phải giúp các cư trú viên về những sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa.
“Y tá còn phải lo về mặt tinh thần, tổ chức thêm những hoạt động khác như câu lạc bộ may, câu lạc bộ đọc truyện. Thỉnh thoảng Viện dưỡng lão Mekong cũng tổ chức các hoạt động đưa các bác đi ra ngoài, đi shopping.
“Và cả vấn đề tâm linh nữa, mình cũng phải liên lạc với các thầy hoặc cha để mời họ đến cầu phúc, làm lễ hay đọc kinh cho các bác,” y tá Kim Âu cho biết.
“Mỗi y tá phải xin cấp lại giấy phép hành nghề mỗi năm, để đạt được điều đó thì phải hoàn tất 20 tiếng học cập nhật kiến thức mới. Mỗi năm y khoa đều có sự phát triển, nếu y tá không tự học sẽ bị tụt hậu ngay.” Y tá Phạm Kim Âu
Nhiều thách thức cũng như cơ hội học hỏi
Y tá trong viện dưỡng lão cũng phải đối mặt với nhiều trường hợp khẩn cấp không khác gì so với y tá trong bệnh viện. Ngoài ra còn phải gặp gỡ và làm việc với gia đình, thân nhân của cư trú viên, những người luôn đặt sự kỳ vọng cũng như đòi hỏi vào các y tá và trợ lý là rất cao do nhiều người cảm thấy không làm tròn trách nhiệm con cái khi phải đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão.
“Công việc mỗi ngày mỗi thay đỗi đòi hỏi mình phải linh động, đôi khi mình đang phát thuốc theo kế hoạch bỗng nhiên có bác bị ngã, bị chấn thương thì mình cũng phải kiểm tra hoặc gọi cấp cứu đưa đi bệnh viện và gọi điện báo người nhà.
“Gia đình thường có khuynh hướng để ý từng chi tiết, cũng bởi họ lo lắng cho cha mẹ, nên đôi khi ngoài chuyện giải thích cho gia đình, thân nhân thì mình còn phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ, dinh dưỡng sư, vật lý trị liệu để đạt hiệu quả trong việc giải thích và thuyết phục,” y tá Kim Âu nói.
Một quan niệm sai lầm phổ biến đó là y tá làm việc trong viện dưỡng lão sẽ không có cơ hội sử dụng nhiều kiến thức chuyên môn sâu so với những y tá làm trong bệnh viện.
Nhưng trên thực tế điều này hoàn toàn sai lầm, môi trường làm việc tại viện dưỡng lão đòi hỏi một y tá phải có kiến thức rộng về mọi mặt, và điều quan trọng hơn là phải cập nhật cũng như học nâng cao kiến thức và tay nghề mỗi năm.
“Mỗi y tá phải xin cấp lại giấy phép hành nghề mỗi năm, để đạt được điều đó thì phải hoàn tất 20 tiếng học cập nhật kiến thức mới, ba vấn đề bắt buộc là hô hấp nhân tạo, cấp cứu và di chuyển người bệnh bằng thiết bị.
"Ngoài ra còn phải học những phương pháp băng bó mới, các loại thuốc mới, cách chăm sóc cho những người bị suy giảm trí nhớ. Mỗi năm y khoa đều có sự phát triển, nếu y tá không tự học sẽ bị tụt hậu ngay,” y tá Kim Âu cho biết.
Mỗi y tá phải xin cấp lại giấy phép hành nghề mỗi năm, hạn chót là ngày 31 tháng Năm. Xem thêm cách thức xin giấy phép hành nghề và yêu cầu tại đây
Bằng cấp và các cơ hội nghề nghiệp
Ông Dũng Lê, nguyên giám đốc Viện dưỡng lão Mekong, và hiện là Tổng giám đốc Hội cao niên tị nạn Đông Dương Victoria cho biết những yêu cầu để được làm việc trong Viện dưỡng lão và con đường phát triển sự nghiệp.
“Mỗi ca tối thiểu có một y tá bậc đại học làm trưởng ca, dưới y tá là 1 đến 2 y tá cán sự bậc diplomat phụ trách vấn đề về thuốc men. Ngoài ra có các nhân viên chăm sóc trực tiếp (PCA – personal care assistant) làm những công việc tắm rửa hay cho ăn, ca sáng bận rộn thì có khoảng chục nhân viên PCA, còn các ca chiều tối thì chỉ cần khoảng 5 nhân viên.”
“Tối thiểu phải có chứng chỉ cấp 3 (Certificate III) để được vào làm trong viện dưỡng lão. Nhưng xu hướng gần đây tiêu chuẩn đã cao hơn đòi hỏi nhân viên phải có bằng cấp tối thiểu là Certificate IV.”
“Một y tá sau một thời gian làm việc nếu đủ kinh nghiệm có thể được đề bạt làm y tá trưởng. Từ đó có thể phát triển sự nghiệp theo hướng làm văn phòng phụ trách vấn đề đòi tiền Chính phủ, hoặc cao hơn là Quality Care Manager, phụ trách về bảo đảm chất lượng chăm sóc tại viện dưỡng lão, và cao nhất là Giám đốc Viện dưỡng lão,” ông Dũng Lê nói.
“Chính phủ đã khuyến khích lao động đến với nghề này bằng cách giảm thuế, ví dụ y tá trong nhà thương một năm được giảm $10,000 thu nhập không chịu thuế, còn đối với y tá trong viện dưỡng lão là $16,000." Ông Dũng Lê, Giám đốc Hội người cao niên tị nạn Đông Dương
Khó khăn và Ưu đãi
Nhu cầu lao động trên thị trường đối với ngành aged care là rất lớn do vấn đề già hóa dân số, nhưng số cung lao động trong nghề vẫn quá thấp để đáp ứng. Theo ông Dũng Lê, nguyên nhân là do quy chế làm việc và lương bổng chưa được thỏa đáng.
“Thứ nhất là do quy chế, những y tá làm trong nhà thương sẽ có quy định chăm sóc 7, 8 bệnh nhân nhưng y tá trong viện dưỡng lão không có quy chế rõ ràng đó. Thứ hai, y tá tại viện dưỡng lão giống như làm dâu trăm họ, nhưng lương bổng lại không cao bằng y tá trong bệnh viện. Do đó một y tá mới ra trường thích làm trong nhà thương hơn là viện dưỡng lão.
“Những người học Certificate III đa số là những người trung niên, tiếng Anh còn hạn chế. Trong khi người trẻ thường không mặn mà với bằng cấp này mà họ học lên đại học, học kỹ sư, bác sĩ nhiều hơn.”
Tuy nhiên ông Dũng Lê cũng cho biết, công việc này cũng có những sự hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ để khuyến khích có thêm lao động đến với nghề.
“Chính phủ đã khuyến khích lao động đến với nghề này bằng cách giảm thuế, ví dụ y tá trong nhà thương một năm được giảm $10,000 thu nhập không chịu thuế, còn đối với y tá trong viện dưỡng lão là $16,000. Đó được xem như là một hình thức bù đắp cho thiệt thòi về lương bổng.”
Nếu có ý kiến về chương trình đã nghe, hoặc muốn biết thêm một nghề nào khác, xin vui lòng email cho ban Việt ngữ tại [email protected]
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại