Bạn muốn làm nghề gì (13) Nhân viên xã hội

Sự giúp đỡ của các nhân viên xã hội luôn là điều cần thiết

Sự giúp đỡ của các nhân viên xã hội luôn là điều cần thiết. Source: Pixabay

Không chỉ ở Úc mà ở mọi nơi, đặc biệt là ở những quốc gia phát triển, luôn cần đến những nhân viên công tác xã hội, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, tạo được sự cân đối giữa phát triển kinh tế và vấn đề an sinh xã hội.


Nghề nhân viên công tác xã hội là một công việc chuyên nghiệp, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, kiến thức và cả tình yêu đối với nghề nghiệp. Người nhân viên xã hội sẽ làm việc với cộng đồng để tạo ra sự thay đổi tốt đẹp hơn.

Vai trò của nhân viên công tác xã hội

Công việc nhân viên xã hội là công việc giúp đỡ mọi người, thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn, những người có vấn đề về sức khoẻ, khủng hoảng tinh thần, bị bạo hành gia đình, bị lạm dụng, nghiện ngập…

  • Vai trò là người tham vấn giúp cho những đối tượng có khó khăn về tâm lý, tình cảm vượt qua được sự căng thẳng, khủng hoảng, duy trì hành vi tích cực bảo đảm chất lượng cuộc sống.
  • Vai trò là người kết nối, giới thiệu thân chủ tiếp cận tới các dịch vụ, tổ chức giúp đỡ đang sẵn có trong cộng đồng.
  • Vai trò là người vận động chính sách giúp bảo vệ quyền lợi cho đối tượng để họ được hưởng những chính sách, quyền lợi, đặc biệt trong những trường hợp họ bị từ chối những dịch vụ, chính sách mà họ đáng lẽ được hưởng.

  • Vai trò là người tổ chức các hoạt động hội nhóm, các chương trình giáo dục cung cấp kiến thức kỹ năng nâng cao năng lực cho cá nhân, để họ có hiểu biết, tự tin để hoà nhập với cộng đồng hoặc tự tìm kiếm nguồn lực cho vấn đề cần giải quyết.

Chị Phạm Bích Thuỷ, một nhân viên xã hội của Hội Phụ nữ Á châu, một hội chuyên giúp những phụ nữ mới đến định cư ở Úc về những vấn đề việc làm, quyền lợi lao động, cho biết Hội đã từng thành công khi vận động cho những công nhân may hàng tại nhà có đầy đủ quyền lợi lao động như những công nhân làm ở hãng xưởng.

Ngoài ra hội của chị hiện đang tổ chức những nhóm sinh hoạt học thể dục, Zumba, học sử dụng máy tính, tiếng Anh. Đây vừa là một nơi sinh hoạt nhằm nâng cao kiến thức, sức khoẻ cho phụ nữ, đồng thời là một nơi để kết bạn, giao lưu, giúp các thành viên mở rộng mạng lưới bạn bè, đem lại một cuộc sống tinh thần khoẻ mạnh cho các thành viên tham gia.
Rất nhiều đối tượng trong xã hội cần đến sự tư vấn, giúp đỡ.
Rất nhiều đối tượng trong xã hội cần đến sự tư vấn, giúp đỡ. Source: Moodboard

Triển vọng nghề nghiệp

Nhu cầu về nhân viên xã hội rất nhiều và người nhân viên xã hội có thể làm việc ở nhiều tổ chức như:

  • Bộ an sinh xã hội Centrelink
  • Các tổ chức dành cho người già và trẻ em như viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc trẻ em.
  • Bệnh viện, trường học
  • Các tổ chức phi chính phủ dành cho người khuyết tật, gia đình, phụ nữ, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, nghiện ngập…

Điều kiện để làm nhân viên xã hội là gì?

Hầu hết các truờng đại học tại Úc đều cung cấp các khoa học chính quy về ngành Nhân viên xã hội. Tại đây bạn sẽ được đào tạo kiến thức và kỹ năng về tư vấn và làm việc với cá nhân, nhóm, gia đình; kỹ năng phát triển cộng đồng, cũng như kiến thức về hành vi con người, các giai đoạn phát triển của tâm sinh lý, sức khoẻ thể chất và tâm thần…

Theo chia sẻ của chị Phạm Bích Thuỷ, ngoài bằng cấp chuyên môn, bạn nên học thêm những kỹ năng có liên quan để giúp ích cho công việc, ví dụ bằng thông dịch viên để có thể tự liên lạc với cộng đồng, hoặc bằng về tâm lý để có thể tư vấn một cách hiệu quả.

Bạn có thể đăng ký lên danh sách của Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Úc châu cũng như tìm hiểu về những khoá học về Nhân viên xã hội được công nhận bởi Hiệp hội này

Tuy nhiên ngoài bằng cấp chuyên môn, để tồn tại được với nghề lâu dài, người làm công tác xã hội phải có tinh thần cộng đồng, có tính cách thích tham gia các sinh hoạt hội nhóm, yêu công việc giúp đỡ mọi người, không ngại hi sinh thời gian bản thân và mong muốn tạo ra sự thay đổi.

Share