An cư lạc nghiệp (9) Mượn tiền ngân hàng để mua nhà hay qua môi giới

Navigating the home loan market can be difficult.

Melbourne off-the-plan investors battle lower property valuations. Source: Getty Images

Vay tiền mua nhà có thể là khoảng thời gian khó khăn với nhiều người, nên mượn tiền từ nhà băng hay thông qua những người môi giới cho vay (broker)? Tìm hiểu thông tin hữu ích về bảo hiểm ngôi nhà và đồ đạc (home and content insurance).


A/ Vay tiền ngân hang hay qua công ty môi giới?

Chị Quyên Lê, giám đốc thương mại của Finance Group tư vấn về việc lựa chọn giữa ngân hàng hay công ty môi giới để vay tiền mua nhà.

SBS: Chúng ta thường nghe đến hai hình thức mượn tiền để trả tiền mua nhà mortgage, từ nhà băng hoặc từ những người môi giới. Xin chị Quyên giới thiệu sơ qua về hai hình thức này?

Chuyên viên tài chánh (CVTC) Quyên Lê: Khi nói đến mua nhà thì thông thường chúng ta sẽ nghĩ đến việc mượn tiền để mua và có hai cách để thực hiện.

Một là trực tiếp đến ngân hàng để hỏi mượn hoặc là thông qua các công ty và nhân viên tài chính để họ giúp mình liên lạc với các ngân hàng để vay mượn.

Sự khác biệt giữa ngân hàng và môi giới được ví dụ cụ thể như sau.

Nếu quý vị đến những ngân hàng lớn như CBA, ANZ hoặc St George , Westpac thì quý vị có thể sẽ bị giới hạn về việc mượn tiền vì những ngân hàng này sẽ xét duyệt theo hình thức hạn chế. Qúy vị phải là khách hàng của họ, chứng minh là mình có đầy đủ khả năng và có lịch sử trả tiền tốt cho  ngân hàng.

Với môi giới thì việc mượn tiền vẫn tương tự nhưng khách hàng sẽ được các nhân viên giúp đỡ và có nhiều lựa chọn. Khách hàng cũng có thể so sánh được lãi suất và điều kiện từ nhiều ngân hàng, đồng thời tìm ra ngân hàng phù hợp nhất cho mình. Có nhiều ngân hàng có thể cho quý vị mượn dễ hơn các ngân hàng lớn (nếu các ngân hàng đó từ chối hồ sơ của quý vị hoặc quý vị không đủ điều kiện để được họ chấp nhận ).

SBS: Công ty môi giới cho vay (brokers) sẽ làm những việc gì cho khách hàng? 

CVTC Quyên Lê: Nhân viên môi giới sẽ giúp khách hàng mượn tiền bằng cách phỏng vấn về doanh thu và khả năng chi trả của người mượn tiền. Sau đó người môi giới sẽ lấy thêm chi tiết cá nhân và giúp khách hàng tìm người cho vay thích hợp. Nhân viên môi giới có thẩm quyền vào các hệ thống để liên hệ với trên 10 ngân  hàng  và đến 50 công ty cho vay khác để giúp đỡ người vay tiền. 

Người môi giới sẽ giải thích quá trình xét duyệt và những thông tin có liên quan như lãi suất và chi tiết vay mượn hoặc chi trả cho khách hàng. Khách hàng sẽ đặt các câu hỏi nếu cần trao đổi bất cứ vấn đề gì có liên quan đến hồ sơ vay mượn và chi tiết điều về kiện chi trả của mình .

SBS: Người mượn tiền có phải trả chi phí cho brokers hay không? Phí này lấy từ đâu? 

CVTC Quyên Lê: Cũng tuỳ theo các công ty tài chính và cũng tuỳ theo các công ty cho mượn. Như Quyên được biết thì hiện nay người vay không cần phải trả phí cho nhân viên môi giới.

Nhiều người hiểu lầm là nếu qua dịch vụ broker là phải trả phí phục vụ (service fee) cho ngân hàng. Điều này không đúng. Broker có quyền tính phí cho khách hàng trong những trường hợp đặc biệt hoặc mỗi công ty sẽ có chính sách riêng để tính tiền phí của khách hàng.

Những khoản tiền khách hàng phải trả đều được ghi trong hợp đồng, giấy trắng mực đen và hết sức rõ ràng về lý đó khách phải trả những khoản phí ấy.

Nhân viên tài chính có trách nhiệm thông báo nếu khách hàng vay mượn cần phải trả chi phí. Đa số ngân hàng và các công ty cho vay sẽ trả tiền hoa hồng cho các môi giới .

SBS: Những điểm lợi khi tìm đến công ty môi giới cho vay và những rủi ro tiềm ẩn cần phải lưu ý? 

CVTC Quyên Lê: Broker sẽ giúp cho khách hàng tìm được những khoản vay rất tốt cho trường hợp của khách vì broker luôn lắng nghe về tài chính của quý vị, đồng thời tìm ra hướng giải quyết vấn đề tốt nhất như khách hàng mong muốn. Khách hàng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian vì đã có họ làm mọi việc cho.

Các nhân viên môi giới sẽ giúp người vay mượn các thủ tục như hướng dẫn điền đơn và theo dõi quá trình xét duyệt, thông báo và hoàn tất thủ tục xin cho vay với các ngân hàng 

Họ có kinh nghiệm tìm các nhà cho vay và cho biết sự lựa chọn nào thích hợp và có lợi cho người vay mượn.

Khi mình chọn người môi giới giỏi và có kinh nghiệm, họ có thể giúp mình hoàn tất việc vay mượn nhanh và không phải nhức đầu cho việc quyết định vay mượn 

Broker rất cực và phải rất chu đáo vì họ làm mọi việc cho khách hàng. Vì khách hàng là nguồn kinh doanh của họ.Họ phải đi tìm và giải quyết những trường hợp khó nhất, trong khi ngân hàng thì không phải làm thế.

Nhân viên ngân hàng thì rất khác, họ làm việc cho ngân hàng không phải cho bạn. Có bạn hay không thì họ vẫn nhận lương bình thường và thường xuyên chuyển từ vị trí này đến vị trí khác. Vì thế, một nhân viên ngân hàng sẽ không có động lực cũng như điều kiện để theo dõi hồ sơ của bạn một cách chính xác nhất có thể.
untitled.jpg
Chị Quyên Lê, giám đốc thương mại của Finance Group tư vấn về việc lựa chọn giữa ngân hàng hay công ty môi giới để vay tiền mua nhà.
SBS: Nên nghiên cứu những gì trước khi tìm đến công ty môi giới để nhờ họ vay tiền? 

CVTC Quyên Lê: Những rủi ro mà người vay mượn có thể gặp như là việc có rất nhiều chuyên viên tài chính hiện nay, làm sao để biết ai là người có kinh nghiệm, thời gian trong nghề 

Cách nhận biết một broker giỏi hay không:

phải tìm hiểu là họ có hoạt động kinh doanh hợp pháp hay không? Có bằng cấp và giấy phép hành nghề không? 

Người broker sẽ giải thích cho bạn về trường hợp của khách hàng là nguy hiểm hoặc không huy hiểm ở mức độ nào. Họ sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất như khách hàng muốn. 

Họ phải biết được từng giai đoạn của hồ sơ của khách hàng để thông báo và cập nhật cho bạn giúp cho bạn có được tâm lý thoải mái hơn. 

Đến lúc post-settlement, người broker phải bảo đảm là bạn rất vui vẻ về quá trình vay tiền mua nhà. 

Nên tìm hiểu trên mạng Internet về những quyền lợi hoặc thông tin về những công ty tài chính mà mình có thể nhờ giúp đỡ, các chi phí mà họ sẽ tính và yêu cầu để trả .

Tốt nhất là chọn những công ty đã có làm việc với người thân và bạn bè trước đây. Những tiêu chuẩn cần lưu ý như là thời gian hoặc kinh nghiệm của họ, bằng cấp hành nghề, văn phòng hoạt động, có đăng ký giấy phép kinh doanh hay không?

Chuẩn bị những câu  hỏi mà mình cần hỏi với nhân viên môi giới.

Nếu mình không hài lòng với công ty cho vay hỏi nhân viên thêm các công ty khác để so sánh thêm.

SBS: Với những người có lịch sử tín dụng xấu (bad credit history), việc mượn tiền ngân hàng có thể sẽ khó khăn, họ sẽ tìm đến các brokers phải không? Làm sao các brokers mượn được tiền cho họ?

CVTC Quyên Lê:Thật ra nếu đã có lý lịch xấu thì đi đâu cũng được ghi nhận là xấu mà thôi nên việc tìm đến các môi giới để được giúp đỡ thì không phải là cách để các môi giới đó giúp mình.

Nhưng có những trường hợp bad credit, broker vẫn làm được vì họ sẽ có thể kết nối với những tổ chức cho vay chịu chấp nhận bad credit.  Điều này có thể giúp khách hàng nhanh chóng hoàn thành hồ sơ và giảm thiểu sự mạo hiểm. 

Trên thực tế thì việc này cũng xảy ra rất nhiều và nên nhớ là nếu được phát hiện gian lận trong hồ sơ vay mượn thì cả hai người mượn và người giúp cũng sẽ gặp phiền phức trong tương lai.
Nhân viên môi giới có thẩm quyền vào các hệ thống để liên hệ với trên 10 ngân  hàng  và đến 50 công ty cho vay khác để giúp đỡ người vay tiền.
Nhân viên môi giới có thẩm quyền vào các hệ thống để liên hệ với trên 10 ngân hàng và đến 50 công ty cho vay khác để giúp đỡ người vay tiền. Source: Getty Images

B/ Bảo hiểm ngôi nhà và đồ đạc (Home & contents insurance)

Bảo hiểm ngôi nhà và đồ đạc là gì?

Bảo hiểm nhà (đôi khi còn được gọi là bảo hiểm xây dựng) bao gồm chi phí xây dựng lại hoặc sửa chữa ngôi nhà bạn sở hữu. Bảo hiểm đồ đạc bao gồm chi phí cho các tổn thất hoặc hư hỏng tài sản của bạn, bao gồm đồ đạc, quần áo, máy vi tính, tủ lạnh, thiết bị điện, dụng cụ gia đình và đồ trang sức.

Các đền bù này thường đi với nhau như một gói "bảo hiểm nhà và đồ đạc”, nhưng thực ra chúng bao gồm các chính sách riêng biệt, vì vậy bạn cần phải tìm ra loại bảo hiểm phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

Cách chọn bảo hiểm cho ngôi nhà

Nên lựa chọn ít nhất 3 công ty bảo hiểm để so sánh chi phí.

Có hai loại bảo hiểm nhà ở. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu sự khác biệt giữa chúng để có thể quyết định loại nào phù hợp nhất với mình:

-Bảo hiểm trọn gói (Total replacement cover): bao gồm tất cả các chi phí xây dựng lại ngôi nhà của bạn theo tiêu chuẩn trước khi xảy ra tai nạn. Vì vậy bạn không cần phải lo lắng về sự thiếu hụt giữa chi phí sửa chữa hoặc xây dựng lại căn nhà và số tiền công ty bảo hiểm đền bù. Loại bảo hiểm này sẽ làm giảm rủi ro trong các trường hợp nghiêm trọng, nhưng chỉ có một vài công ty bảo hiểm cung cấp.

-Bảo hiểm bao trả toàn bộ (Sum-insured cover): là loại bảo hiểm phổ biến hơn và sẽ đền bù một số tiền nhất định để sửa chữa hoặc xây dựng lại nhà của bạn. Một số công ty cung cấp lên đến 30% trên số tiền bảo hiểm trong trường hợp tổn thất toàn bộ.

Tất cả các hợp đồng bảo hiểm đều có trường hợp ngoại lệ, giới hạn và các điều kiện khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải đặt câu hỏi và đọc bản hướng dẫn bảo hiểm (PDS) khi so sánh các công ty bảo hiểm với nhau.

Nhà của bạn có ở trong khu vực nguy hiểm không?

Một số ngôi nhà nằm trong những khu vực có nguy cơ, chẳng hạn như cháy rừng, lũ lụt hoặc lốc xoáy. Nếu bạn sống trong một khu vực thường có thiên tai, bảo hiểm nhà của bạn cần bao gồm các khoản bồi hoàn khi gặp các tai nạn này và bạn có bảo hiểm trọn gói để xây dựng lại ngôi nhà hoặc được đền bù trong trường hợp xấu.

Hầu hết các bảo hiểm bao gồm bồi thường khi hỏa hoạn, nhưng không phải bảo hiểm nào cũng bồi hoàn cho trường hợp lũ lụt và bão tố.

Đối với rủi ro cháy rừng, bạn cần hiểu mức độ cháy rừng tại khu vực của mình. Nếu ngôi nhà của bạn bị phá hủy, bạn có thể cần phải xây dựng lại nó theo các điều luật xây dựng mới hiện hành, việc này có thể làm tăng chi phí xây dựng.

Lựa chọn chính sách bảo hiểm đồ đạc (Content insurance) tốt nhất

Hãy giữ toàn bộ biên nhận hàng gia dụng trong nhà để chứng minh quyền sở hữu.

Chủ nhà thường kết hợp bảo hiểm đồ đạc với bảo hiểm nhà vào chung một hợp đồng. Nhưng những chính sách này không chỉ dành cho những người đang sống trong căn nhà của mình.

Nếu bạn đang thuê nhà, phải mua bảo hiểm đồ đạc của bạn bởi vì nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, bảo hiểm của chủ nhà sẽ chỉ chi trả cho căn nhà mà chủ nhà sở hữu thôi- những vật dụng, đồ đạc của bạn sẽ không được bao gồm.

Các loại bảo hiểm đồ đạc trong nhà

Loại bảo hiểm bạn lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến khoản phí bảo hiểm mà bạn phải trả. Một số bảo hiểm đền bù cho các sự kiện cụ thể (ví dụ: trộm và hỏa hoạn) trong khi một số bảo hiểm khác cho phép toàn bộ các loại tai nạn.

Có hai loại bảo hiểm đồ đạc:

Bảo hiểm đền bù giá trị đồ dùng của bạn.

Bảo hiểm thay thế đồ đạc của bạn với các mặt hàng mới. Loại này có xu hướng đắt hơn. Hãy chọn loại 1 nếu cân nhắc chi phí.

Bạn có thể tiết kiệm tiền bảo hiểm đồ đạc bằng cách chọn mức phí đòi bảo hiểm (excess) cao hơn. Ví dụ nếu bạn có thể thanh toán 1.000 đô la đầu tiên cho tổn thất, phí bảo hiểm sẽ rẻ hơn.
Bảo hiểm đồ đạc bao gồm chi phí cho các tổn thất hoặc hư hỏng tài sản của bạn, bao gồm đồ đạc, quần áo, máy vi tính, tủ lạnh, thiết bị điện, dụng cụ gia đình và đồ trang sức.
Bảo hiểm đồ đạc bao gồm chi phí cho các tổn thất hoặc hư hỏng tài sản của bạn, bao gồm đồ đạc, quần áo, máy vi tính, tủ lạnh, thiết bị điện, dụng cụ gia đình. Source: Getty Images
Bảo hiểm đồ đạc trong nhà cho người có thu nhập thấp

Good Shepherd Microfinance đã làm việc với các công ty bảo hiểm để tạo ra các chính sách bảo hiểm hợp lý và giá cả phải chăng. Bạn có thể lựa chọn bảo hiểm có giá trị từ $ 10.000 đến $ 20.000, hoặc một mục duy nhất (như tủ lạnh hoặc tivi). Các chính sách này có các lựa chọn thanh toán linh hoạt và một số phí bảo hiểm thậm chí có thể được khấu trừ từ các khoản trợ cấp của Centrelink.

Cách thực hiện khiếu nại đòi đền bù

Nếu bạn cần khiếu nại, hãy liên lạc ngay với công ty bảo hiểm. Bạn có thể khiếu nại bằng điện thoại, nhưng một số hãng bảo hiểm yêu cầu bạn nộp một mẫu đơn xin bồi thường.

Khi bạn khiếu nại với hãng bảo hiểm của bạn:

Hãy trung thực. Đừng bị cám dỗ để thêm các vật không bị hư hỏng, mất cắp vào danh sách hàng hoá bị mất hoặc hư hỏng của bạn. Nếu bạn bị phát hiện, có thể phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Cung cấp càng nhiều chi tiết càng tốt về tai nạn.

Cung cấp tất cả các tài liệu hỗ trợ yêu cầu bồi thường của bạn và giữ lại bằng chứng.

Mời quý vị nghe thêm tư vấn chi tiết của chuyên gia trong phần audio. Mọi câu hỏi và ý kiến đóng góp, xin mời quý vị gửi về email . Chương trình "An cư lạc nghiệp" phát thanh hàng tuần vào mỗi tối Chủ nhật lúc 7.30pm trên SBS Radio.

Share