Ba phụ nữ vượt biên bị Úc trả về: “Thà chết còn hơn đi tù ở Việt Nam”

Tran Thi Thanh Loan and children

Tran Thi Thanh Loan and children outside the People’s Court of La Gi, in Binh Thuan province, Vietnam, July 2016. Source: Supplied

Ba người phụ nữ Việt Nam một lần nữa vượt biên sau khi bị chính phủ Úc trả về năm 2015, trong nỗ lực trốn chạy hoàn cảnh tù đày và sự "trừng phạt nghiêm khắc" của chính quyền Việt Nam vì tội 'vượt biên trái phép'.


Hiện nhóm người đang được cho tị nạn tạm thời tại Indonesia.

Có tổng cộng 18 người trên chiếc thuyền đánh cá gồm 6 người lớn và 12 trẻ em đã rời khỏi Việt Nam vào tối Mùng Ba Tết. Sau hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, thuyền của họ bị chết máy dạt vào một đảo nhỏ ở Indonesia và va vào đá ngầm.

Ngư dân Indonesia đã kéo thuyền vào và thông báo cho chính quyền địa phương.

Hiện nhóm người đang được cho tị nạn tạm thời tại đất nước này.

Số phận của họ tùy thuộc vào tấm lòng nhân ái của chính phủ Indonesia.

Tù đày ám ảnh – vượt biên lần nữa

Một trong những phụ nữ trên thuyền là chị Trần Thị Thanh Loan nói qua điện thoại với SBS rằng ngư dân Indo đã kéo thuyền của họ vào bờ, và thông báo cho chính quyền địa phương vào hôm chiều tối thứ Sáu ngày 11/2.

Hòn đảo mà họ được kéo thuyền vào là một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Java, và ngay tối hôm đó sau khi được thông báo thì cảnh sát địa phương trên đảo đã đưa cả nhóm về một hòn đảo lớn hơn, mà nhóm người vượt biên này không biết tên.

Tính ra cho đến lúc được ngư dân Indo phát hiện và cứu, thì nhóm người gồm 6 người lớn và 12 trẻ em, lớn nhất 17, nhỏ nhất 3 tuổi đã đi hết 12 ngày trên biển, xuất phát từ hôm tối mùng Ba Tết Đinh Dậu tại La Gi, Bình Thuận trong điều kiện thuyền của họ không được trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để đi xa và dài ngày.

Ba người phụ nữ trên thuyền đều bị kết án vì bởi Tòa Án Nhân Dân Thị Xã La Gi vì tội “tổ chức đưa người vượt biên trái phép” sau khi bị chính phủ Úc trả về vào năm 2015.
Mặc dù đã có thảo thuận giữa hai chính phủ Úc và Việt Nam khi giao nộp thuyền nhân vượt biên, rằng sẽ không bỏ tù bất cứ ai trong số những người được trả về, và sẽ tạo điều kiện cho họ hòa nhập lại xã hội cũng như cho con cái họ đi học bình thường. Thế nhưng chính quyền Việt Nam cho kết án Trần Thị Thanh Loan 36 tháng tù giam, chồng chị Loan là Hồ Trung Lợi 24 tháng tù giam, và Trần Thị Lụa bị án 30 tháng tù giam.

“Em mà trở lại vào tù thì chỉ có chết thôi”

Chị Loan và Lụa được tại ngoại một năm nuôi con vì lý do con của họ còn nhỏ và không ai chăm sóc nếu như họ đi tù.

Nói qua điện thoại với SBS, chị Loan cho biết chị phải rời Việt Nam vì nếu ở lại chị sẽ không chịu đựng nỗi cảnh tù đày – mỗi lần vào thăm chồng trong trại giam chị đều nhìn thấy xe cấp cứu chở người ra.

“Chồng em bị huyết áp cao nhưng họ lần lữa không cho uống thuốc. Những lúc bị nhức đầu chóng mặt quá họ cho uống thuốc gì đó mà hôm sau mặt mày sưng phù lên hết.” Chị Loan nói.

“Em mà trở lại vào tù thì chỉ có chết thôi,” chị Loan nói thêm “Chồng em còn chịu không nổi hỏi sao em chịu nổi.”

Về phần chị Lụa cũng qua điện thoại đã cho SBS biết về ba tháng tù đày đã ám ảnh chị như thế nào trước khi chị được cho tại ngoại về nuôi con.
Theo chị Lua thì dù đã cam kết với chính phủ Úc là sẽ không bỏ tù và sẽ tạo điều kiện hòa nhập cuộc sống, thế nhưng ngay sau khi về tới địa phương thì nhóm người của họ đã bị chính chính quyền của mình nuốt lời một cách trắng trợn.

“Khi họ đưa tụi em về nhà đọc lệnh bắt em mới hỏi ‘tại sao các ông bắt tay với chính phủ Úc hứa sẽ không bắt bớ tù đày và cho con học ở trường mà sao không cho tôi như lời đã hứa như vậy’?” Chị Lụa kể.
“Hứa cái gì mà hứa. Phải hứa như vậy thì họ mới đưa mấy ông bà về chứ còn nói cái kiểu mà bắt ở tù thì ai mà đưa.”
Đó lời tường thuật của chị Lụa vời SBS qua điện thoại về câu trả lời của Thiếu tá Bùi Thanh Trúc, người đọc lệnh bắt giam chị Lụa, trong nhóm trả lời chất vấn chị Lụa vào hôm chị bị bắt giam.

Chị Lua nói, khi ra tòa chị cũng nêu lên chất vấn này nhưng cũng như người đứng đầu công an địa phương thì Chánh án Tòa án Nhân dân Thị xã La Gi trong phiên xử cũng đã bác bỏ lời chất vấn của chị Lụa.

Chị Lụa kể ông thẩm phán Bình đã nói với họ thế này ngay tại tòa: “Không có mà hứa gì hết. Không ai hứa gì hết. Mấy bà đi mấy bà phải chịu tội.”

Chị Lụa cũng cho biết ngươi đứng đầu công an địa phương Thiếu tá Bùi Thanh Trúc đã đe nẹt chị không được tiếp xúc với truyền thông ngoại quốc nếu không muốn bị phiền phức.

Gia đình bị tra hỏi và giám sát

Từ lúc tin nhóm người vượt biên lần hai này lan ra trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông nước ngoài thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu Ban Chỉ Huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với Công an tỉnh và UBND thị xã La Gi tiến hành xác minh làm rõ thông tin và xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu, tổ chức đưa người vượt biển trái phép ra nước ngoài.

Trước đó người thân của gia đình những người vượt biên này cho SBS biết rằng không ai trong gia đình biết về ý định bỏ đi của họ.

Tuy nhiên thì chính quyền địa phương có suy nghĩ khác.

Ngay sáng sớm hôm mùng 4 Tết, tức chỉ qua một đêm sau khi nhóm 18 người này lên thuyền, thì an ninh thường phục đã đến nhà tra hỏi và họ tra hỏi suốt những ngày sau đó cùng với hành động giám sát mọi động tĩnh của người nhà, theo thông tin từ người nhà cho hay.

Người nhà cũng cho biết lý do rời đi của ba phụ nữ này không phải là vì kinh tế, vì chị Loan và Lụa được sự giúp đỡ hàng tháng từ bà , một nhà hảo tâm người Úc giúp quyên tiền giúp các con của chị Lụa và Loan.

Lý do để họ đi theo người nhà là vì tương lai của các con, và để tránh bị vào tù.

Về phần mình, chị Lụa cho SBS biết với lý lịch vượt biên và án tù, các con chị sẽ không xin việc được và đi làm được ở đâu cả .
“Muốn đi làm cái gì cũng phải lên xã ký lý lịch. Với lý lịch đi vượt biên ở tù như nhà em thì các con em sẽ không đi làm được ở đâu hết.”
Women flee Vietnam for second time following turn-back from Australia
Tran Thi Thanh Loan and children after losing an appeal on her case, July 2016. Source: Supplied

Án tù NẶNG hơn là chắc chắc nếu phải về lại

Còn theo Luật sư , Luật sư biên hộ miễn phí cho cả ba người phụ nữ vượt biên này tại phiên tòa phúc thẩm thì nếu họ trở về thì chị Loan sẽ bị ít nhất là 7 năm tù và lụa là 6 năm.

Chị Lụa nói chị thà chịu chết còn hơn bị trả trở về thêm lần nữa.

Nhóm ba gia đình vượt biên gồm người lớn và trẻ em là các giáo dân tại làng đánh cá thuộc thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận, một địa phương mà phần đông là những người công giáo di cư từ Vinh vào đây sinh sống từ năm 1954.

Hiện số phận những người Việt vượt biên này liệu còn được cho tạm thời tị nạn tại Indonesia bao lâu đang tùy thuộc vào lòng hảo tâm của chính quyền Indonesia.

Được biết cộng đồng người Việt tại Úc đang quyên góp để giúp chi trả cho chi phí ăn ở của họ tại Indonesia. 


Share