Cả hai phe trong cuộc tranh luận trưng cầu dân ý về Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội đã đi khắp đất nước, đưa ra lời thuyết phục cuối cùng với cử tri.
Trong những ngày cuối cùng, trước khi người Úc đến các phòng bỏ phiếu vào ngày 14 tháng 10, Thủ tướng và lãnh đạo phe đối lập đang nhắm tới Nam Úc.
Thủ tướng đang ở thành phố ven biển Port Lincoln để vận động cho Tiếng nói.
Ông nói mặc dù đây thường là một khu vực bảo thủ, nhưng người dân nơi đây vẫn ủng hộ đề xuất thay đổi hiến pháp.
"Mọi người đều ở đây. Khi tôi ở Whyalla, họ cũng rất ủng hộ. Những người mà tôi nói chuyện và các nhà lãnh đạo Thổ dân trong cộng đồng đã tham dự sự kiện tối qua, rất tán thành việc bỏ phiếu Yes ở cuộc trưng cầu dân ý này.
Tôi hy vọng rằng các thành viên cộng đồng sẽ lắng nghe những tiếng nói đó và chấp nhận lời mời đi cùng họ. Chúng ta có thể đạt được mọi thứ và hoàn toàn không có gì để mất."
Chuyến thăm là một phần của chiến dịch rầm rộ trên toàn quốc ủng hộ việc ghi nhận Tiếng nói của Người Thổ dân trước Quốc hội và chính quyền hành pháp trong hiến pháp.
Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton đang ở Adelaide cùng với Thượng nghị sĩ Nam Úc Kerrynne Liddle.
Ông đang vận động chống lại Tiếng nói và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chiến dịch ‘No’ sẽ chiến thắng vào thứ Bảy.
Ông Dutton nói rằng việc từ chối ủng hộ Tiếng nói cho thấy sự thất bại trong khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Anthony Albanese.
"Thực tế là mọi người đã chuyển 65% sự ủng hộ dành cho Tiếng nói khi nó được công bố lần đầu tiên thành một con số gần 35%, đó là một thành tích đáng chú ý trong suốt 16 tháng qua.
Nhưng thật buồn và bi thảm, việc này đã chia cắt đất nước chúng ta. Nếu nó được đưa vào Hiến pháp, nếu có một cuộc bỏ phiếu thành công vào thứ Bảy, thì điều luật này sẽ là vĩnh viễn.Lãnh tụ phe đối lập Peter Dutton
Nó vẫn ở đó. Nó sẽ gây chia rẽ và sẽ không thể bị lật đổ bởi luật pháp trong quốc hội."
Tại Brisbane, các nhà lãnh đạo cộng đồng Bản địa đã tụ tập để thể hiện sự ủng hộ đối với Tiếng nói trước Quốc hội và kêu gọi người Úc bỏ phiếu Có trong cuộc trưng cầu dân ý.
Nova Peris là cựu thượng nghị sĩ liên bang và vận động viên Olympic.
"Trong ba ngày tới, tôi mong mỏi tất cả người dân Úc hãy thể hiện trái tim mình như họ đã làm trong nhiều thập kỷ qua, nơi người Úc phải đối mặt với hoàn cảnh thảm khốc nhất. Đối với chúng tôi, những người thuộc Quốc gia Đầu tiên, sẽ bị từ chối cơ hội được nhìn thấy trong một tài liệu được viết cách đây hơn 122 năm.
Chúng tôi với tư cách là những người thuộc Quốc gia Đầu tiên chưa bao giờ từ chối bạn, người Úc da trắng, chúng tôi yêu cầu bạn ghi chúng tôi là con đầu lòng trong giấy khai sinh của quốc gia.Cựu nghị sĩ Nova Peris
Nhưng Thượng nghị sĩ Nam Úc Kerrynne Liddle nói rằng người Úc Thổ dân không muốn có một cơ quan cố vấn ở Canberra, họ muốn chính phủ lắng nghe các chính trị gia Thổ dân.
"Người Úc có quyền và có lý khi bối rối về điều này, vì nó thay đổi cuộc sống của người Úc Thổ dân. Đó là một tuyên bố táo bạo. Những gì tôi nghe được từ những người Úc Thổ dân là họ không tin rằng một ủy ban khác ở Canberra với một loạt chỉ trích là câu trả lời.
Vấn đề thực sự là tiền từ chính phủ liên bang đến các tiểu bang. Các tiểu bang cũng có trách nhiệm, cho dù họ có các cơ quan Bản địa hoặc các tổ chức nhận được nguồn tài trợ dành riêng cho Thổ dân. Vấn đề nằm ở đó và đó là nơi chúng ta nên ưu tiên."
Chủ tịch Hội đồng Đất đai Thổ dân ở Tasmania, Michael Mansell, cũng là một nhà vận động ‘No’.
Ông nói với ABC rằng nhiều nhà vận động ‘No’ sẽ vui lòng làm việc với phe Yes sau cuộc trưng cầu dân ý để tiếp tục đấu tranh cho quyền của Thổ dân.
"Sẽ có một khoảng trống. Tôi nghĩ, thay vì Thủ tướng cho phép phe Yes bỏ đi, thất vọng cay đắng với kết quả, cảm thấy trống rỗng và vô vọng vì mọi chuyện chẳng đi đến đâu, Thủ tướng sẽ phải cung cấp cho nhóm đó một số cách để sử dụng năng lượng của họ trong 12 tháng tới. Và phe Yes nói rằng họ có 50.000 tình nguyện viên, sẽ là một thảm kịch nếu Thủ tướng cho phép họ ra đi tay trắng."
Bộ trưởng NDIS Bill Shorten đã nói chuyện với Channel Nine và nói rằng chiến dịch vẫn chưa kết thúc và cuộc bỏ phiếu vào thứ Bảy không thể hiện sự kết thúc của tiến trình này.
"Chúng ta vẫn chưa đến ngày cuối cùng. Tôi vẫn đang nói chuyện với rất nhiều người Úc – những người chưa quyết định. Dù cuộc trưng cầu dân ý thành công hay thất bại, người dân Úc đã bày tỏ quan điểm của họ. Và mọi người phải tôn trọng điều đó. Bất kể phán quyết nào được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý, chúng ta phải đoàn kết lại với tư cách là một dân tộc."
Ủy ban bầu cử Úc tiết lộ 3,3 triệu người đã bỏ phiếu tại các trung tâm bỏ phiếu sớm và 2 triệu người khác đã đăng ký bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Hơn 21.800 người đã bỏ phiếu sớm ở các cộng đồng hẻo lánh, vượt hơn tổng số phiếu bầu từ xa trong cuộc bầu cử liên bang năm ngoái.
Ủy ban cũng bày tỏ quan ngại về 'hành vi không thể chấp nhận được' của một số ít cử tri trước cuộc trưng cầu dân ý.
Uỷ ban bầu cử nhắc nhở cử tri tôn trọng nhân viên tại các trung tâm bỏ phiếu, đồng thời cho rằng căng thẳng đang gia tăng so với cuộc bầu cử liên bang.