Nhạc Việt Xưa & Nay số này xin được gác lại chương trình nhạc tiền chiến để giới thiệu đến quý vị những sáng tác mới nhất về hiện tình đất nước từ các tên tuổi nổi tiếng cũng như những gương mặt mới.
Không như những sáng tác phong trào thường khô cứng và phần nhiều mang mau sắc cổ động thì những sáng tác rất thời sự rất đời thường về biển chết và về nhân quyền mà chương trình sắp giới thiệu với quý vị trong ngày hôm nay thì lại rất xúc động.
Xúc động khi người viết nhớ về quê hương yêu thương, về "miền Trung quê tôi đi qua bao mưa nắng vẫn thắm tình" về những giây phút mà mình có thể "giang tay vui đùa giữa con sóng xanh trong lòng biển hiền hòa với thuyền về đầy cá tôm" như lời trong các bài hát Biển chết của Cáp Anh Tài thì chuyện thời sự chính là chuyện đất chuyện nước chuyện tình chuyện nghĩa chuyện của nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
(Music: Biển chết - Cáp Anh Tài)
Biển chết là bài hát do Cáp Anh Tài sáng tác và trình bày. Cáp Anh Tà là một ca sĩ chuyên nghiệp, rất trẻ, một tên tuổi mới, và bài hát này được trích từ một MV của anh mà như tác giả nói là "được gấp rút thực hiện với mong muốn chia sẻ với đồng bào miền Trung" quê hương anh.
Chương trình Nhạc Việt Xưa & Nay số 15 kỳ này với chủ đề 'Biển nỗi nhớ và anh' tiếp nối những sáng tác về quê hương Việt Nam trong những ngày biển thì rất lặng, lặng đến nhói lòng và lòng người thì lại rất ngổn ngang trước hiện tình đất nước
Các tác giả, những con người mang tâm hồn nghệ sĩ trước nỗi đau của hiện tình nước nhà đã có những sáng tác lay dđộng lòng người như bài thơ Đất nước mình ngộ quá phải không anh của cô giáo Trần Thị Lam trong số 12.
READ MORE
Nhạc Việt Xưa & Nay (12): Biển cạn
Sài Gòn Báo tại Hoa kỳ đã động phong trào phổ nhạc bài thơ của cô giáo Lam và có đến 34 người tham dự, trong đó bài ca cổ do Thanh Nguyên chuyển thể và trình bày đem lại bài thơ một dư vị bất ngờ.
(Music: Đất nước mình ngộ quá phải không anh - Ca cổ Thanh Nguyên)
Và bài ca cổ phổ thơ Đất nước mình ngộ quá phải không anh của Thanh Nguyên đã đoạt giải nhì của cuộc thi phổ nhạc bài thơ của cô giáo Lam do Sài Gòn Báo tại Hoa kỳ tổ chức.
Chương trình sẽ tiếp nối với một sáng tác mới của nhạc sĩ Tuấn Khanh, Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ.
Bài hát được sáng tác khi mà cuộc biểu tình ngày 15/5 bị trấn áp dữ dội hơn bao giờ hết, cuộc biểu tình mà có lẽ lịch sử sẽ ghi lại với bức ảnh nổi tiếng của Bùi Dzũ về Người đàn ông cô đơn Huỳnh Ngọc Chênh tọa kháng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Chưa bao giờ mà lòng người dân VN lại hoang mang như lúc này.
Khi mà nhân phẩm tuyệt đẹp nhất của con người là lòng yêu nước thương dân thương giống nòi bị đáp lại bằng dùi cui bằng tù đày và đánh đập.
Những ngày mà như lời một bloger có tên là Dr.Nikonian viết "Một thời hậu chiến đen tối, cuộc trả thù mà mức độ khốc liệt không hề thua kém chính bản thân cuộc chiến."
Một cuộc khổ nạn của dân tộc như bloger Dr.Nikonian nói "đã vang lên qua chính ca khúc này."
(Music: Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ - sáng tác & Trình bày: Tuấn Khanh)
Một ca khúc chất đầy một tâm trạng "tự sự, chất vấn, và nó chỉ ra sự diệt vong, băng hoại đến mức điên loạn của đất nước tội nghiệp này" (bloger Dr.Nikonian).
Ai đem từng trò hề
Đem đến thành thị
Đem đến thôn quê
Ca ca hát hát ê chề
Ai đem từng trò hề
Che khuất đường về
Gieo rắc u mê
Nơi quê hương đã lắm bộn bề
Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ
Mẹ phải vỗ tay
Mà cười buồn mắt âu lo
Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Người người hỏi nhau
Thì thầm với đắn đo
Ai đem từng trò hề
Thay những mộ phần
Chôn lấp nhân gian
Cho quê hương nhỏ bé hoang tàn
......
......
Khi chúng ta đang nghe chương trình này thì cũng là đã sang đến ngày ngày thứ năm anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong tù.
Và như trong thư kêu gọi của Hội Cựu TNLT cũng như gia đình anh đang mong mỏi cần có thêm nhiều người lên tiếng, đồng hành, ký tên thỉnh nguyện thư kêu gọi giúp đỡ.
Bởi vì như trong thư kêu gọi của Hội Cựu TNLT nói thì khoảng thời gian mà cuộc tuyệt thực càng kéo dài thì sức khỏe của Trần Huỳnh Duy Thức càng bước đến lằn ranh sống chết.
Có một sáng tác không chuyên nhưng nghe xong thì đau nhói lòng từ một người bạn tù của anh Thức tại trại Xuyên Mộc.
Bài hát này được viết cách đây mấy năm nhưng mãi mới đến gần đây khi bài hát đến được tay nhạc sĩ Trúc Hồ thì bài hát mới được phổ biến.
Đây là nhạc phẩm do một tù nhân chính trị viết trong thời gian ở tù cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức tại trại Xuyên Mộc.
Vào tháng 11 năm 2011 giữa lúc anh Thức đang bị tù đày thì nghe tin mẹ mất.
Cảm động trước nỗi đau của anh Thức, thương xót cho sự oan khiên mà anh Thức cũng như các tù nhân lương tâm khác phải chịu, và khâm phục con người đã đặt quyền lợi tổ quốc lên trên tình cảm gia đình, người tù chính trị tài hoa này đã viết tặng người bạn tù của mình và những tù nhân chính trị khác bài hát Con đường Việt Nam, với lời đề tặng là "thương tặng cho tất cả các tù nhân lương tâm và đặc biệt là anh Trần Huỳnh Duy Thức".
(Music: Con đường Việt Nam - tác gỉa: Tù Nhân Lương Tâm, hoà âm: Trúc Hồ, trình bày: Thế Sơn)
Trong bóng tối trại giam nơi cầm tù những người có tội
Nhưng trớ trêu tình đời có những người đi tù vì Quê Hương
Bao người vì yêu nước vẫn dấn thân dẫu ngục tù đọa đày
Dẫu chông gai để còn có ngày mai
Vẫn hiên ngang bước đường dài miệt mài
Đi lao tù, vì đồng bào vì quê hương
Trong bóng tối trại giam
Đêm gục đầu anh ngồi nhớ nhà
Anh nhớ cha mẹ già , nhớ vợ hiền nhớ cả đàn con ngoan
Ôi ngày về xa quá , biết mẫu thân có chờ được ngày về
Đến khi hay tin người đã tàn hơi
Nén đau thương, nén dòng lệ tủi hờn
Anh chưa về, chưa đội được vành khăn tang....
Con đường Việt Nam, tên tác gải đến giờ vẫn chỉ là Tù Nhân Lương Tâm, đã được nhạc sĩ Trúc Hồ hoà âm và trình bày bởi ca sĩ Thế Sơn.
Người làm chương trình mong rằng trong số tới sẽ được đem đến thính giả những bài hát vui và những tin tức tốt lành.