Nhạc Việt Xưa & Nay (12): Biển cạn

sunday291089 wordpress com

sunday291089 wordpress com Source: Creative Commons

Theo dòng thời sự: Những sáng tác gây bão trên mạng về nước Việt qua sự kiện cá chết, với những tác giả lần đầu tiên được biết đến, từ các bài thơ thấm đẫm tình yêu thương và nỗi đau cho quê hương VN của các trí thức đến các bài nhạc hip hop nhạc rap của những em và nhóm rất trẻ. Bất ngờ!


Chương trình Nhạc Việt Xưa & Nay (12) vớí Mai Hoa giới thiệu đến quý vị những sáng tác bất ngờ trong 10 ngày qua từ những tác giả cư dân mạng vì xót xa trước hiện tình đất nước qua thảm trạng cá chết mà tạo nên những sáng tác lay động lòng người Việt Nam.

Không chỉ cá chết mà chim trời ăn cá cũng chết và người dân khu vực bị nạn đang điêu đứng trước nguy cơ bị ngộ độc, bị bênh tật và bị đói.

Biển cạn, cá chết, đồng bằng khô hạn, thực phẩm bẩn tràn lan, và quyền con người đang bị xâm hại bởi những cuộc bắt bớ đánh đập những người đấu tranh ôn hòa cho sự công bằng và an sinh đất nước.

Tất cả đã đốt lửa để cho ra đời những sáng tác bất ngờ về nước Việt từ khắp mọi giới trong đó có những cây bút không chuyên lần đầu được biết đến.

Bài thơ Đất nước mình ngộ quá phải không anh cuả cô giáo Trần Thị Lam trong mấy ngày qua đã trở thành một cơn bão trên mạng.

Không thể thống kê hết bao nhiêu lượt share và like của bài thơ này nhưng có thể nói gần như công dân mạng ngôn ngữ Việt mấy ngày qua không mấy ai là không biết bài thơ này.

Ngay sau khi bài thơ được đăng trên facebook cá nhân của cô giáo Lam và tạo nên hiệu ứng rộng rãi thì công an Hà Tĩnh cũng mời cô Lam lên làm việc và yêu cầu cô gỡ bỏ bài thơ đó.

Tuy nhiên việc này chỉ khiến bài thơ càng nổi tiếng và có sức lan tỏa nhanh hơn với vô số người họa lại bài thơ này.

Nói như nhà văn Trần Kỳ Trung "Một bài thơ ngằn ngặt nỗi buồn".

Bài thơ Đất nước mình ngộ quá phải không anh của cô giáo Trần Thị Lam qua giọng đọc diễn của chị Lệ Mai

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…
                                                                        
Câu hỏi Đất nước mình rồi sẽ về đâu cũng là câu hỏi mà mà nhiều ngừoi Việt Nam đang tự hỏi.

Biển cạn hay biển chết đã không còn là lời của một bài tình ca đôi lứa nữa mà là một sự thật.

Một sự thật quá đỗi đau thương cho ngư dân miền Trung Việt Nam lúc này và có lẽ sẽ là một vết nhơ trong lịch sử Việt Nam cho mai sau.

Nếu trước đây có ai đó có nói rằng biển có thể bị giết chết thì có lẽ sẽ chỉ được xem như một câu nói ngớ ngẩn.

Ấy vậy mà biển bây giờ đã chết như câu nói của người ngư dân Vũng Áng "Biển chết rồi con ơi"!

Ai đã giết chết biển của những con người cả bao đời nay chỉ bám mình với biển?

Ai đã đầu độc và hủy hoại môi trường sống của triệu triệu dân Việt Nam?

Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngõ.

Trong đau thương với sự tình đất nước, những tâm hồn Việt đã khóc và tiếng khóc của họ có sức lan tỏa mạnh và lay động những con tim Việt khác.

Bài thơ Thương biển lắm cha ơi của một facebooker Hoa Trần qua giọng đọc của Lệ Mai

Thương biển lắm cha ơi
Đứng dậy đi cha!
Cha ngồi đó đã nhiều ngày.
Mắt ráo hoảnh nhìn ra phía biển
Chiếc điếu cày mấy ngày cha không động đến
Con thấy đau nhói tận tim mình
Tấm lưới trên tay cha đặt xuống, nâng lên
Con biết cha đứt từng khúc ruột.
"Biển chết rồi con ơi"!
Cha khóc.
Lần đầu tiên nước mắt người đàn ông đi biển như cha vỡ ra như tia máu chảy quanh hốc má gầy gò.

Dân Miền Trung quê tôi
Mấy tuần nay không còn tiếng reo hò
Câu chuyện ra khơi không còn trong bữa ăn làng biển
Mẹ bỏ chợ, thuyền úp mình trên bến
Người ngư dân rồi sẽ ra sao
Làng biển quê tôi vốn dĩ đã quá nghèo
Cuộc sống mưu sinh từ con tôm con cá
Thuyền lưới ra khơi một đời cha chằm vá
Nuôi con nuôi cháu trưởng thành.
Có biển nơi mô như biển quê mình
Cá dưới lòng sâu cá trên mặt nước
Bao nhiêu cá chết vì nhiễm độc
Biển gào lên thủy táng những linh hồn
Làng biển quê tôi chìm ngập nỗi buồn
Cá chết hồn oan mắt chưa kịp nhắm.

Đứng dậy đi cha
Con thương cha nhiều lắm
Con biết người thương nhớ biển cha ơi!
Bao ngày qua biển lặng đẹp trời
Nhưng lòng biển lại vô cùng trống trải
Những con thuyền không người chèo lái
Trong miếng ăn cũng vấy bóng quân thù.

Cha ơi!
Ai đã giết ước mơ
Ai đã gieo mầm tai ương khủng khiếp
Biển vẫn còn đây
Nhưng biển là biển chết
Thương quê nghèo
Thương biển lắm cha ơi!

Một nhóm các em trẻ rất trẻ không phải ở Sài gòn mà cũng không hẳn ở Hà Nội đã tung ra một cái clip về thảm cảnh mộ trường.
Các em tự sáng tác tự dàn dựng tự quay clip.

Ai nói giới trẻ vô cảm với hiện tình xã hội nghe và xem clip này mới thấy thương những người trẻ.

Các em đã không được sống trong một môi trường an lành cả về mặt an sinh lẫn môi trường.

Thế hệ cha anh đã có thể phải trãi qua cuộc chiến, đã có thể phải bị nhũn nhiễu tù đầy nhưng thế hệ chúng ta những người đi trước ít ra còn có một mội trường thiên nhiên Việt Nam an lành để sống.

Thế hệ các em ngay chính điều này cũng đã bị lấy mất.

Ôi từng ngày
Ao ước từng ngày
Ngày đó không còn xa
Không còn xa...
(Chuyện thật bất ngờ, viết lời và trình bày: Sơn Túi Đỏ ngày 1/05/2016)

Ước ao một ngày không xa của nhóm bạn trẻ Sơn Túi Đỏ cũng là câu hỏi bỏ ngỏ không lời đáp của một tác giả khác.
Theo nhiều cư dân trên mạn thì bài hát Hãy gấp trang báo là của nhạc sĩ Tuấn Khanh do anh sáng tác và trình bày, tuy nhiên tác giả thì chưa bao giờ chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Bài hát này được loan truyền ra trên khắp các trang mạng từ ngày 29/4 và tạo nên một sự cộng hưởng mạnh.

Có người nghe xong nói rằng nghe như có máu rỉ ra trong từng lời ca của bài hát và của người đã hát bài này.

Hãy gấp trang báo
Hãy tắt Tivi
Để thấy quanh ta chỉ là những trò hề
Mở mắt đi nhé
Hãy lắng tai nghe
Quê hương Việt Nam nghe sao bỗng muộn màng
Việt Nam nhìn nhau
Việt Nam nhìn mai sau

 


Share