Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã trao cho Tổng thống nước này Donald Trump một trong những chiến thắng có thể nói là lớn nhất, từ khi ông đảm nhiệm chức tổng thống, đó là vẫn duy trì lệnh cấm nhập cư của ông nhắm vào một số nước mà người Hồi giáo chiếm đa số.
Tòa án Tối cao đã bác bỏ lập luận rằng, luật này thể hiện sự phân biệt đối xử tôn giáo và đi ngược lại với Hiến pháp Hoa Kỳ. Phán quyết 5-4 của Tòa án đã ủng hộ lệnh cấm với hầu hết những người từ Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen vào Hoa Kỳ.
Trước đó, tòa án cấp dưới tại tiểu bang Hawaii và một số bang khác đã phán quyết chống lại lệnh cấm của ông Trump cũng như hai phiên bản trước đó của lệnh này, với kết luận rằng, những phát biểu của vị Tổng thống Đảng Cộng hòa cho thấy thiên kiến chống lại người Hồi giáo là nền tảng của chính sách đó.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho rằng, lệnh cấm không vi phạm Luật Di trú Hoa Kỳ hoặc Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, vốn để bảo đảm rằng, chính phủ không ủng hộ tôn giáo này kỳ thị với tôn giáo khác.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu rằng, phán quyết này là một chiến thắng cho đất nước:
“Đây là một thành công lớn, một chiến thắng lớn với người dân Mỹ và với Hiến pháp của chúng ta. Quả là một chiến thắng lớn cho Hiến pháp của chúng ta. Chúng ta phải cứng rắn, chúng ta phải an toàn và chúng ta phải được an toàn, mà mức độ tối thiểu chính là chúng ta phải bảo đảm rằng, khi mời mọi người đến với đất nước chúng ta, chúng ta biết ai sẽ đến và biết họ đến từ đâu”.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng nói rằng, lệnh cấm là cần thiết để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi nạn tội phạm. Ông nói:
“Phán quyết cho thấy, tất cả các cuộc tấn công từ giới truyền thông và từ các chính trị gia đảng Dân chủ đều sai. Hóa ra họ rất sai lầm. Và những gì đảng Cộng hòa của chúng tôi hướng đến, tôi có thể khẳng định cùng quý vị, là một đường biên giới vững chắc, không có tội phạm. Còn những gì đảng Dân chủ quan tâm là mở cửa biên giới sẽ mang đến nhiều tội phạm”.
Những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, cầm biểu ngữ và hô lớn: 'Không có lệnh cấm, Không có tường ngăn', sau khi Tòa án này đưa ra phán quyết.
Dân biểu đại diện cho bang Michigan, bà Debbie Dingell nằm trong số những người biểu tình lên án phán quyết nói trên. Bà nói: “Tôi chưa bao giờ hình dung nổi rồi đây mình sẽ đứng trên các bậc thang của Tòa án Tối cao và nghe thấy rằng, một trụ cột cơ bản nhất của Hiến pháp của chúng ta - quyền tự do tôn giáo – bị thách thức. Phán quyết này hoàn toàn sai”.
Bà Darakshan Raja, đến từ tổ chức “Công bằng cho những người Hồi giáo”, nói trước cuộc biểu tình rằng, chính sách này là phân biệt chủng tộc:
“Không tòa án nào có thể đưa ra phán quyết về tính nhân văn của cộng đồng chúng ta. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản kháng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, cuối cùng là cho người Mỹ, cho bạn bè, cho những người thân của chúng ta. Nhưng các bạn nữa, các bạn cũng rất quan trọng để hỗ trợ chúng tôi lật đổ tính hợp pháp của quyết định này. Chúng ta đều biết rằng họ là những người phi nhân tính. Chúng ta đều biết rằng họ là những người phân biệt chủng tộc. Chúng ta đều biết họ phân biệt đối xử. Nên chúng ta không thể để cho những quyết định như thế này được duy trì. Bởi vậy, hãy đoàn kết với chúng tôi trong thời điểm quan trọng này”.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phép lệnh cấm nhập cư sẽ có hiệu lực từ tháng 12.
Giám đốc pháp lý của tổ chức Ủng hộ những người Hồi giáo, Johnathan Smith, cho biết các nhóm tranh đấu sẽ thách thức phán quyết này:
“Quyết định hôm nay không phải cuối cùng, cả với lệnh cấm người Hồi giáo, lẫn hồ sơ dài hạn về các chính sách chống lại người Hồi giáo và chống người nhập cư của chính quyền này. Chúng tôi sẽ tiếp tục, với tất cả khả năng của mình, chống lại những chính sách phân biệt đối xử này, để đảm bảo rằng, đất nước chúng ta vẫn tiếp tục đi theo lý tưởng và niềm tin của chúng ta”.