Google cắt đứt giao thương với Huawei

Huawei

Source: AAP

Huawei cảm thấy mình như một quả bóng đang bị đá qua đá lại ở giữa hai người khổng lồ Mỹ và Trung. Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc đã đẩy Huawei vào một tình huống thảm khốc, khách hàng quay lưng và tương lai vô định.


Sau sự leo thang căng thẳng vào tuần trước, Hoa Kỳ đã bổ sung tên của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và 70 chi nhánh của hãng này vào danh sách chính thức cấm kinh doanh công nghệ với Mỹ.

Việc này khiến Google đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh với Huawei, liên quan đến những gì Google gọi là chuyển giao "không công khai" các dịch vụ phần cứng, phần mềm và kỹ thuật.

Alex Kidman là biên tập viên công nghệ viễn thông tại Finder.com.au, giải thích động thái của Google.

"Google bị chính phủ Hoa Kỳ ép buộc, cùng với bất kỳ công ty nào khác của Hoa Kỳ, trong việc hợp tác với Huawei. Google là nhà cung cấp hệ điều hành Android và các dịch vụ chạy trên hệ thống này, bao gồm cả Google Maps, Youtube, Gmail và Google play, nơi mọi người tải ứng dụng."

Do đó Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm, cho phép công ty mua hàng hóa do Mỹ sản xuất có 90 ngày để duy trì các mạng hiện có và cung cấp phần mềm cập nhật cho các thiết bị.

Ông Kidman nói rằng điều này đã được thực hiện với những lo ngại về việc khách hàng hiện tại sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn.

Nhưng ông nói vẫn còn một mối lo ngại cho những gì xảy ra ngoài khoảng thời gian 90 ngày đó, với những chiếc điện thoại chưa được vận chuyển đến tay người dùng.

"Chúng ta sẽ bước vào giai đoạn mà Google dự kiến sẽ phát hành phiên bản cập nhật tiếp theo của hệ điều hành Android, Android Q và điều đó chắc chắn sẽ bị chặn trực tiếp trên điện thoại Huawei mới."

Đây được coi là một đòn phủ đầu cho gã khổng lồ di động, một trong ba nhà cung cấp viễn thông hàng đầu thế giới.

Huawei báo cáo rằng họ vận hành khoảng 1.500 mạng lưới tại hơn 170 quốc gia và khu vực, phục vụ hơn một phần ba dân số thế giới.

Thế nhưng cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến công ty này trở thành trung tâm của sự chú ý vì nhiều lý do.

Kelsey Munro, một thành viên của toán nghiên cứu tại Viện Lowy, nói rằng Hoa Kỳ đã nhiều lần cáo buộc chính phủ Trung Quốc sử dụng công ty để do thám người Mỹ.

"Huawei phủ nhận rằng đó là rủi ro bảo mật. Đây không phải là một công ty nhà nước ở Trung Quốc và họ phủ nhận rằng họ sẽ hỗ trợ chính phủ Trung Quốc trong các hoạt động gián điệp. Thế nhưng các nhà phê bình nói rằng điều đó không quan trọng bởi vì luật pháp Trung Quốc yêu cầu các công ty phải hỗ trợ chính phủ trong các hoạt động gián điệp và tình báo"

Phó chủ tịch điều hành của Huawei tại Anh quốc, Jeremy Thompson, nói rằng công ty đang bị đối xử bất công.

"Chúng tôi cảm thấy mình như một quả bóng đang bị đá qua đá lại ở giữa hai người khổng lồ. Đây là vấn đề chiến tranh thương mại. Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ở ngay giữa một cuộc chiến thương mại. Thời điểm của lệnh hành pháp, được đưa ra vào tuần trước rõ ràng nhằm mục đích tối đa hóa thiệt hại cho Huawei trong các cuộc đàm phán thương mại."

Cô Munro tin rằng những lo ngại cần được giải quyết.

"Thật khó để nói có bao nhiêu động cơ chính trị, mục đích cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc đang thúc đẩy điều này, chắc chắn là các cơ quan an ninh ở Mỹ và ở Úc tin rằng Huawei đặt ra một rủi ro an ninh."

Huawei sẽ không mất tất cả quyền truy cập vào Android, vì hệ điều hành cốt lõi là một nguồn mở, có nghĩa là bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể sửa đổi và cài đặt nó trên thiết bị của họ mà không cần phải xin phép.

Tuy nhiên trên thực tế, công ty sẽ mất hỗ trợ từ Google, khiến việc cung cấp các bản cập nhật bảo mật trở nên khó khãn hơn.

Alex Kidman tại Finder cho biết việc mất hỗ trợ từ Google khiến Huawei lâm vào tình trạng yếu thế.

Trong một tuyên bố, Huawei cho biết các hành động của Hoa Kỳ liên quan đến Google sẽ không ảnh hưởng đến khách hàng, đồng thời bổ sung rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp các cập nhật về tính bảo mật. Thế nhưng nhiều người tiêu dùng đã quay lưng.



Share