Liên Hợp Quốc nói rằng Anh, Hoa Kỳ, Pháp và Iran có thể đồng lõa trong các tội ác chiến tranh ở Yemen bằng cách tăng cường hỗ trợ cho liên minh do Saudi dẫn đầu.
Các cường quốc phương Tây cung cấp vũ khí và hỗ trợ hậu cần cho liên minh do Saudi dẫn đầu thuộc phe ủng hộ chính phủ Yemen.
Trong khi đó, Iran ủng hộ phe phiến quân đối lập Houthi.
Ông Kamel Jendoubi, Chủ tịch Nhóm các chuyên gia về tình hình chiến sự tại Yemen, cho biết cả hai bên tiếp tục vi phạm nghiêm trọng tội ác chiến tranh mà không chịu trách nhiệm.
"Các bên tham gia cuộc xung đột ở Yemen, tất cả các bên, đều phải chịu trách nhiệm cho nhiều hành vi vi phạm nhân quyền, luật pháp quốc tế và luật nhân đạo. Một số trong những vi phạm này có thể cấu thành tội ác chiến tranh.”
Nhóm này nói rằng tội ác chiến tranh đã được thực hiện thông qua các cuộc không kích, bắn tỉa, thả bom mìn; cũng như tra tấn, bạo lực tình dục, và cản trở việc tiếp cận viện trợ nhân đạo.
Cuộc xung đột kéo dài 4 năm ở Yemen đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 7.000 dân thường và khiến 24 triệu người cần được hỗ trợ hoặc bảo vệ nhân đạo.
Chuyên gia Charles Garraway nói rằng các quốc gia hiện đang xuất cảng và cung cấp vũ khí cho cuộc xung đột cần phải chịu trách nhiệm.
“Có một số quốc gia nổi tiếng đang cung cấp vũ khí; bao gồm Hoa Kỳ, vương quốc Anh và Pháp. Mặt khác, có thông tin rằng Iran có thể đang cung cấp vũ khí cho người Houthis.”
Tên lửa, không kích, bắn tỉa, tấn công dân thường và đe dọa cuộc sống hàng ngày của họ, giao tranh thường xảy ra mà không có cảnh báo và diễn ra ở những nơi không có xung đột . Việc này tạo cho chúng ta cảm giác rằng không có nơi nào ở Yemen là an toàn, hoặc nơi mọi người có thể trú ẩn.
Ông Jendoubi nói rằng không có nơi nào an toàn cho dân thường ở trong nước.
Ông cáo buộc các bên tham chiến tạo ra môi trường chiến tranh này như một chiến thuật có chủ ý.
"Tên lửa, không kích, bắn tỉa, tấn công dân thường và đe dọa cuộc sống hàng ngày của họ, giao tranh thường xảy ra mà không có cảnh báo và diễn ra ở những nơi không có xung đột . Việc này tạo cho chúng ta cảm giác rằng không có nơi nào ở Yemen là an toàn, hoặc nơi mọi người có thể trú ẩn”.
Melissa Parke, một thành viên Úc thuộc nhóm chuyên gia quân sự, nói rằng tất cả các nước bên thứ ba phải ngừng xuất khẩu vũ khí ngay lập tức.
"Nhóm các chuyên gia đã khuyến nghị rằng các quốc gia thứ ba nên bị cấm ủy quyền chuyển giao vũ khí và không cung cấp vũ khí cho các bên tham gia cuộc xung đột. Điều này mang lại rủi ro bởi vì các vũ khí đó sẽ được các bên sử dụng để thực hiện hoặc tạo điều kiện cho các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.”
Một chiến thuật chiến tranh khác bị lên án trong báo cáo là tuyển dụng trẻ em và nhắm mục tiêu vào các dịch vụ y tế.
Nhóm các chuyên gia nói rằng việc này đã dẫn đến khoảng 460.000 trường hợp mắc bệnh tả trong nửa đầu năm nay.
Úc trước đây đã bị cảnh cáo vì xuất khẩu hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự sang Ả Rập Saudi.
Báo cáo UN, dự kiến sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền vào cuối tháng 9 này, trong đó không đề cập đến Úc.