Ukraine hiện kêu gọi công dân nước mình ở Nga hãy trở về nước ngay tức khắc, do Moscow bắt đầu di tản tòa đại sứ của họ ở Kyiv.
Quốc hội Ukraine đã chấp thuận việc ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày thứ tư.
Quyết định sẽ có hiệu lực vào ngày thứ năm và sẽ kéo dài 30 ngày.
Tổng Thư Ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine là ông Oleksky Danilov nói rằng, tình trạng khẩn cấp được ban hành trên toàn quốc, trừ hai vùng ly khai là Donestsk và Luhansk.
“Tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sẽ bao gồm, việc tăng cường việc duy trì trật tự công cộng và an ninh cho các hạ tầng cơ sở quan trọng".
"Nó có thể liên quan đến một số giao thông và những vụ kiểm tra thêm nữa với các phương tiện nầy, cũng như có thể bao gồm việc kiểm soát các tài liệu cá nhân nữa”, Oleksky Danilov.
Tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép nhà cầm quyền áp đặt việc hạn chế đi lại, ngăn chận các cuộc biểu tình và cấm các đảng phái chính trị cũng như các tổ chức tụ tập.
Hành động nầy theo sau việc Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm thứ hai quyết định nhìn nhận sự độc lập của 2 khu vực ly khai ở đông bộ Ukraine.
Ông Putin cho phép việc bố trí quân đội Nga tại những vùng nầy với danh nghĩa là bảo vệ hoà bình và được sự chấp thuận của Quốc hội Nga, được phép sử dụng quân đội bên ngoài lãnh thổ Nga.
Trong khi đó Ngoại trưởng Úc Marise Payne nói rằng, việc ông Putin cho rằng lính Nga hành động như những binh sĩ gìn giữ hòa bình tại Ukraine là một ‘ý niệm hết sức sai trái’.
Bà tuyên bố như trên tại thủ đô Prague của Cộng Hoà Tiệp.
Bà cho biết mọi biện hộ cho rằng có một căn bản hợp pháp cho hành động của Nga là hoàn toàn tuyên truyền và sai lạc.
“Hoàn toàn chẳng có biện minh nào cho hành động quân sự vô cớ của Nga".
"Đó là một sự cưỡng bách, bắt nạt cuả một siêu cường đối với một quốc gia láng giềng dân chủ".
'Các quốc gia có trách nhiệm không chấp nhận chuyện nầy và muốn duy trì một thế giới an ninh, ổn định và cởi mở”, Marise Payne.
Trong khi đó người đứng đầu phái bộ ngoại giao của Ukraine tại Úc, ông Volodymyr Shalkivshyi cho SBS News biết rằng, Ukraine cảm ơn hành động cấm vận của Úc đối với Nga.
“Ukraine biết ơn chính phủ Úc về loan báo mới đây đối với các cấm vận mới chống lại Nga".
"Việc nầy thật quan trọng đối với chúng tôi để có sự đoàn kết và quyết tâm trong số các đối tác của chúng tôi”, Volodymyr Shalkivshyi.
Ông lên tiếng về các biện pháp của Thủ Tướng Scott Morrison, chống lại các ngân hàng và tài sản một số cá nhân của Nga tại Úc.
Trong khi đó, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nói rằng cáo buộc của Nga cho rằng Ukraine không phải là một quốc gia, ‘không chỉ đe dọa mọi người dân Ukraine, mà còn đối với các quốc gia thành viên, cũng như chính Liên Hiệp Quốc nữa’.
Bà Linda Thomas Greenfield, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đưa ra lời bình luận, khi tuyên bố trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại Nửu Ước.
“Các nhà lãnh đạo Nga cho rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự, họ nêu lên nghi vấn về quyền tồn tại của nước nầy".
"Hành động của Nga là sự vi phạm vô cớ đối với lập pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền Ukraine và sự toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đi ngược với hiệp ước Minsk".
"Sự xâm lăng của Nga không chỉ đe dọa mọi người dân Ukraine, mà còn đối với các thành viên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc và cả chính Liên Hiệp Quốc nữa”, Linda Thomas Greenfield.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo thế giới đang chờ xem, liệu Tổng thống Putin có tiến quân sâu hơn vào Ukraine hay không.
Hiện Ukraine bị bao vây ba mặt bởi hơn 150 ngàn quân Nga.
Hoa Kỳ và các đồng minh quan trọng của Âu châu cáo buộc Moscow đã vượt qua ranh giới đỏ, khi chính thức hóa việc tiến quân vào miền đông Ukraine, nơi phe ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát.
Trong khi đó Ngoại trưởng Anh Liz Truss cảnh báo rằng, Tây phương sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, nếu Tổng thống Putin đổ thêm dầu vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bà cho biết mặc dù chưa có bằng chứng về một cuộc xâm lược quy mô toàn diện, nhưng cộng đồng quốc tế đã hoàn toàn sẵn sàng để leo thang các lệnh trừng phạt.
“Chúng tôi tập hợp trong phản ứng mạnh mẽ cùng các đồng minh quốc tế của chúng ta với nhóm cường quốc G7, nhắm vào những tay đầu sỏ thân cận với ông Putin, tới các ngân hàng, cũng như cấm vận về mặt lãnh thổ đối với các khu vực ly khai và nhắm đến những người trong quốc hội Nga, vốn bỏ phiếu nhìn nhận sự độc lập của các vùng ly khai nói trên”, Liz Truss.
'Thưa ông Chủ tịch, các biện pháp nầy sẽ khiến cho ông Putin bị thương tổn, thế nhưng quan trọng hơn cả là sau đợt cấm vận đầu tiên, chúng ta sẽ sát cánh với các đồng minh và bạn hữu trên khắp thế giới, để cùng nhau thúc ép ông ta”, Boris Johnson.
Trong khi đó Anh quốc sẽ cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí phòng thủ sát thương.
Tuyên bố trước Quốc hội, Thủ tướng Boris Johnson cũng cho biết cơ quan quản lý truyền thông của Anh, đã được yêu cầu xem xét lại giấy phép phát sóng của kênh tin tức Nga R-T, sau khi Moscow công nhận và ra lệnh tiến quân vào các vùng ly khai ở miền đông Ukraine.
“Thưa ông Chủ tịch Quốc hội, tôi có thể loan báo với quốc hội rằng liên quan đến thái độ ngày càng đe dọa của Nga và với sự hỗ trợ trước đây cuả chúng ta, Vương quốc Anh sẽ cung cấp thêm nữa sự hỗ trợ quân sự đến Ukraine ngay tức khắc".
'Việc nầy sẽ bao gồm viện trợ thiết yếu dưới hình thức các vũ khí tự vệ và các viện trợ không sát thương”, Boris Johnson.
Ông cho rằng các biện pháp cấm vận của Anh, phù hợp với các chế tài của các quốc gia thân hữu và đồng minh.
“Chúng ta ngăn chận Nga có thể vay mượn trên thị trường tài chánh quốc tế, các công ty Nga vay tiền và ngăn cản những công ty nầy như tôi đã nói hôm qua, trong các giao dịch bằng đồng bảng Anh và Mỹ kim trên thị trường quốc tế".
'Thưa ông Chủ tịch, các biện pháp nầy sẽ khiến cho ông Putin bị thương tổn, thế nhưng quan trọng hơn cả là sau đợt cấm vận đầu tiên, chúng ta sẽ sát cánh với các đồng minh và bạn hữu trên khắp thế giới, để cùng nhau thúc ép ông ta”, Boris Johnson.
Còn phe ly khai ở Ukraine yêu cầu Nga hãy giúp đẩy lui bất kỳ hành động xâm lược nào, ý nói là cuả quân đội Ukraine.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại