Bắc Kinh đã giáng một đòn mạnh, trị giá hơn nửa tỷ đô la, bằng cách áp thuế đối với mặt hàng lúa mạch xuất khẩu của Úc. Đó là hậu quả của một tranh cãi về ngoại giao.
Chủ tịch Hiệp hội người trồng ngũ cốc tại Úc, ông Brett Hosking, đã hy vọng điều đó không xảy ra.
“Vâng, đó là một tổn hại lớn cho nông dân chúng tôi. Chúng tôi thực sự tin rằng sẽ có một kết quả tốt, cho đến khi mức thuế 80% này xuất hiện một cách bất ngờ đối với người trồng trọt của Úc.”
Trung Quốc cáo buộc Úc đã trợ cấp cho nông dân và bán lúa mạch với giá thấp hơn bình thường tại thị trường Trung Quốc – điều này thu hút sự quan tâm của Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham.
“Quyết định của Trung Quốc là một vấn đề khiến chúng tôi quan tâm sâu sắc, bởi vì nó dường như không dựa trên sự hiểu biết đúng đắn về các dữ kiện hoặc là bằng chứng.”
Bộ trưởng Nông nghiệp Úc David Littleproud khẳng định:
“Nếu nói rằng tôi thất vọng thì đó là một cách nói nhẹ nhàng. Chúng tôi sẽ phản đối mạnh mẽ đối với cáo buộc cho rằng người nông dân lúa mạch Úc được trợ cấp dưới bất kỳ hình thức nào.”
Ông Tony Mahar, Chủ tịch Liên đoàn Nông gia Úc châu cho biết:
“Chúng tôi thất vọng và bối rối trước quyết định này. Chúng tôi biết rằng đó là quyết định hoàn toàn không có cơ sở. Nông dân Úc nhận được rất ít hoặc là không hề có trợ cấp.”
Úc xuất khẩu hơn bốn triệu rưỡi tấn lúa mạch sang Trung Quốc hàng năm. Quyết định áp thuế đối với mặt hàng lúa mạch được đưa ra một tuần sau khi bốn lò mổ của Úc bất ngờ bị cấm xuất khẩu thịt bò. Các quan chức ở Canberra đang cố gắng thảo luận với Bắc Kinh, nhưng các đối tác của Bộ trưởng Thương mại vẫn không chịu nghe điện thoại.
"Tôi nghĩ rằng thật đáng thất vọng khi cho đến nay, Trung Quốc đã từ chối lên lịch các cuộc thảo luận giữa các bộ trưởng." - Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham nói.
Lãnh đạo phe đối lập Anthony Albanese mô tả động thái của Trung Quốc là không chính đáng:
"Có vẻ như đây là sự đối xử không công bằng của Trung Quốc đối với nông dân trồng lúa mạch của Úc."
Bắc Kinh khẳng định việc áp thuế không liên quan gì đến lời kêu gọi của Úc về một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của coronavirus. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết:
"Chúng tôi hy vọng rằng Úc sẽ tuân theo tuyên bố 'tôn trọng' các đường lối của phía Trung Quốc, ghi nhớ lợi ích của Úc và tạo ra bầu không khí hợp tác thực tế của hai bên bằng cách cải thiện mối quan hệ và tăng cường niềm tin lẫn nhau."
Mặc dù bầu không khí tranh chấp căng thẳng, Chính phủ Úc không đi vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc như Hoa Kỳ đã từng làm.
"Úc không quan tâm đến một cuộc chiến thương mại. Chúng tôi không theo đuổi các chính sách thương mại trên cơ sở ăn miếng trả miếng. Chúng tôi hoạt động theo các quy tắc thương mại của quốc gia và sẽ tiếp tục làm điều đó."
Úc có thể sẽ xem xét khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới, đó là một tiến trình sẽ mất vài tháng, nếu không phải là nhiều năm.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại