Kể từ sau chiến thắng đầy bất ngờ vào ngày 18 tháng 5 năm 2019, ông Scott Morrison đã phải đối mặt với nhiều thử thách cam go mà không phải nhà lãnh đạo nào trong lịch sử chính trị Úc cũng phải trải qua.
Theo lời các nhà nhận định thì sự lãnh đạo của Thủ tướng vừa đem lại những kết quả tốt nhưng cũng có lúc ông đã “làm rối tung mọi chuyện”.
Và dù luôn đứng sau trong các cuộc thăm dò công luận trong suốt 2 năm qua, nhưng ông Morrison vẫn dẫn dắt Liên đảng cho tới nay là kỳ 3 kể từ cuộc bầu cử năm 2019.
Trở lại cuộc bầu cử năm 2019, lãnh tụ Lao động lúc đó là Bill Shorten đã để thua trước Morrison, và ông Morrison sau đó đã được chúc tụng tại buổi tiệc ở tổng hành dinh.
“Tôi đã luôn tin tưởng vào những phép màu.”
Và ông tiếp tục sử dụng những ngôn từ mà trước đó đã trở thành khẩu hiệu của ông trong suốt chiến dịch tranh cử
“Nước Úc thật tươi đẹp … còn người dân Úc thì tốt bụng … đây là quốc gia đáng sống trên thế giới!”
Nhìn lại thời điểm đó, cựu lãnh tụ Tự do John Hewson đã có nhận định với SBS News:
“Ông Morrison chưa sẵn sàng để làm lãnh đạo vào thời điểm đó, có lẽ ông ấy cũng không ngờ mình lại giành chiến thắng. Sau cuộc bầu cử, ông ấy còn nói rằng đã ngạc nhiên biết chừng nào và tin đó là do phép màu đã xảy ra. Tất nhiên ban đầu mọi chuyện khá suôn sẻ thuận lợi, nhưng rồi sau đó ông Morrison liên tiếp phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng như hạn hán, cháy rừng, và đã đưa ra một loạt các quyết định sai lầm.”
Bà Sarah Cameron, một nhà khoa học chính trị tại đại học Sydney, nói rằng khi đó người Úc sẵn sàng cho ông Morrison một cơ hội.
“Vào thời điểm cuộc bầu cử, ông Morrison được đánh giá là một nhân vật được yêu thích, ông ấy được yêu thích nhiều hơn so với tư cách là một thủ tướng kể từ thời ông Kevin Rudd.”
Nhưng ngay lập tức ông Morrison đã phải đối mặt với hai sự kiện thách thức khả năng lãnh đạo của ông.
Trận cháy rừng hồi cuối năm 2019 đầu năm 2020 đã phá hủy 2,700 ngôi nhà và khiến 34 người thiệt mạng.
Ước tính có hơn một triệu súc vật bị chết trong vụ cháy rừng này.
Theo lời bà Sarah Cameron, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng cháy rừng, thủ tướng đã phải vất vả để đưa ra sự giải quyết hợp lý
“Có thể nói ông Morrison đã xử lý chuyện này khá yếu kém. Đặc biệt là chuyến du lịch đi Hawaii ngay giữa tâm điểm khủng hoảng cháy rừng đã khiến người dân bất bình, chuyện đó lập tức đã phản ánh ngay qua đánh giá sự yêu mến của người dân dành cho ông.”
Hình ảnh về ông Morrison đi nghỉ mát khi đất nước đang bị hỏa hoạn tàn phá đã được truyền thông đưa tin càng thổi bùng lên sự giận dữ.
Đối mặt với những chỉ trích gay gắt, ông Morrison nói mặc dù ông “không thể cầm vòi nước chữa lửa cũng như không thể ngồi trong phòng điều khiển”, nhưng điều cần thiết trong lúc này là ông nên quay về và “động viên tinh thần” người dân.
Kể từ đó, tình hình không sáng sủa thêm, ông Morrison đã bị chất vấn trong chuyến viếng thăm thị trấn bị hỏa hoạn tàn phá là Cobargo, mà một đồng sự là dân biểu đảng Tự do nói “ông ấy có thể đáng phải nhận chuyện đó”.
Tiến sỹ Cameron nói những sai lầm này đã được phản ánh rõ rệt khi chỉ số tán thành với chính phủ ông Morrison đã bị sụt giảm nghiêm trọng.
“Thủ tướng và chính phủ không đưa ra được vai trò lãnh đạo trong việc xử lý khủng hoảng, và điều đó phản ánh việc khủng hoảng không được xử lý kịp thời.”
Brent Coker, một chuyên gia tâm lý người tiêu dùng tại Đại học Melbourne, trả lời phỏng vấn SBS News đã cho rằng tính cách nói chuyện trước công chúng của ông Morrison trong khủng hoảng hỏa hoạn là có vấn đề.
Theo ông Coker, thì thay vì thể hiện sự thông cảm, thì ông Morrison đã cho thấy “tín hiệu và chỉ dấu rằng ông không quan tâm”
“Rất nhiều người đã than phiền về “sự giả dối” của ông Morrison. Chẳng hạn, ông ấy có xu hướng giả tạo mỗi khi đứng trước máy quay và hay nói đùa, cười mỉm, và nói giảm nhẹ tình tiết sự việc. Và dù đó là cố ý hay không, thì tôi cũng không cho rằng đó là một chiến thuật tốt để làm tình hình bớt căng thẳng.”
Tiến sỹ Coker nói Thủ tướng cũng có khuynh hướng không rõ ràng giữa vai trò là “là một người Úc” và là một “chính trị gia nghiêm khắc”
“Tôi cho rằng có thể một trong những vấn đề của ông Scott Morrison là ông ấy không thể hiện rõ mình là ai, ông ấy không có một cá tính mạnh, và cũng không có chính kiến rõ ràng. Một trong những yếu tố của một lãnh đạo giỏi, một lãnh đạo điển hình, có thể nói như vậy, là phải thể hiện được một cá tính nào đó. Người ta gọi ông ấy là ScoMo, và ông ấy là một người tiếp thị hay đại khái vậy. Điều đó cho thấy cách ông Morrison muốn dẫn dắt người khác cư xử theo cách ông ấy muốn.”
Kể từ khi coronavirus xuất hiện tại thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc vào năm 2019, đại dịch này đã làm ảnh hưởng đến ít nhất 4 triệu người và làm chết hơn 280,000 người.
Vào những tháng đầu năm 2020, mỗi quốc gia đã có những cách xử lý dịch Covid – 19 khác nhau ở các mức độ khẩn cấp khác nhau.
Chuyên gia tâm lý người tiêu dùng, tiến sỹ Coker cho rằng sự khác biệt trong cách xử lý của ông Morrison đối với nạn cháy rừng và đại dịch Covid – 19 là quá rõ ràng.
“Tôi nghĩ ông Scott Morrison thực sự đã học được nhiều kinh nghiệm từ khủng hoảng cháy rừng. Cách ứng phó của ông đối với đại dịch covid - 19 thực sự rất khác. Thấy rõ nhất là nước Úc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố đại dịch. Và liệu ông ấy có thể làm được như vậy không nếu khủng hoảng cháy rừng không xảy ra? Rất có thể nước Úc đã bị chậm trễ hơn các nước khác nếu như ông Morrison không có một thái độ sẵn sàng ứng phó trong chuyện này.
Chính phủ của ông Morrison cũng đã nhanh chóng đóng cửa biên giới và đề xuất nhiều hạn chế nghiêm ngặt, cả hai chuyện này đều góp phần giúp nước Úc tránh khỏi thảm họa Covid.
Một cuộc thăm dò công luận do Viện Lowy thực hiện tuần trước đã cho thấy 93% người Úc cho rằng cho đến nay chính phủ đã có xử lý tốt đối với dịch Covid-19.
Về vấn đề kinh tế, tại thời điểm cuộc bầu cử năm 2019, Liên đảng lúc đó có những kế hoạch và hứa hẹn sáng sủa hơn nhiều so với đảng Lao động.
Lúc đó, ông Morrison lặp đi lặp lại rằng các chuyên gia kinh tế của đảng ông sẽ giúp đem lại thặng dư cho nền kinh tế.
Thế nhưng qua dịch Covid-19, người dân đã chứng kiến chính phủ chi hàng tỷ đô la cho các chương trình cứu trợ và nền kinh tế đã bị thâm hụt 10% trong quý 2.
“Tôi ngờ rằng sắp tới đây các vấn đề kinh tế sau khủng hoảng sẽ là vấn đề quan trọng nhất. Do đó chúng ta sẽ thấy người dân sẽ trừng phạt chính phủ nếu các kết quả kinh tế yếu kém. Những hậu quả kinh tế do cuộc khủng hoảng sẽ khiến Liên đảng bất lợi trừ khi chính phủ cho thấy những cách xử lý tốt để giúp bảo về nền kinh tế Úc trong mối tương quan với các nền kinh tế khác trên thế giới.”
Kế hoạch nhập cư của chính phủ cũng đã thay đổi kể từ khi ông Morrison đắc cử.
Với việc ban hành nhiều lệnh cấm đi lại, số lượng nhập cư trong tài khóa tới dự kiến sẽ giảm hơn 85% so với tài khóa 2018 – 19.
Và ông Morrison đã phải đối mặt với những chỉ trích vì phần lớn các gói cứu trợ trong đại dịch Covid-19 không dành cho những người giữ visa tạm trú và sinh viên quốc tế, và Thủ tướng còn tuyên bố những người này “phải trở về quê hương”.
Nhưng các chuyên gia và các nhà nhận định trả lời phỏng vấn SBS News đều nói rằng thách thức lớn nhất của ông Morrison vẫn còn trước mắt.
Như ông John Hewson nói thì đại dịch chỉ mới bắt đầu:
“Qua việc ứng phó đại dịch Covid – 19, ông Morrison có thể đã được người dân tin yêu trở lại, mặc dù tôi cho rằng hầu hết người dân đều đang chờ xem, giai đoạn khôi phục kinh tế sau khủng hoảng mới là phần quan trọng nhất. Nhưng dường như chính phủ chưa có bất kỳ chi tiết kế hoạch sẽ diễn ra thế nào, đồng thời có nhiều sự hoài nghi rằng những cứu trợ mà chính phủ ban bố cũng sẽ không bền vững.”
Theo Tiến sỹ Hewson, vấn đề thay đổi khí hậu sẽ sớm trở lại chiếm vị trí quan trọng trong chính trị Úc và ông tin rằng ông Morrison giờ đây phải xem đây là mối quan tâm quốc gia với những vấn đề thậm chí còn to tát hơn và quan trọng hơn.
Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.
Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.
Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.
SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại:
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại