Những năm đầu thập niên 1980, ba mẹ Bảo Hoàng rời Việt Nam sang Úc sinh sống. Sinh ra và lớn lên tại Úc nhưng Bảo Hoàng luôn có mối liên kết sâu sắc với văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực.
Sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý Trị liệu tại Đại học Melbourne, Bảo Hoàng làm nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực sức khỏe khoảng 10 năm. Yêu thích ẩm thực Việt, Bảo Hoàng luôn ấp ủ đam mê và mong muốn giới thiệu ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế.
Ngay tại Melbourne, vào năm 2012, Bảo Hoàng đã hợp tác cùng bạn học và người em họ bắt đầu mở cửa hàng thức ăn nhanh Việt Nam tên là Rolld. Chỉ trong vòng 8 năm qua, việc kinh doanh của Rolld phát triển nhanh chóng, và cho đến nay đã có 85 cửa hàng trải khắp nước Úc.
Nhưng ít ai biết rằng công thức nấu ăn truyền thống trong gia đình được truyền từ mẹ và dì là một trong những nhân tố chính giúp cho Bảo Hoàng xây dựng nên cả một đế chế thức ăn nhanh hiện nay.
"Tôi thích nhất là các món nước: phở, bún bò Huế, bún riêu, bánh canh, hủ tiếu. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có các món súp thật phong phú và đa dạng, được bán trên khắp thế giới. Một trong những đam mê lớn nhất khi tôi bắt đầu mở cửa hàng Rolld là muốn mọi người biết và biết nhiều hơn về ẩm thực Việt Nam”, Bảo Hoàng chia sẻ.
Bảo Hoàng cũng vừa được chọn tham gia vào Ủy ban Cố vấn COVID-19 của Thủ tướng Úc Scott Morrison nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với đại dịch đang ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân cũng như kinh tế nước Úc.
“Thủ tướng Scott Morrison đã trực tiếp chọn các ủy viên tham gia vào ban cố vấn để đưa ra một số hướng dẫn cho ông ấy từ góc độ kinh doanh. Vì vậy, cùng với những ủy viên khác, vai trò của tôi là xem xét một số chính sách hoặc thông tin cơ bản sắp được ban hành, góp ý kiến nhằm giúp các doanh nghiệp thông hiểu các thông tin và chính sách đó. Từ đó, có hướng đi phù hợp cho nền kinh tế Úc”, Bảo Hoàng cho hay.
Bảo Hoàng cho biết đại dịch lần này đã tác động mạnh đến rất nhiều doanh nghiệp. Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, qua đợt phong tỏa toàn nước Úc vào tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp của anh đã mất 80% doanh thu, buộc phải cắt giảm khoảng 800 nhân viên của mình vào thời điểm đó.
“Chúng tôi cố gắng duy trì đội ngũ nhân viên của mình vì chúng tôi tuyển dụng nhiều lao động là sinh viên và lao động quốc tế. Chúng tôi cũng nhận thức rằng nhiều nhân viên của mình không đủ điều kiện để nhận sự hỗ trợ từ các chương trình JobKeepper và JobSeeker. Do đó, chúng tôi cố gắng đạt được doanh số nhiều nhất có thể để giữ được các nhân viên tiếp tục làm việc”, Bảo Hoàng nói.
Mời nghe thêm chia sẻ của Bảo Hoàng trong phần Audio.