Lớn lên trong một gia đình tị nạn người Việt ở Úc, Khoa Nam Trần không còn xa lạ với những thách thức.
Ba mẹ anh trốn thoát khỏi cuộc chiến Việt Nam, Khoa được xin ra ở Pháp trước khi gia đình Khoa đến Úc tị nạn khi anh mới 2 tuổi.
Họ bắt đầu một cuộc sống mới gần Banktown, và khoảng 5 năm sau đó, cả gia đình chuyển đến sống ở Cabramatta ở phía tây nam Sydney.
Năm 2012: Tai nạn xe hơi
"Tôi gặp tai nạn xe hơi vào tháng 12 năm 2012. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi bắt đầu quen với chuyện rượu bia. Bạn bè gặp nhau, uống rượu bia, chuyện trò vui chơi - những ký ức thật tuyệt vời. Cuộc sống của tôi cứ xoay tròn như thế đến năm 2012: tiệc tùng, say sưa, thức dậy đi làm.
Tôi dự tiệc đêm mừng sinh nhật vào ngày 8 tháng 12. Đêm đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của tôi. Tôi thức dậy vào ngày 26 tháng 12, ngay đúng ngày Boxing Day, sau 3 tuần hôn mê trong bệnh viện.
Khi tôi mở mắt, tôi thấy mình nằm trong một căn phòng màu trắng, tôi nhìn thấy mẹ và anh trai. Tôi nói với anh trai cởi giày giúp tôi vì nó khiến tôi thấy khó chịu quá. Tôi không hề nhận ra rằng tôi đã mất đi đôi chân của mình.
Khi biết tôi bị tai nạn nghiêm trọng như vậy, trái tim mẹ tôi tan nát. Cho đến khi ba tôi biết chuyện thì ông cũng đau đớn khôn nguôi.
Ba mẹ đã ở bên cạnh tôi từng ngày khi tôi nằm viện, cho đến khi tôi tỉnh dậy sau 3 tuần. Gia đình tôi ngày nào cũng đến bệnh viện, khiến tôi rất cảm kích.
Ban đầu, tôi luôn nghĩ đến suy nghĩ của mọi người khi nhìn thấy tôi, điều đó khiến tôi mặc cảm ghê gớm. Tôi ở nhà suốt, không muốn ra ngoài.
Phải mất một thời gian sau đó, tôi mới bắt đầu đi xe lăn ra ngoài để mua đồ ăn. Lúc đó, tôi muốn đi mua một vài dụng cụ tập gym vì đó là thú vui của tôi. Vì những dụng cụ tôi có ở nhà không đủ và tôi muốn được giao tiếp với mọi người.
Một ngày nọ, có một đứa trẻ đến hỏi tôi tại sao tôi lại bị như vậy và tôi đã kể cho đứa trẻ nghe câu chuyện của mình. Việc đó đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi. Tôi nhận ra rằng tại sao tôi lại phải quan tâm quá nhiều đến chuyện mọi người suy nghĩ gì khi nhìn thấy tôi.
Vì vậy, tôi quyết định cởi mở, chia sẻ chuyện của mình. Mỗi khi có ai đó hỏi, tôi đều kể cho họ nghe chuyện gì đã xảy ra với tôi, và tôi luôn mỉm cười khi kể chuyện cho họ nghe. Để họ không cảm thấy ngại ngùng nếu hỏi quá nhiều."
"Bài học lớn nhất mà tôi học hỏi được là phải học cách chấp nhận mọi hoàn cảnh, và phải chấp nhận một cách nhanh chóng, để thay đổi, để tiến lên phía trước, đừng để những nỗi sợ hãi ngăn cản những hành động và bước tiến của bản thân."
Năm 2020: Dịch bệnh COVID-19
Năm 2017, Khoa mở phòng tập gym vốn là niềm đam mê của anh. Khoa đã cùng một người bạn quyết định khởi nghiệp, tìm địa điểm gần nhà của mình. Anh muốn được giao tiếp kết nối với mọi người, kết bạn và giúp đỡ những người khác cải thiện sức khỏe của mình.
Khoa nói rằng kể từ khi tai nạn xảy ra, mục tiêu chính của anh ấy là muốn giúp đỡ mọi người cảm thấy họ không thể tìm được chỗ nào khác tuyệt vời hơn phòng tập gym của anh. Họ có thể tự nhủ rằng nếu một người không có chân có thể cười đùa suốt, thì họ cũng có thể làm được điều đó.
Nhưng, thử thách một lần nữa lại đến với Khoa vào tháng 3 năm 2020. COVID-19 ập đến.
"Tôi còn nhớ ngày hôm đó, ngày 28 tháng 3. Thủ tướng Úc thông báo rằng toàn bộ nước Úc phải phong tỏa. Lúc đó, tôi đã hy vọng rằng phòng tập gym của mình là dịch vụ cần thiết và không phải đóng cửa. Nhưng cũng như rất nhiều các ngành nghề khác, chúng tôi phải tạm thời đóng cửa phòng tập.
Trong khoảng thời gian đó, tôi không thể biết được rằng phòng tập của mình sẽ đi về đâu. Liệu chúng tôi có phải đóng cửa vĩnh viễn hay không vì có quá nhiều khó khăn vào thời điểm đó. Thật sự là lúc đó tôi đã rất lo sợ. Và tôi cần phải suy nghĩ xem làm sao để giữ vững được tinh thần. Tôi luôn là người có mặt có mặt ở phòng tập để mang đến cho mọi người những buổi huấn luyện vui tươi, nhưng bỗng nhiên tất cả phải ngừng lại.
Tôi bắt đầu chuyển sang dùng mạng xã hội để thu hút các thành viên. Chúng tôi bắt đầu làm những đoạn phim hướng dẫn tập gym cho mọi người. Chuyện đó rất cần thiết để khuyến khích mọi người tiếp tục tập luyện, không bỏ dỡ giữa chừng.
Và giờ đã gần một năm rồi. Mọi người dần quen với những gì đang xảy ra, bởi chuyện này không chỉ xảy ra ở Úc mà trên toàn thế giới. Nếu so sánh với nhiều quốc gia khác, chúng ta rất may mắn đang sống ở Úc. Những nước khác đang phải chứng kiến các ca nhiễm tăng nhanh chóng mặt, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh mỗi ngày. Và nếu như chúng ta nhìn thấy những gì đang xảy ra ở Mỹ, tôi thật sự cảm kích mình là công dân Úc."
Mời nghe thêm chia sẻ của Khoa Nam Trần trong phần Audio.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại