Tàu thăm dò HD8 của Trung Quốc đã quay trở lại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào thứ ba 13/8.
Reuters dẫn dữ liệu theo dõi tàu bè toàn cầu của Marine Traffic cho thấy, HD8 quay lại sau chưa đầy một tuần rời khỏi khu vực mà trước đó đã diễn ra cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài hơn một tháng liên tục giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước.
HD8 tên quốc tế là Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất 8) lần đầu tiên đi vào khu vực bãi Tư Chính dưới sự hộ tống của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc vào ngày 3/7.
Những ghi nhận từ hình ảnh vệ tinh về đường đi của nó trong khu vực cho thấy dường như nó thực hiện một cuộc khảo sát địa chất vùng biển này.
Các chuyên gia nhận định bãi Tư Chính là một điểm nóng tiềm năng của quốc tế khi mà Hoa Kỳ lên tiếng thách thức các yêu sách hàng hải của Trung Quốc.
Bãi Tư Chính (Vanguard bank) là một rạn san hô phía tây của Trường Sa cách Vũng Tàu khoảng 420km thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Luật Biển LHQ (UNCLOS).
Nơi đây đang có một giàn khoan do gã hãng dầu mỏ Rosneft của Nga đang khoan thăm dò.
Vào lúc cao điểm của sự đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại bãi Tư Chính đã có đến 80 tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt tại khu vực này như nhận định của Giáo sư Carl Thayer.
"Các tàu cảnh sát biển Việt Nam đã là mục tiêu các vụ tấn công bằng vòi rồng áp lực cao, và bị những tàu hải cảnh Trung Quốc lao đến tông vào mũi tàu « nhằm cưỡng ép tàu Việt Nam ». Theo tài liệu của bộ Ngoại Giao Việt Nam, số lượng tàu Trung Quốc tham gia gây hấn vào lúc cao nhất lên đến 35 chiếc. Vào ngày 3/8, một nguồn tin riêng từ Việt Nam cho biết tổng số tàu Trung Quốc đủ loại đã vọt lên khoảng 80 chiếc."
Đã có một cuộc biểu tình nhỏ trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Cuối tuần trước, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, HD 8 đã rời khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7 tháng 8.
“Chiều ngày 7-8-2019, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam, được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi.
"Liên quan đến vấn đề này, trong những ngày qua, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp ở các cấp, và dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam, và luôn thể hiện, khẳng định thiện chí sẵn sàng thông qua đối thoại trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại Biển Đông, cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia”.
Báo chí trong nước nói rằng việc tàu HD8 rút đi là nhờ vào sự đấu tranh kiên trì và khéo léo của đảng và chính phủ Việt nam.
Tờ Hà Nội Mới ra ngày 8/8 viết
"Rõ ràng, việc kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh khôn khéo, cương quyết và luôn dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; cả trên lĩnh vực ngoại giao, ở các diễn đàn quốc tế, trên thực địa của nhiều lực lượng, trong đó có sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân cả nước đã trực tiếp buộc Trung Quốc phải rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam. "
Và tờ báo này cũng không tiếc lời lên án những nhà hoạt động xã hội mà tờ báo gọi đích danh là nhân vật chống đối chính quyền có thâm niên như Phạm Thanh Nghiên, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Bùi Thị Minh Hằng... vì họ đòi chính quyền “phải nói rõ tình hình tại khu vực bãi Tư Chính”, “và phải có giải pháp mạnh với Trung Quốc", và tờ báo cũng gọi một số người khác như Nguyễn Văn Đài, Lisa Nguyen, Nguyễn Hữu Vinh, Bùi Thanh Hiếu là "các thế lực thù địch" vì đòi chính phủ Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế .
"Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi sự kiện nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam đã được một số đối tượng lợi dụng để xuyên tạc tình hình hòng gây chia rẽ, bất ổn trong nước... Thực tế, những nỗ lực không khoan nhượng của các cơ quan chức năng nước ta đã buộc các tàu Trung Quốc phải rút đi, kết quả đấu tranh đó cũng là câu trả lời đích đáng vạch trần mặt nạ những kẻ rêu rao luận điệu xuyên tạc gây bất ổn trong nước"
Vào 16g ngày 13/8/2019 theo giờ địa phương, khi tàu thăm dò HD8 của Trung Quốc được ít nhất hai tàu hải giám quay lại vùng biển Bãi Tư chính của Việt Nam thì phía Việt Nam đã không có bât cứ một động tĩnh nào cũng như không trả lời câu hỏi của hãng Reutuers khi họ liên lạc về vấn đề này.
Báo chí trong vẫn giữ im lặng về việc HD8 quay lại Việt Nam ngoại trừ tờ Phụ Nữ thành phố là tờ báo nhà nước đầu tiên đưa tin, chậm hơn mạng xã hội 1 ngày.
Các tờ báo lớn có lương độc giả động đảo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, VNE, VNN....vẫn giữ im lặng.
Thông in trên tờ China National News cho biết sau khi rời khỏi khu vực Bãi Tư Chính, tàu HD8 đã cập cảng nhân tạo ở Bãi Đá Chữ Thập.
Đá Chữ Thập là một rạn san hô ở Biển Đông mà Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đã chiếm và xây dựng đảo nhân tạo ở đây.
Việc tàu HD8 quay lại bãi Tư Chính nói lên điều gì?
Điều này cho thấy rằng việc tàu HD8 rời khỏi bãi Tư Chính chỉ là tạm thời, và xác định việc họ rút đi trước đó không phải từ "thành quả đấu tranh kiên định khôn khéo của đảng và nhà nước Việt Nam" như báo chí trong nước đưa tin hay thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Điều này cũng có nghĩa là nguy cơ đối đầu giữa các tàu Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gia tăng trở lại.
Vì sao nói đối đầu gia tăng?
Việt Nam đã quyết định vào đầu tháng 7 để mở rộng hoạt động của một giàn khoan dầu Rosneft trong vùng biển căng thẳng Bãi Tư Chính cho đến cuối tháng 9 trong nỗ lực đẩy lùi hoạt động thăm dò của Trung Quốc trong khu vực.
Tháng trước, Việt Nam đã cáo buộc tàu khảo sát và đoàn hộ tống của họ tiến hành các hoạt động phi pháp trong khu kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc rút tàu.
Theo Giáo sư Carl Thayer nói với RFI, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã sử dụng bốn kênh khác nhau – ngoại giao, an ninh, quốc phòng và Ban Đối ngoại Trung ương – để đưa ra hơn một chục văn bản phản đối, như công hàm gởi đến đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ở Bắc Kinh và "các cơ quan hữu quan".
Trong số những đòi hỏi của Việt Nam, có việc Trung Quốc "phải lập tức chấm dứt việc xâm phạm, và rút tất cả các tàu thăm dò, tàu hộ vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam".
Và sự xung đột sẽ càng gia tăng khi mà đến lượt các cựu đảng viên lão thành lên tiếng với quốc hội hạn chế đầu tư từ Trung Quốc, và xung đột mới đây trên Biển Đông theo như nhận định của giáo sư Carle Thayler càng dẫn đến sự phân hóa dâng cao trong đảng.
"Tâm lý chống Trung Quốc vốn đã gay gắt trong ĐCSVN, và cuộc đối đầu ở bãi Tư Chính chỉ củng cố thêm. Tuy vậy Việt Nam có lịch sử lâu dài gắn liền với Trung Quốc, và mặc dù có thể kể ra những lần Trung Quốc xâm lược đất nước, người Việt vẫn ý thức được phương diện tích cực của mối quan hệ. Quan trọng nhất là việc coi Trung Quốc như kẻ thù thường trực không có lợi cho Việt Nam."
Tháng Bảy cũng là mùa đánh bắt cá chuồn của ngư dân trên biển.
Ngoài việc cho tàu hải cảnh theo sau hộ tống tàu khảo sát HD8, Trung Quốc còn cho nhiều tàu giả dạng tàu cá rà sóat khu vực biển Đông Việt Nam cản trở việc đánh băt cá của ngư dân.
Tờ Nông Nghiệp Việt nam ngày 13/08/2019 cho biết ngư dân nhìn thấy tàu cá Trung Quốc giả khắp nơi, gần đảo Sơn Ca, Đá Lát…tại quần đảo Trường Sa, ngay giữa ban ngày.
Tờ báo này dẫn lời các ngư dân cho biết khi các tàu cá của ngư dân Việt Nam thả giàn lưới thì các tàu cá vỏ thép của Trung Quốc cày xéo vùng nước ngay trên giàn lưới.
Không chỉ phá nát lưới, các tàu Trung Quốc còn dọa đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt nam khiến họ phải rời khỏi vùng biển đánh bắt quen thuộc.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại