"Đó là câu chuyện Đài Loan. Đó là câu chuyện về một hành trình của hòn đảo không xa Trung Hoa lục địa đã tìm ra cho mình con đường dân chủ hoá và đã nêu tấm gương cho thế giới về bước đi lên tới nền dân chủ.
Trong thời kỳ đầu của sự quá độ về mặt chính trị, người ta bảo có dân chủ nào tồn tại được dưới cái bóng của Trung Quốc? Vậy mà Đài Loan hôm nay là biểu hiện của một xã hội dân chủ rộng rãi và hệ thống chính trị vững mạnh.
Người ta còn bảo hòn đảo tài nguyên hạn hẹp với số dân có 23 triệu người thì làm được trò trống gì trong nền kinh tế toàn cầu. Vậy mà nay chúng tôi đã trở thành đối tác kinh tế đứng thứ 11 trong số các đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ.
Người ta còn nói các giá trị tiến bộ là sao mà bén rễ được ở xã hội Đông Á. Nhưng hôm nay tôi đứng đây là người phụ nữ đầu tiên làm Tổng thống Đài Loan, và chúng tôi là quốc gia đầu tiên ở châu Á thực hiện hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính."
Đó là phần mở đầu bài phát biểu của bà Thái Anh Văn Đại học Columbia vào ngày 12/7 trong chuyến thăm Hoa Kỳ.
Đúng như bà nói Đài Loan và mới đây những diễn biến ở Hong Kong khiến nhiều người Việt Nam có thêm nhiều suy nghĩ.
Tháng Bảy là tháng nóng bức ở Việt Nam và trong tình hình thời sự ở Biển Đông khi Bãi Tư Chính bị Trung Quốc xâm phạm càng làm cho không khí Việt nam thêm hầm hập.
Tuy nhiên khác với lần Trung Quốc đưa giàn khoan hải Dương vào thâm dò ở thểm lục địa Việt Nam vào năm 2011 đã có nhiều cuộc biểu tình nổ ra nhưng lần này Việt Nam im ắng.
Bãi Tư Chính có xa Việt Nam không?
Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông cách đất liền Việt Nam 220 hải lý về phía đông nam, cách Vũng Tàu khoảng 440km và thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại đây Việt Nam cho lắp đặt nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Bãi Tư Chính dài 63 km, rộng 11 km. Phần mặt bằng rạn quan sát được có diện tích 33,88 km². Nơi nông nhất nằm đầu mút phía bắc, có độ sâu 16 m, nằm gần lộ trình hàng hải quốc tế, cách lộ trình Hồng Kông - Singapore.
Đây là nơi công ty Repsol Tây Ban Nha ký hợp đồng với Việt Nam khoan thăm dò dầu khí nhưng tiến hành chưa được bao lâu thì bị phái Việt Nam hủy thầu mà theo các chuyên gia thì việc hủy này từ áp lực của Trung Quốc.
Ngày 3/7 Tàu HD-8 của Trung quốc được hộ tống bởi 2 tàu hải cảnh số 3901 trọng tải (12.000 tấn) và số 37111 (2.200 tấn), được trang bị trực thăng và pháo đến Bãi Tư Chính.
Cảnh Sát Biển Việt Nam đã điều 4 tàu CSB đến ngăn chặn các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền.
Suốt thời gian từ 3/7 đến nay khi bài viết này lên sóng thì vùng biển gần bãi Tư Chính có hàng chục tàu khác của hai bên hoạt động ở ngoại vi.
Trong bối cảnh đó, bà Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đi Trung Quốc gặp Tập Cận Bình trong 5 ngày từ ngày 8 đến ngày 12-7.
Vào ngày cuối của chuyến thăm này của bà Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) công khai hân hoan loan tin tàu HD-8 Trung Quốc đã đến vùng biển gần bãi Tư Chính để thăm dò dầu khí từ trước đó gần 10 ngày (3/7/2019).
Cũng tháng Bảy Trung Quốc cho phóng tên lửa tập trân ở Trường Sa trong khi Việt Nam một lần nữa phát cờ cho ngư dân miền Trung bám biển.
Tháng Bảy, 10 ngày sau sau khi báo chí nước ngoài và báo mạng xã hội liên tục cập nhật và đưa tin, người phát Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng thừa nhận việc tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính 10 ngày là sự thật.
"Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên".
Báo chí đảng, sau cú mở miệng của Bộ Ngoại giao cũng bắt đầu lên tiếng với những tiêu đề như "Trung Quốc toan tính gì khi điều tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam", "Mỹ chỉ trích Trung Quốc phóng tên lửa từ đảo nhân tạo ở Trường Sa" trên VN Express; hay các bài "Trung Quốc đang làm dậy sóng Biển Đông", "Trung Quốc dồn 'dân quân biển' trong căng thẳng Tư Chính" trên VNN như thể chuyện ở Bãi Tư chính là chuyện của nước nào chứ không phải ở Việt Nam, hay những lời sáo rổng mị dân như "Việt Nam có chiến lược bảo vệ từng centimet chủ quyền" trên Tuổi Trẻ.
Nhà báo Mạnh Kim ngán ngẩm thốt lên trên trang Facebook cá nhân của mình "buồn cười" với báo chí nước nhà.
"Tuyệt đối không có bài viết nào cho thấy chiến lược cụ thể đối mặt với Trung Quốc của Việt Nam. Các báo trích dẫn hầu hết ý kiến chuyên gia nước ngoài hơn là chuyên gia trong nước như thể trong nước chẳng có chuyên gia nào đủ uy tín và kiến thức để nói chuyện biển Đông và chủ quyền quốc gia. Thậm chí các chuyên gia người Việt ở hải ngoại cũng không được hỏi ý kiến. “Đối sách” của Việt Nam những ngày qua, về mặt truyền thông, vẫn là tô đậm thái độ ngang ngược Trung Quốc, như thể độc giả Việt Nam nào giờ chưa biết Trung Quốc là kẻ ngang ngược, chưa biết Trung Quốc luôn bất tuân luật pháp quốc tế, chưa biết Trung Quốc là kẻ bành trướng muốn thu tóm toàn bộ biển Đông."
Và ông cũng cho thấy thái độ nhu nhược của báo chí nhà nước đối với vấn đề chủ quyền bằng cách “quốc tế hóa” sự việc qua bài viết nhấn mạnh phản ứng của Mỹ ở biển Đông, như thể việc Mỹ bảo vệ biển Đông trước Trung Quốc là điều phải làm như một phần của lợi ích quốc gia Mỹ chứ không phải chủ thể là Việt Nam.
Làm sao báo chí trong nước có thể nói khi mà trong hoàn cảnh chủ quyền bị xâm phạm, đất đai Tổ tiên một lần nữa bị lấn chiếm, thì người đứng đầu cơ quan Tuyên giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng-người có quyền đóng mở các loa phát thanh của hơn 800 cơ quan báo chí trong nước, theo sau bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tươi cười bắt tay Hoàng Khôn Minh - Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc, mở màn cho hội thảo lý luận lần thứ 15 diễn ra trong hai ngày 21, 22/7 tại Quý Dương giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cách hành xử của lãnh đạo Việt Nam nói như cây viết Lê Văn Sinh "một thứ ngoại giao kỳ lạ" trước các hành động lấn chiếm đầy khiêu khích và có tính răn đe của Trung quốc.
"Tôi không nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam không nhận thức ra mối hiểm họa Trung Hoa, nhất là sau sự kiện Trung Quốc phát động cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 và cuộc chiến này kéo dài cho tới khi lãnh đạo hai nước ký Hiệp nghị Thành Đô năm 1990 mới kết thúc. Điều tôi lấy làm lạ là, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn coi kẻ đã cướp một phần đất đai của tổ tiên để lại bằng cách ép Việt Nam vẽ lại biên giới trên bộ và trên biển vịnh Bắc bộ; kẻ đã chiếm trọn Hoàng Sa, một phần Trường Sa và đang vây ráp chúng ta ở Biển Đông là đồng chí."
Nhiều người hỏi tại sao bộ ngoại giao và và báo đảng đưa tin mà người dân không xuống đường như như đã từng xảy ra vào năm 2011, 2012 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương vào biển Đông?
Tháng Bảy, như mọi năm thời tiết Việt Nam oi bức.
Trong dòng người đông đúc chen chúc ở mọi ngã đường, mọi phố thị từ Nam ra Bắc, từ núi rừng đến đồng bằng, người ta chỉ tịnh một sự hối hả im lặng sống.
Phải chăng người dân Việt mặc kệ mọi việc, chuyện nước non phó cho trời đất, cho nhà cầm quyền, còn mình thì chỉ lo kiếm sống qua ngày?
Có vẻ không vậy.
Có người nói sự im lặng của người Việt hôm nay trước sự kiện ở ngoài Biển Đông là một cơn lặng trước bão.
Đây có thể là một sự tự xoa dịu an ủi mình chăng?
Có người nói dân Việt bây giờ không ngu nữa, xuống đường để bị bắt, bị đánh đập, bị đưa ra tòa gán ghép những bản án đao to búa lớn "lợi dụng quyền tự do dân chủ âm mưu lật đổ chính quyền" để bị bỏ tù nhiều năm.
Một khi vẫn còn chính quyền độc đảng, một khi những người yêu nước vẫn bị bỏ tù và những người lên tiếng vẫn bị canh giữ trước ngõ mỗi ngày thì như nhà báo Nguyễn Đình Ấm nhận định:
"Nhân dân không thể cho chính phủ của mình đem tài sản, xương máu con em họ đi bảo vệ một chế độ độc tài lạc hậu như Đảng Cộng sản Việt Nam được VN."
Cây viết Lê Văn Sinh nói, "Chính sách ngoại giao nhún nhường vô nguyên tắc, làm suy yếu tinh thần tự tôn dân tộc của người Việt Nam".
"Trung Quốc là người bày ra ván cờ Biển Đông, họ chủ động tiến hoặc lui tùy cơ hành động. Dã tâm chiếm 60% biển Việt Nam của Trung Nam Hải là không thay đổi. Một nền ngoại giao nhún nhường kỳ lạ kiểu này thì kẻ thắng ván bài này sẽ về tay Trung Quốc."
Trong bối cảnh đó bài diễn văn của bà Thái Anh Văn như một cách khẳng định thêm con đường duy nhất để thoát sự ảnh hưởng của Trung Cộng là dũng cảm đương đầu.
Và lời khẳng định đường lối của người người đứng đầu đảo quốc nhỏ bé Đài Loan như một thông điệp mạnh mẽ có tính cách hiệu triệu không chỉ bằng lời nói suôn mà bằng thực tiễn thái độ của quốc gia Đài Loan đang tỏ ra với Trung Quốc, vị thế đảo quốc này đang đứng trong thế giới và cách mà thế giới sát cánh cùng họ.
"Nền tự do trên thế giới hiện đang đứng trước sự đe doạ chưa từng có trong lịch sử.
Chúng ta thấy sự đe doạ đó đang diễn ra tại Hồng Kông. Vì không có phương tiện nào khác để lên tiếng, giới trẻ đã xuống đường để đấu tranh đòi tự do trong một xã hội dân chủ. Nhân dân Đài Loan chúng tôi sát cánh với những thanh niên dũng cảm ấy.
Kinh nghiệm của Hồng Kông với cái gọi là “một quốc gia, hai thể chế” là bài học cho thế giới thấy rõ hơn bao giờ hết rằng độc tài không thể nào cùng tồn tại với dân chủ. Khi có dịp là thể chế độc tài sẽ bóp chết dân chủ, chỉ cần một tia sáng yếu ớt hé lên ánh dân chủ thôi thì cũng đã bị dập cho phải tắt. Hành trình dân chủ có thể từ từ như giọt nước thấm vào đất, chỉ nhẹ như làn gió và dường như người ta không cảm thấy điều đó đang diễn ra." Thái Anh Văn
Câu chuyện của chúng tôi, câu chuyện Đài Loan cần phải được thế giới nghe thấy. Đó là câu chuyện về sự kiên trì hướng tới dân chủ, là câu chuyện về lòng quyết tâm với mục tiêu dân chủ sẵn sàng vượt qua mọi trở lực. Câu chuyện của chúng tôi là câu chuyện tại sao các giá trị vẫn phải là nền tảng bền vững. Vực sâu ngăn cách sự khác biệt về chính trị và văn hoá nơi eo biển Đài Loan mỗi ngày mỗi sâu hơn. Mỗi ngày Đài Loan chọn cho mình tự do ngôn luận, quyền cho con người và nền pháp trị là mỗi ngày chúng tôi trôi ra xa hơn khỏi cái vòng ảnh hưởng của độc tài toàn trị."
Từ câu chuyện của Đài Loan và Hong Kong trên con đường đi ra khỏi móng vuốt độc tài của nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc nhìn lại Việt Nam.
Từ lúc sơ khai, phong trào Việt Minh đã bị cộng sản thao túng và triệt tiêu tât cả những cá nhân và tổ chức khác không cùng đường lối với mình như họ đã làm với VIệt Nam Quốc Dân Đảng chẳng hạn.
Thời kỳ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Việt Nam, không ít người đã lầm và đã vỡ mộng, đơn cử như bác sĩ Dương Quỳnh Hoa.
Khi EVFTA được ký kết, không ít người nghĩ rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ có lúc phải nhượng bộ cho các tổ chức dân sự hoạt động và liên đoàn lao động độc lập được tư do điều hành từ đó mở đường dân chủ ở Việt Nam?
Câu trả lời ở trong tay mỗi người Việt.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại