Các ngôi sao giải trí, chính trị gia và nhà báo lên tiếng khắp các không gian mạng về những suy nghĩ của họ trước việc tài khoản Twitter của tổng thống Mỹ Donald Trump bị đình chỉ.
Một trong những cựu phụ tá chính trị của ông Trump, bà Omarosa Newman đăng dòng tweet rằng điều này đã gây tổn thương cho tổng thống.
‘Đối với Donald điều này đã khiến ông ta bị suy yếu. Ông không bao giờ còn có thể sử dụng Twitter để phát tán những thông điệp độc địa. Hashtag – cuối cùng điều đó đã đến!’
Còn những ủng hộ viên của tổng thống, như cựu MC của Fox News, Megyn Kelly – đăng dòng tweet cho rằng đây chính là sự kiểm duyệt những quan điểm của cánh hữu.
‘Nếu bạn thiên hữu, hoặc vẫn còn mơ màng, hoặc bạn nghi ngờ về sự chính trực của hệ thống bầu cử của chúng ta, thì bạn sẽ là người tiếp theo.’
Người con trai đầu lòng của tổng thống, Donald Trump Junior nói đây là mối đe dọa trực tiếp đến tự do ngôn luận.
Trong một loạt dòng tweets, anh ta đặt câu hỏi tại sao Twitter cho phép tài khoản của những chế độ độc tài trên thế giới vẫn hoạt động bình thường, cho dù chúng ẩn chứa mối họa diệt chủng, còn tài khoản của Tổng thống Hoa Kỳ thì lại bị cấm vĩnh viễn.
‘Chúng ta đang sống trong năm 1984 của Orwell. Tự do ngôn luận không còn tồn tại ở Mỹ nữa. Nó đã chết, bởi một công ty công nghệ khổng lồ, những gì còn lại là ít ỏi sự lựa chọn. Đây thật sự là một chuyện điên rồ.’
Trong một thông cáo trên blog của công ty, hãng Twitter nói họ đình chỉ tài khoản của Tổng thống để bảo vệ an toàn cho công chúng.
‘Sau khi xem xét cẩn thận những dòng Tweets mới nhất từ tài khoản chính thức của Donald Trump, cùng bối cảnh xảy ra quanh những dòng Tweets đó, chúng tôi đã đình chỉ vĩnh viễn tài khoản này vì quan ngại nguy cơ xúi giục bạo lực thêm nữa. Định chế của chúng tôi vì lợi ích chung của cộng đồng vốn tồn tại nhằm giúp cho mọi người có thể trực tiếp lắng nghe ý kiến của các quan chức đắc cử và các nhà lãnh đạo thế giới. Định chế được xây dựng dựa trên nguyên tắc người dân có quyền nắm giữ quyền lực đối với tài khoản công khai của mình. Tuy nhiên, chúng tôi đã nói rõ từ nhiều năm trước rằng những tài khoản này không thể vượt lên trên quy tắc của công ty chúng tôi và không thể sử dụng Twitter để kích động bạo lực’.
Những chuyên gia về mạng xã hội nói họ không nghi ngờ rằng mạng xã hội đóng vai trò trực tiếp trong cuộc nổi dậy tại Washington DC.
Ông Imran Ahmed, CEO của Trung tâm Chống lại sự thù ghét trên phương tiện kỹ thuật số nói vai trò của mạng xã hội thật khó lường nhưng mang nhiều ý nghĩa.
‘Chuyện xảy ra tại Điện Capitol là kết quả của nhiều năm các công ty truyền thông xã hội đã thờ ơ không xử lý những kẻ hung hăng hoạt động tràn lan trên nền tảng của họ, khiến các nhân vật gây chia rẽ được phép thao túng mọi người bằng những lời nói dối, cho đến những sự dối trá lớn lao hơn như cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, khiến hàng chục hàng trăm hàng triệu người đổ ra đường’.
Ông nói mạng xã hội là một phần của cuộc sống hiện đại, và chúng ta dường như vô tình chấp nhận rằng mạng xã hội có thể được sử dụng với mục đích chống phá xã hội.
Ông nói sự nổi dậy sẽ không đi đến đâu – nhưng những ác nhân gây thù ghét đã thành công.
‘Đây là một cuộc đảo chính giả, nhưng chắc chắn những hành động khủng bố trong nước đã được khắc sâu, được lên kế hoạch và sau đó được tôn vinh trên các nền tảng truyền thông xã hội mà tất cả chúng ta sử dụng hàng ngày.’
Nhưng việc loại bỏ ông Donald Trump khỏi phương tiện truyền thông xã hội đã gây ra sự bất ổn trong hàng ngũ lãnh đạo thế giới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel xem việc Tổng thống Trump bị khóa bởi Twitter là một "vấn đề trầm trọng”.
Phát ngôn nhân của bà Merkel, ông Steffen Seibert, nói những người điều hành các nền tảng truyền thông xã hội phải "chịu trách nhiệm lớn lao để cho những sự truyền thông liên quan chính trị không bị đầu độc bởi lòng hận thù, bởi sự dối trá và kích động bạo lực."
Nhưng ông nói thêm rằng được tự do nói lên quan điểm cá nhân là một căn bản của xã hội.
‘Quyền tự do ngôn luận căn bản là cốt lõi, là ý nghĩa cơ sở. Quyền căn bản này có thể bị can thiệp, nhưng phải do luật pháp và theo khung định chế đưa ra bởi những nhà lập pháp, chứ không phải được quyết định bởi những công ty quản lý các nền tảng truyền thông xã hội. Từ góc độ này, thủ tướng cho rằng việc tài khoản của tổng thống Mỹ bị khóa vĩnh viễn là một vấn đề trầm trọng.’
Ông Matt Schruers là Chủ tịch Hiệp hội Kỹ nghệ Truyền thông và Máy tính.
Ông nói trong thực tế, các công ty truyền thông xã hội đang thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, nếu họ muốn loại bỏ một tài khoản nào đó của một người mà họ cho rằng đã vi phạm điều khoản cung cấp dịch vụ.
‘Vì vậy, ngay từ đầu mà nói, thì tổng thống Hoa Kỳ vốn phải là người không cần đến nền tảng này nhất trên thế giới. Nhưng hãy nhớ lại rằng tự do ngôn luận không phải là có thể tự do tránh thoát khỏi những hậu quả. Mà ở đây còn có nghĩa là ngôn luận tự do không thể thoát khỏi những hậu quả gây ra cho chính phủ. Và đây là một diễn giả của chính phủ cũng là một diễn viên. Vì vậy, khi các dịch vụ kỹ thuật số loại bỏ những nội dung mà họ cho là kích động bạo lực và vi phạm điều khoản dịch vụ của họ, nghĩa là họ đang thực hiện quyền ngôn luận của chính họ khi nói rằng, chúng tôi không muốn người dùng và công chúng nói chung bị ảnh hưởng bởi nội dung này, vốn đã vi phạm chính sách của chúng tôi cũng như chính sách về mặt luật pháp.’
Ông Schruers nói nếu một người đã cam kết tuân thủ những điều luật đặt ra khi họ tham gia sử dụng dịch vụ như của Twitter, thì bên ra điều luật có thể quyết định rằng liệu một người có vi phạm cam kết không cũng như họ có thể đình chỉ dịch vụ đối với người đó.
Tổng thống Trump từng nhắm tới Điều 230, thuộc Đạo luật về khuôn phép trong truyền thông năm 1996. Đạo luật đưa ra nhằm bảo vệ các công ty chứa chấp hàng nghìn tỷ tin nhắn khỏi bị kiện cáo bởi những ai cảm thấy có điều gì đó sai trái trong thông tin mà người khác đăng – cho dù sự khiếu nại của họ có hợp pháp hay không.
Ông Schruers nói có lẽ đã đến lúc phải nói về cách thức hoạt động của Điều 230, và các công ty nên kiểm duyệt bài đăng của người dùng một cách tích cực như thế nào.
‘Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ có một cuộc đối thoại dài hơi về cách thức mà Điều 230 và các chính sách khác cho phép các dịch vụ kỹ thuật số được dàn xếp và kiểm duyệt hành vi và nội dung trên internet. Và không nghi ngờ gì nữa, các dịch vụ kỹ thuật số còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm rằng sản phẩm của họ bảo vệ niềm tin và sự an toàn của người dùng, cũng như công chúng rộng lớn hơn. Tôi nghĩ, thật không may, nhiều lần đối thoại về vấn đề này đã trở thành một nỗ lực để đạt được các mục tiêu chính trị của nhiều quốc gia. Nhưng dù sao cần phải có một cuộc đối thoại hợp pháp về việc các dịch vụ nên kiểm duyệt nội dung khi nào và như thế nào’.
Ông Schruers nói cuộc thảo luận về cách các dịch vụ kỹ thuật số dàn xếp và kiểm soát hành vi và nội dung trên internet sẽ được tiếp nối với chính quyền của ông Joe Biden.
Còn ông Imran Ahmed từ Trung tâm Trung tâm Chống lại sự thù ghét trên phương tiện kỹ thuật số cảnh báo vấn đề này không thể dễ dàng biến mất.
‘Chúng tôi chưa từng nhìn thấy điều gì giống như thế này trước đây. Và tốc độ mà con người có thể bước vào con đường cực đoan thật sự kinh hoàng. Vì vậy, đây là nội dung mà chúng tôi theo dõi hàng ngày. Và tôi có các nhà nghiên cứu đã cho biết có những người vốn là những thành viên được xã hội điều chỉnh một cách hoàn hảo lại trở thành những người sẵn sàng thực hiện các hành vi cực đoan. Chúng ta cần phải làm một điều gì đó. Những không gian này không thể được dung nạp và chúng sẽ không thể hiện diện ở bất kỳ nơi nào khác. Chẳng hạn, không một khách sạn nào tổ chức hội nghị cho những người đang âm mưu tràn vào Điện Capitol. Ý tôi là, tất nhiên là họ sẽ không bao giờ cho phép những cuộc thảo luận như vậy trong thực tế. Bạn không để những kẻ ủng hộ Đức Quốc xã tụ tập trong khách sạn của bạn. Vậy thì bạn không nên cho phép họ tụ tập trên nền tảng của mình.’