Sức khỏe là Vàng: Phòng tránh rủi ro trong thai kỳ

cdc-c8fnD1rKGCk-unsplash.jpg

Phụ nữ có thể duy trì một thai kỳ khỏe mạnh thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tuân thủ khám thai đúng lịch. Source: Unsplash

Mang thai và sinh em bé khỏe mạnh là niềm vui lớn nhất của các gia đình đang mong con. Nhưng nếu thai kỳ không thuận lợi, nguyên nhân là do đâu? Có cách nào để tránh rủi ro trong thai kỳ?


Tình trạng thai ngừng phát triển và phôi thai bị đẩy ra khỏi cơ thể xảy ra rất phổ biến trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ, được gọi là sảy thai hay hư thai.

Các nghiên cứu cho thấy cứ 5 phụ nữ biết mình có thai thì có tới 1 người bị hư thai trước 20 tuần. Phần lớn xảy ra trong 12 tuần đầu tiên.

Trên thực tế tỷ lệ hư thai cao hơn, bởi vì một số phụ nữ bị sảy thai rất sớm mà không hề biết rằng mình đã mang thai.

Nguyên nhân sảy thai

Phụ nữ lớn tuổi dễ bị sảy thai hơn phụ nữ trẻ, phần lớn là do bất thường nhiễm sắc thể phổ biến hơn khi tuổi tác ngày càng tăng.

Các nghiên cứu cho thấy sảy thai cũng phổ biến hơn ở phụ nữ hút thuốc, uống hơn 500mg caffein mỗi ngày – tương đương khoảng ba đến năm tách cà phê, hoặc uống hơn ba ly rượu mỗi tuần trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ.

Một số tình trạng bệnh ở người mẹ, chẳng hạn như bệnh tiểu đường không kiểm soát được, u xơ hoặc các vấn đề về tuyến giáp, có thể dẫn đến sẩy thai. Các tình trạng y tế hiếm gặp ảnh hưởng đến quá trình đông máu cũng có thể gây sẩy thai. Những phụ nữ bị sảy thai ba lần trở lên liên tiếp được khuyên kiểm tra các tình trạng này.

Sốt cao có thể dẫn đến sẩy thai, nhưng nhiễm trùng nhẹ trong trường hợp cảm lạnh thì không gây hại.

Các dấu hiệu cảnh báo sẩy thai

Các triệu chứng sảy thai thường gặp là chảy máu âm đạo, đau bụng, vọp bẻ, phôi thai trôi ra khỏi âm đạo.

Nhưng nếu máu ra ít, thường chỉ vài giọt kéo dài khoảng vài giờ, không kèm theo triệu chứng đau bụng, thì có thể là hiện tượng lành tính, do trứng đã được thụ tinh và bám trên niêm mạc tử cung gây chảy máu. Không phải thai phụ nào cũng có dấu hiệu này, nếu có thì không nên quá lo lắng, chỉ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra cụ thể.
sweet-life-qQ1Z3GwW3cU-unsplash.jpg
Quản lý tốt các bệnh mmn tính như tiểu đường, huyết áp… để giữ thai kỳ an toàn. Source: Unsplash
Nếu bị sẩy thai một lần, liệu có rủi ro ở lần kế tiếp không?

Tỷ lệ bị sảy thai tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người mẹ cũng như người cha.

Nhiều trường hợp sảy thai một lần và sau đó người phụ nữ vẫn có thai kỳ khỏe mạnh.

Nếu phụ nữ sảy thai ba lần trở lên thường cần làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục.

Sau khi bị sẩy thai nên chờ bao lâu để có thể mang thai tiếp?

Về mặt sức khỏe thể chất, nếu cơ thể người phụ nữ khỏe mạnh và tinh thần thoải mái thì chỉ cần qua một chu kỳ kinh là có thể mang thai tiếp.

Làm gì để tránh nguy cơ sảy thai?

Sảy thai do bất thường về nhiễm sắc thể thì không thể ngăn ngừa được.
Nhưng phụ nữ có thể giảm nguy cơ sảy thai vì những lý do khác bằng cách:
  • Bổ sung acid folic khoảng 3 tháng trước khi có thai và tiếp tục uống trong thai kỳ.
  • Không hút thuốc, không uống rượu và dùng chất kích thích.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Giữ cân nặng hợp lý, chỉ số BMI từ 22 đến 24 là lý tưởng nhất.
  • Kiểm soát tốt các bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường...
  • Tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm.
Mời quý vị vào Audio để nghe Bác sĩ chuyên khoa Sản và Hiếm muộn Hồ Quang Phú giải đáp các câu hỏi về rủi ro của thai kỳ, trong chương trình Sức khỏe là Vàng.

Share