Thai kỳ tự nhiên và thai kỳ thụ tinh ống nghiệm có gì khác nhau?
Về cơ bản thì thai tự nhiên hay thai thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không có gì khác nhau. Việc theo dõi, tầm soát bất thường trong thai kỳ đều cần thực hiện đầy đủ như nhau.
Tương tự, hầu như không có khác biệt nào giữa trẻ được thụ thai tự nhiên và trẻ thụ tinh trong ống nghiệm. Các nghiên cứu cho thấy em bé thụ tinh trong ống nghiệm hầu như không gặp rủi ro nào về chậm phát triển và có thể sống một cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh như các em bé được thụ thai tự nhiên.
Thai kỳ thụ tinh ống nghiệm có nhiều rủi ro hơn so với thai kỳ tự nhiên không?
Thai kỳ thụ tinh ống nghiệm và thai kỳ tự nhiên đều có những rủi ro nhất định dựa trên các yếu tố như độ tuổi của người mẹ và tiền sử bệnh.
Trong quá trình mang thai, người mẹ nào cũng có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp... cần được bác sĩ theo dõi và can thiệp kịp thời nếu có vấn đề.
Những mốc quan trọng cần lưu ý đối với thai kỳ?
Trước khi thụ thai, người phụ nữ cần gặp bác sĩ gia đình để được kiểm tra sức khỏe tổng quát, hỏi về việc tiêm phòng bệnh sởi, quai bị, Rubella, thủy đậu, cúm, cũng như việc dùng thuốc bổ folic acid. Nên ăn uống kỹ lưỡng để tránh bị tiểu đường. Nếu dư cân thì nên giảm cân trước khi mang thai.
Nếu bạn quyết định có các thử nghiệm dò khám tiền sản chẳng hạn như Dò khám Hội chứng Down, bạn cần gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ sản khoa khi thai được 10 tuần, để họ có thể thu xếp các thử nghiệm.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe trong thai kỳ cũng rất quan trọng. Việc đến gặp bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ giúp dễ dàng chữa trị sớm bất cứ vấn đề sức khỏe nào, để tránh các biến chứng trong thai kỳ và khi sinh. Đây cũng là dịp tốt để thảo luận về cách thức sinh con, nơi sinh và hỏi về bất cứ vấn đề nào mà thai phụ và gia đình quan tâm.
Cùng với cơ thể khỏe mạnh, tinh thần của thai phụ cũng cần vui vẻ, lạc quan và được chăm sóc tốt từ gia đình và người thân để thai kỳ thuận lợi.
Nên sinh thường hay sinh mổ?
Dù là thai IVF hay thai tự nhiên thì sinh thường sẽ tốt hơn sinh mổ, trừ các trường hợp đặc biệt không thể sinh thường thì bác sĩ chuyên khoa sản sẽ khám và đưa ra lời khuyên sinh mổ hay sinh thường.
Nếu thai quá 40 tuần mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì có các lựa chọn nào?”
Thông thường thai kỳ 40 tuần là đến ngày dự sinh. Nhưng ngày sinh cũng có thể sớm hoặc trễ hơn 1-2 tuần. Từ 37 đến 40 tuần thì thai phụ có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào.
Nếu 40 tuần mà chưa sinh thì mốc an toàn là có thể chờ thêm 10 ngày. Thai nhi trong thời gian này được theo dõi kỹ, đo nhịp tim, siêu âm kiểm tra nước ối. Vì thế thai phụ và gia đình không nên quá lo lắng.
Nếu người mẹ không mắc bệnh nền, sức khỏe của thai bình thường thì có thể chờ thêm 10 ngày nữa. Khi cơ thể sẵn sàng thì thai phụ sẽ sinh con dễ hơn.
Nếu đến thời gian đó mà vẫn chưa chuyển dạ thì bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp để sinh con.
Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Hồ Quang Phú, chuyên khoa Sản và Hiếm muộn, giải đáp các câu hỏi về chăm sóc thai kỳ, trong chương trình Sức khỏe là Vàng.