Thời tiết nắng nóng làm chết nhiều người Úc hơn bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào khác.
Nhiệt độ quá nóng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nặng, bao gồm phát ban do nhiệt, chuột rút do nhiệt, kiệt sức vì nóng, và nặng nhất là sốc nhiệt, hay còn gọi là trúng nắng.
Kiệt sức vì nóng là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi đổ mồ hôi quá nhiều trong môi trường nóng làm giảm lượng máu.
Các dấu hiệu cảnh báo có thể bao gồm tái nhợt và đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, chuột rút cơ (thường ở bụng, cánh tay hoặc chân), buồn nôn và nôn, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Nếu không được điều trị, tình trạng kiệt sức vì nóng có thể dẫn đến sốc nhiệt, một tình trạng đe dọa đến tính mạng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể lên tới 40.5 độ C hoặc cao hơn. Khi đó các hệ thống bên trong cơ thể bắt đầu ngừng hoạt động. Nhiều cơ quan trong cơ thể bị tổn thương. Bệnh nhân có thể hôn mê, co giật và bất tỉnh.
Sốc nhiệt có thể gây tổn thương gan, thận, cơ và tim.
Các triệu chứng của say nắng có thể tương tự như kiệt sức vì nóng, nhưng da có thể khô, không đổ mồ hôi và tình trạng tâm thần của người đó trở nên tệ hơn.
Điều trị sốc nhiệt
Sốc nhiệt cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn cho não và các cơ quan quan trọng khác có thể dẫn đến tử vong.
Làm việc quá sức trong thời tiết nóng, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc cháy rừng, tập thể dục hoặc làm việc ở những khu vực nóng, thông gió kém có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nhiệt.
Nhiệt độ nóng cũng có thể làm cho các bệnh có sẵn trở nên tệ hơn, chẳng hạn như bệnh tim.
Ai dễ mắc bệnh liên quan đến nhiệt nhất?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc các bệnh liên quan đến nhiệt, nhưng có nguy cơ cao nhất là:
- Người trên 65 tuổi, nhất là người sống một mình hoặc không có điều hòa.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
- Người đã có bệnh như bệnh tim, bệnh thận, tiểu đường...
- Người bị bệnh phải dùng một số loại thuốc có tác dụng phụ làm suy yếu khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
Đặc biệt đã từng có các trường hợp trẻ em bị bỏ quên trên xe hơi khi trời nóng dẫn đến tử vong.
Phòng ngừa các bệnh liên quan đến nhiệt
- Uống đủ nước – cần uống nhiều hơn trong thời tiết nóng, ngay cả khi không cảm thấy khát (hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang được khuyên uống hạn chế nước).
- Tránh tiếp xúc với nhiệt – tránh ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt, hãy ở trong nhà hoặc trong bóng râm. Nếu phải ra ngoài trời, hãy che vùng da hở bằng quần áo nhẹ, sử dụng kem chống nắng và đội nón, tìm bóng râm và đeo kính râm.
- Lên kế hoạch trước khi đi ra ngoài, theo dõi nhiệt độ, thời tiết, đường đi có chỗ nào có bóng mát, có nước uống và chỗ cấp cứu.
- Không để trẻ em, người lớn tuổi hoặc thú cưng trong xe hơi đang đậu, ngay cả khi cửa sổ để mở một chút, để tránh nguy cơ tử vong do nhiệt.
- Giữ mát và giữ cho không khí lưu thông tốt. Kéo rèm hoặc rèm cửa và sử dụng quạt hoặc điều hòa nhiệt độ. Nếu không có điều hòa nhiệt độ thì có thể đến trung tâm mua sắm hoặc thư viện công cộng có điều hòa nhiệt độ.
- Quan tâm và thường xuyên giữ liên lạc với gia đình, bạn bè và hàng xóm lớn tuổi, những người có thể cần giúp đỡ để đối phó với thời tiết nóng, đặc biệt là những người sống một mình.
Mời quý vị vào phần Audio để nghe toàn bộ nội dung trả lời của Bác sĩ Phan Đình Hiệp về phòng bệnh do thời tiết nóng.
Lưu ý: Thông tin được trình bày trong loạt bài (cuộc trò chuyện) này mang tính chất tổng quát. Thông tin này có thể không phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của bạn - hãy liên lạc với chuyên viên chăm sóc y tế (bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, v.v) của bạn để được tư vấn rõ ràng cho trường hợp của mình.