Sức khỏe là Vàng: Mãn kinh và những điều cần lưu ý

yoga

Source: Pixabay

Giữ được sức khỏe tốt sau khi mãn kinh là điều quan trọng với mọi phụ nữ. Khi bước vào giai đoạn mãn kinh phụ nữ cần lưu ý những điều gì? Gia đình cần hiểu và hỗ trợ sức khỏe của phụ nữ mãn kinh như thế nào?


Mãn kinh là giai đoạn sinh lý tự nhiên với những thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý của phụ nữ.

Mãn kinh xảy ra khi buồng trứng của người phụ nữ ngưng hoạt động và ngừng tiết các nội tiết tố nữ, dẫn đến việc ngưng hành kinh và chấm dứt khả năng sinh sản.

Phần lớn phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi từ 45-55, giai đoạn xuất hiện các triệu chứng mãn kinh có thể kéo dài vài năm tùy từng người. Vì thế vẫn có trường hợp mãn kinh sớm hoặc muộn hơn.

Triệu chứng mãn kinh

Triệu chứng mãn kinh ở mỗi người phụ nữ là khác nhau, có thể tùy vào các yếu tố ảnh hưởng như văn hóa, sức khỏe, các vấn đề liên quan đến tâm trạng và lối sống. Có nhiều người không gặp khó chịu gì, cũng có nhiều người gặp nhiều triệu chứng làm giảm chất lượng cuộc sống.

Các dấu hiện xáo trộn khi mãn kinh bao gồm chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tâm lý, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, dễ bực bội cáu gắt, tăng cân, tăng mỡ bụng, da nhăn và mất tính đàn hồi, tóc khô dễ gãy rụng, cơ quan sinh dục teo nhỏ...

Khi mãn kinh chức năng buồng trứng bị suy giảm, estrogen trong cơ thể bị giảm sút có thể dẫn đến loãng xương khiến xương bị yếu, dễ gãy.

Mãn kinh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, có thể do giảm nội tiết tố estrogen và lão hóa.

Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Cần đi gặp bác sĩ nếu các triệu chứng mãn kinh gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, các triệu chứng trầm cảm và lo âu, mất ngủ, xuất huyết bất thường... Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và chỉ định thuốc điều trị nếu cần thiết.

Điều trị triệu chứng mãn kinh

Một số liệu pháp được dùng để điều trị các triệu chứng mãn kinh bao gồm liệu pháp bổ sung nội tiết tố nữ như estrogen và progesterone để thay thế lượng nội tiết thiếu hụt khi mãn kinh. Đây là liệu pháp hiệu quả nhất đối với các triệu chứng từ vừa đến nặng. Việc áp dụng liệu pháp cần theo chỉ định của bác sĩ.

Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày như đạp xe, đi bộ, yoga... để giúp cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh, có thể giảm đáng kể các triệu chứng của mãn kinh.

Nên có chế độ ăn uống lành mạnh, giảm muối và các thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn nhiều rau xanh, trái cây, các món ăn giàu can xi và vitamin D tốt cho xương như sữa, sữa chua, phô mai, đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành vì có chứa nội tiết tố estrogen tự nhiên.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Nguyệt Thái trình bày chi tiết về mãn kinh và những điều quan trọng cần lưu ý.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share