Mỗi khi tim đập sẽ tạo ra lực tác động lên thành của động mạch để bơm máu đi nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch tạo ra huyết áp.
Khi tim ở trạng thái có bóp là lúc huyết áp cao nhất, được gọi là huyết áp tâm thu.
Trong khoảng thời gian nghỉ giữa các nhịp tim, cơ tim được thả lỏng, huyết áp sẽ giảm xuống, được gọi là huyết áp tâm trương.
Khi đo huyết áp bằng máy điện tử, màn hình sẽ thể hiện huyết áp tâm thu trước huyết áp tâm trương, tính bằng milimet thủy ngân (mmHg). Ở hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh, huyết áp bình thường ở mức khoảng 120/80 mmHg.
Huyết áp thường tăng giảm một cách tự nhiên suốt cả ngày tùy thuộc vào sức khỏe tổng thể và các hoạt động khác nhau.
Huyết áp cao được xác định ở mức từ 140 mmHg/ 90 mmHg trở lên.
Huyết áp thấp được xác định ở mức dưới 90 mmHg/60 mmHg.
Hạ huyết áp có nguy hiểm không?
Đối với một số người, huyết áp thấp là dấu hiệu của sức khỏe tốt và họ được cho là sẽ sống lâu hơn.
Nhưng hạ huyết áp có thể nguy hiểm nếu nó gây ra các triệu chứng như chóng mặt, dẫn đến nguy cơ té ngã cao hơn, nhất là đối với người lớn tuổi có bệnh nền.
Trong trường hợp hạ huyết áp khiến tim, não, phổi, gan, thận… không nhận đủ máu chứa oxy cần thiết thì sẽ có nguy cơ cao bị đau tim và đột quỵ.
Các triệu chứng của hạ huyết áp thấp có thể bao gồm choáng váng, chóng mặt, mắt mờ, da xanh xao, rịn mồ hôi, mệt mỏi, ngất xỉu…
Việc đổi tư thế đột ngột khi đứng lên hoặc đứng quá lâu mà không di chuyển cũng có thể gây hạ huyết áp.
Nguyên nhân hạ huyết áp
Hạ huyết áp thấp có thể xảy ra khi gặp điều kiện quá nóng, do thời tiết, do tắm nước nóng hoặc do mặc quá nhiều quần áo; bị thiếu máu, hiến máu, chảy máu nhiều hoặc bị mất nước; đang mang thai; đang dùng thuốc ảnh hưởng đến huyết áp; sử dụng nhiều ma túy hoặc rượu.
Một số tình trạng bệnh cũng có thể gây hạ huyết áp như dị ứng, nhiễm trùng, bệnh tim, suy dinh dưỡng…
Việc đổi tư thế đột ngột khi đứng lên hoặc đứng quá lâu mà không di chuyển cũng có thể gây hạ huyết áp.
Một số người lớn tuổi, nhất là người bị tăng huyết áp, có thể gặp tình trạng tụt huyết áp xảy ra trong 1-2 giờ sau khi ăn, hoặc hạ huyết áp khi sử dụng thuốc sai liều.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Một số người luôn có huyết áp thấp hơn bình thường nhưng không gây ra triệu chứng nào, do đó không cần điều trị.
Nhưng nếu có triệu chứng hạ huyết áp thì nên đến gặp bác sĩ để loại trừ bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào.
Một số điều cần lưu ý để phòng ngừa hạ huyết áp bao gồm uống đủ nước, không ăn quá lạt, bổ sung thực phẩm chứa đạm, vitamin nhóm B, hạn chế uống rượu bia, tránh tắm nước nóng quá lâu.
Việc tập thể dục thường xuyên cũng rất cần thiết để kiểm soát và duy trì huyết áp ở mức khỏe mạnh.
Sơ cứu người bị hạ huyết áp
Khi thấy một người có dấu hiệu bị hạ huyết áp, cần đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm xuống bề mặt phẳng ở nơi thoáng mát, kê chân cao hơn đầu một chút.
Nếu bệnh nhân tỉnh táo và uống được, có thể cho họ uống một chút nước để nâng chỉ số huyết áp tạm thời.
Nếu bệnh nhân bất tỉnh thì cần gọi cấp cứu 000.
Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Võ Văn Phước giải đáp các câu hỏi về tình trạng hạ huyết áp trong chương trình Sức khỏe là Vàng.