Có rất nhiều vấn đề thường gặp ở bàn chân như đau gót chân, móng chân quá dầy và cứng, móng chân mọc ngược, da chân khô, vết chai, vết loét, mụn nước hoặc nứt nẻ ở bàn chân, đau ở khớp ngón chân cái, nấm da chân, mụn cóc...
Hiểu rõ các vấn đề thường gặp ở chân, nhận biết nguy cơ và chăm sóc bàn chân đúng cách có thể ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng, nhất là đối với người cao tuổi và bệnh nhân tiểu đường.
Đau gót chân
Đau gót chân thường là do quá tải trọng lượng hoặc do những áp lực lập đi lập lại ở một vị trí của bàn chân mà cơ thể không chống đỡ nổi, dẫn đến chấn thương ở cơ và gân.
Dấu hiệu phổ biến nhất của đau gót chân là cảm giác đau nhói hoặc thốn khi vừa mới ngủ dậy bước ra khỏi giường, hoặc sau khi lái xe đường dài, phải bước xuống đi lại một hồi thì cảm giác đau mới giảm bớt.
Đau gót chân có thể xảy ra với bất cứ ai kể cả người lớn và trẻ em, những người làm công việc phải đứng lâu trên bề mặt cứng, người đi bộ đường dài, người thường phải mang vác nặng, người tập các môn thể thao có đặt nhiều trọng lực lên bàn chân như bóng rổ, bóng chuyền... người thừa cân hoặc mang giày cao gót không phù hợp, lòng bàn chân quá bẹt hoặc quá cao cũng có thể dễ bị đau gót chân.
Nếu để tình trạng kéo dài mà không tìm cách khắc phục, người bệnh không chỉ phải chịu đau trong thời gian dài, mà còn mất thời gian trị liệu lâu hơn để các cơ và gân phục hồi lại như lúc ban đầu.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần sử dụng những miếng lót giày được thiết kế riêng theo cấu trúc bàn chân của mỗi người. Đó là loại lót giày đặc biệt có vai trò nhất định để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh ở bàn chân.Vết chai ở bàn chân
Zoe Do, chuyên gia trị liệu chân tại First Choice Allied Health, sử dụng công nghệ Amfit 3D đo bàn chân của khách để thiết kế miếng lót giày đặc biệt. Source: Thanh Ngôn (SBS)
Vết chai chân hình thành do áp lực và ma sát tạo thành trong quá trình đi lại hàng ngày. Nguyên nhân là do sự phân bố không đồng đều trọng lực của cơ thể do cấu trúc tự nhiên của bàn chân, các ngón chân bị cong/quặp do viêm khớp; hoặc do mang giày không phù hợp - quá rộng, quá chật hoặc quá hẹp so với hình dáng bàn chân.
Chai chân có thể xuất hiện dưới lòng bàn chân, gót chân, bên trên các ngón chân hoặc giữa các ngón chân.
Có thể loại bỏ chai chân bằng cách ngâm chân trong nước để làm mềm da, rồi dùng đá kỳ chân chà nhẹ để loại bỏ tế bào chết, sau đó thoa kem dưỡng da chân. Không nên dùng vật nhọn cắt vết chai vì sẽ có nguy cơ gây nhiễm trùng.
Móng chân quặp
Móng chân quặp khiến khóe móng đâm sâu vào da, gây đau đớn, sưng đỏ và có thể nhiễm trùng.
Nguyên nhân là do cắt móng chân không đúng cách, đi giày không phù hợp hoặc giày cao gót làm cho các ngón chân ép lại với nhau gây áp lực lên móng.
Ngoài ra còn có trường hợp móng chân quặp tự nhiên cộng thêm việc cắt móng chân không đúng cách làm cho móng mới khi mọc ra sẽ đâm vào da/thịt.
Đôi khi cần phải tiểu phẫu để loại bỏ tất cả hoặc một phần móng bị quặp vào da.
Các vấn đề về chân ở người bệnh tiểu đường
Bất cứ ai cũng có thể mắc các vấn đề chân nêu trên. Riêng đối với những người mắc bệnh tiểu đường, các vấn đề càng dễ trở nên nghiêm trọng hơn, dễ bị chảy máu nhiễm trùng hoặc thậm chí dẫn đến nguy cơ mất ngón chân hoặc cả bàn chân.
Bệnh nhân tiểu đường khi đến gặp chuyên gia trị liệu về chân (podiatrist) thì sẽ được kiểm tra về tuần hoàn máu và chức năng dây thần kinh ở chân. Thường bài kiểm tra này được thực hiện 1-2 lần trong năm tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Bàn chân của bệnh nhân tiểu đường cần được kiểm tra thường xuyên để xem có vết loét, mụn nước, sưng đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào hay không. Người bệnh cần mang giày đúng cỡ và phù hợp với dáng bàn chân của mình, luôn kiểm tra bên trong giày để đảm bảo rằng không có vật lạ nào như đá, sỏi... có thể gây tổn thương chân. Người bệnh nếu không thể nhìn rõ thì nên nhờ người nhà hoặc người chăm sóc giúp kiểm tra bàn chân. Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi hoặc vấn đề nào với bàn chân của mình, hãy tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia.
Khi nào nên đi gặp bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu về chân?
Hầu hết các vấn đề về chân đều có thể được điều trị hoặc làm giảm triệu chứng.
Quý vị nên tìm lời khuyên y tế nếu bị các vấn đề thần kinh ảnh hưởng đến bàn chân, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh mạch máu ngoại vi; nếu bị đau hoặc sưng nghiêm trọng, có tình trạng chảy máu hoặc mủ ở chân, hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng, nóng và đau ở vùng chân bị ảnh hưởng...
Người bệnh có thể đến gặp bác sĩ gia đình để kiểm tra và bác sĩ gia đình sẽ giới thiệu đến gặp chuyên gia trị liệu về chân để được tư vấn và điều trị.
Mời quý vị vào phần Audio để nghe chuyên gia trị liệu về chân Zoe Do, từ phòng khám First Choice Allied Health tại Footscray, Melbourne, trình bày chi tiết các vấn đề thường gặp ở bàn chân và lời khuyên để chăm sóc tốt cho chân.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại