Cũng giống như người lớn, bàn chân của trẻ em cũng có những vấn đề cần lưu ý. Trong đó, bàn chân bẹt là một trong những vấn đề thường gặp nhất.
Bàn chân bẹt là khi vòm bàn chân thấp hơn hoặc phẳng hoàn toàn so với mặt đất. Bàn chân bẹt ở trẻ em khi không chạm đất thì thường vẫn thấy được vòm bàn chân.
Trong 2 năm đầu đời, bàn chân của trẻ thường phẳng và không có phần vòm, do lớp đệm mỡ hay còn gọi là fat pad ở bàn chân che đi vòm đang phát triển, do trương lực cơ (muscle tone) còn yếu và các khớp xương chưa được chắc chắn.
Khi trẻ bắt đầu tập đi, cơ và dây chằng dưới lòng bàn chân sẽ khoẻ hơn và phần đệm mỡ sẽ không còn quá rõ. Từ 5-6 tuổi, trẻ nhỏ sẽ phát triển phần vòm bàn chân ở cả hai chân.
Tuy nhiên khoảng 1/5 trẻ nhỏ sẽ không phát triển phần vòm. Nguyên nhân có thể do cấu trúc tự nhiên của bàn chân hoặc do di truyền từ gia đình.
Cũng như người lớn, không phải tất cả trẻ nhỏ có bàn chân bẹt sẽ bị đau chân hoặc gặp các vấn đề khác.
Thường thì bàn chân bẹt ở trẻ nhỏ không cần đến các trị liệu đặc biệt.
Nếu trẻ gặp phải một trong những vấn đề trên thì cách trị liệu thường sẽ bao gồm các bài tập thể thao để làm giãn và khoẻ cơ; tư vấn cho gia đình cách lựa chọn những loại giày phù hợp; và lót giày hỗ trợ đặc biệt.
Ngoài ra còn có các vấn đề phổ biến khác như:
- Intoeing và outtoeing: Trẻ bước đi kiểu 'chim bồ câu' với một hoặc cả hai bàn chân quay vào trong. Trong hầu hết các trường hợp, đây chỉ đơn giản là một dấu hiệu của sự phát triển tư thế và thăng bằng, và sẽ tự khắc phục trong độ tuổi từ 3-5 tuổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng nghiêm trọng hoặc không cải thiện, hãy đến gặp chuyên gia trị liệu về chân hoặc bác sĩ nhi khoa để được đánh giá. Hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi khi trẻ có tư thế và sự thăng bằng phát triển hơn.
- Toe walk: Là kiểu bước đi trên phần đầu của các ngón chân, gót chân của trẻ không tiếp xúc với mặt đất.
Trẻ đang tập đi có thể đi kiễng chân mà không rõ nguyên nhân chính xác. Ở một số trẻ đi, chiều dài của bắp chân có thể ngắn hơn khi mới sinh hoặc có thể ngắn lại theo thời gian, điều này khiến trẻ không thể chạm gót chân xuống đất. Tuy nhiên, ở hầu hết trẻ đi kiễng chân, bắp chân có đủ độ dài để gót chân của trẻ có thể chạm đất, và trẻ có thể cần được nhắc nhở thường xuyên để loại bỏ thói quen này.
Trong một số trường hợp, việc đi bằng ngón chân liên quan đến một số vấn đề về thần kinh như bại não hay liệt não (cerebral palsy), tự kỷ, loạn dưỡng cơ (muscle dystrophy), bất thường với tuỷ sống.
Với những trẻ có đủ độ mềm dẻo và chiều dài bắp chân, chuyên gia trị liệu về chân có thể chỉ định các động tác kéo giãn và tư vấn cho phụ huynh để hỗ trợ trẻ bỏ thói quen đi bằng ngón chân. Miếng lót giày cũng có thể được chỉ định để giúp gót chân của trẻ em “chạm đất”.
Ngoài ra chuyên gia trị liệu về chân có thể giới thiệu đến các bác sĩ nhi khoa hoặc các bác sĩ chuyên khoa khác, nơi điều trị sâu hơn và rộng hơn như bó bột, nẹp để giúp kéo căng cơ và gân ở bắp chân, phẫu thuật hoặc chẩn đoán tình trạng bệnh tiềm ẩn.
- Chênh lệch chiều dài chi dưới (Leg length differences - LLD) là khi có sự khác biệt giữa chiều dài của cả hai chân. Mặc dù gần 50% mọi người có sự chênh lệch giữa chiều dài của đôi chân, nhưng khi con số này lớn hơn 2cm thì nó có thể gây ra một số vấn đề. Sự khác biệt này có thể được phát triển từ khi sinh ra và có tính chất di truyền
- Đau gót chân: thường xảy ra sau khi trẻ chơi các hoạt động thể thao và có thể khiến trẻ không thể tham gia vào các hoặt động mà trẻ yêu thích.
Đau gót chân, thường được gọi là Calcaenal apophysitis hoặc bệnh Sever, là tình trạng viêm mảng tăng trưởng ở mặt sau của xương gót chân, phổ biến ở trẻ em từ 8-14 tuổi tham gia các hoạt động. Trẻ thường có đi khập khiễng khi cố gắng tránh đặt gót chân xuống đất và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai gót chân cùng một lúc.
Nguyên nhân có thể là do:
- Sự phát triển nhanh trong 1 giai đoạn, xương, cơ và gân phát triển với tốc độ khác nhau. Các cơ và gân có thể bị căng, kéo mảng tăng trưởng ở gót chân.
- Mang giày không phù hợp và không đủ chắc chắn
- Bàn chân bẹt hoặc vòm chân cao
- Hoạt động có tác động mạnh như bóng đá, bóng lưới, bóng rổ, khiêu vũ, điền kinh, v.v.
- Bệnh Osgood-schlatters là một bệnh thường gặp ở trẻ em hiếu động trong độ tuổi từ 12-15 tuổi. Đây là loại tình trạng phổ biến nhất ảnh hưởng đến trẻ đang phát triển và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai đầu gối.
Osgood schlatters là một dạng hư xương sụn xảy ra ở mặt trước của đầu gối, ảnh hưởng đến mảng tăng trưởng của xương đang phát triển ở trẻ em. Trong trường hợp này, đó là tình trạng viêm xảy ra ở đĩa tăng trưởng của xương ống chân.
Osgood-schlatters xảy ra từ tác động lực lặp lại nhiều lần đối với đầu gối. Trẻ em hiếu động thường bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt khi tham gia các môn thể thao có tính chất chạy nhảy cao. Cơn đau thường xảy ra trong và sau khi chơi thể thao, tập thể dục và sẽ giảm bớt khi nghỉ ngơi. Do đó, nên giảm hoặc điều chỉnh hoạt động để giảm đau.
6 mẹo để chăm sóc chân cho trẻ bao gồm:
1 - Cho phép di chuyển
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển cơ bằng cách vận động, vì vậy hãy để bàn chân trẻ được tự do, đặc biệt nếu trẻ chỉ biết bò hoặc chủ yếu ở trong nhà. Mang giày dép hoặc quần áo che phủ nếu trời lạnh, hoặc khi trẻ bắt đầu đi bộ và di chuyển xung quanh ngoài trời để bảo vệ.
2 - Bảo đảm giày dép vừa vặn
Giày ống (Booties), vớ và áo liền quần của trẻ thường có thể quá chật so với bàn chân. Điều này có thể khiến móng chân mọc ngược, hoặc thậm chí làm hạn chế lưu lượng máu và ảnh hưởng đến quá trình lưu thông đến bàn chân của trẻ. Chất liệu nên có sợi tự nhiên cho phép bàn chân thở.
3- Chọn giày dép đúng cỡ
Cần phải kiểm tra ít nhất 6 tháng một lần để đảm bảo rằng giày của trẻ vẫn vừa vặn. Giày cần có chiều dài, chiều rộng và chiều sâu phù hợp. Giày phải phù hợp với hình dạng tự nhiên của bàn chân. Các ngón chân phải có thể cử động thoải mái và không bị bí. Phải có ít nhất một khoảng rộng của ngón tay cái giữa ngón chân dài nhất và phần mũi giày. Giày phải nhẹ, linh hoạt và vừa vặn với chân, phải thoải mái xung quanh gót chân và không quá lỏng hoặc quá chặt. Ngoài ra cần tránh đi giày làm từ vật liệu tổng hợp vì chân của trẻ ra mồ hôi và cần thở được.
4 - Giữ gìn vệ sinh chân tốt
Bàn chân của trẻ em cần được rửa và lau khô rất kỹ hàng ngày - đặc biệt là giữa các ngón chân. Trẻ em rất dễ bị nhiễm trùng da, như nấm da chân hoặc mụn cóc nếu bàn chân thường xuyên đổ mồ hôi và ẩm ướt.
5 - Cắt tỉa móng chân
Luôn cắt móng chân của trẻ theo đường thẳng và không bao giờ cố gắng cắt quanh các góc, vì điều này có thể dẫn đến móng chân mọc ngược. Móng chân quá dài có thể ăn sâu vào các ngón chân khác, hoặc vào giày và gây ra rất nhiều khó chịu.
6 - Quan sát dáng đi của trẻ
Trẻ em có thể có dáng đi “trông buồn cười”, bàn chân bẹt hoặc các vấn đề về cơ sinh học khác. Nếu các vấn đề đi kèm với cơn đau hoặc chỉ thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để kiểm tra bàn chân.
Kính mời quý vị vào phần Audio để nghe Zoe Do, chuyên gia trị liệu về chân, trình bày chi tiết các dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục một số bệnh về chân ở trẻ em.