Giống như các bệnh tự miễn khác, bệnh Lupus ban đỏ lan tỏa (Systemic Lupus Erythematosus - SLE) xảy ra khi hệ miễn dịch thay vì chống lại vi-rút, vi khuẩn và nhiễm trùng, thì lại quay vào tấn công các cơ quan trong cơ thể. Hiện nguyên nhân gây ra bệnh Lupus vẫn chưa được xác định.
Người mắc bệnh Lupus có thể có khoảng thời gian phát bệnh và khoảng thời gian bệnh tạm lắng. Cơn phát bệnh Lupus có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, ở mỗi người có thể khác nhau. Nhưng việc theo dõi thường xuyên và can thiệp kịp thời có thể kiểm soát được bệnh.
Ai có nguy cơ mắc bệnh Lupus?
Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh Lupus, nhưng phụ nữ nhiều khả năng mắc bệnh hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Bệnh Lupus cũng có yếu tố gia đình. Trong một gia đình nếu có người mắc Lupus thì những người ở thế hệ sau, đặc biệt là những người ở thế hệ thứ nhất kế cận có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các triệu chứng
Bệnh Lupus có thể ảnh hưởng đến các vùng khác nhau, từ da, khớp, tim, phổi, thận... cho đến não. Triệu chứng ở mỗi người cũng có thể khác nhau, có thể bao gồm: lở loét ngoài da hoặc ở mũi và miệng, phát ban đỏ ở vùng gò má, rụng tóc, các khớp ngón tay đau nhức và sưng vào buổi sáng (triệu chứng thường gặp nhất), sưng ở các tuyến, nhức đầu, chóng mặt, trầm cảm...
Nói chung các triệu chứng của bệnh Lupus có thể giống với triệu chứng của tất cả các bệnh xảy ra đối với cơ thể, nên rất khó phân biệt Lupus với bệnh khác. Cần làm xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác mới có thể xác định đúng tình trạng bệnh.
Điều quan trọng là người bệnh cần cho bác sĩ biết tất cả các triệu chứng khác thường của mình, để giúp bác sĩ chẩn đoán kịp thời.
Những dấu hiệu của bệnh Lupus có thể xuất hiện rồi biến mất. Người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng bùng phát sau khi ra ngoài nắng, sau một ngày làm việc mệt mỏi hoặc vào những lúc căng thẳng.
Điều trị
Hiện bệnh Lupus chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bác sĩ có kiểm soát bằng thuốc làm giảm triệu chứng hoặc thuốc ngăn hệ miễn dịch hoạt động quá mức trong thời gian phát bệnh Lupus.
Đến khi bệnh thuyên giảm thì bác sĩ có thể cho bệnh nhân ngưng thuốc và tiếp tục theo dõi.
Giảm các cơn phát bệnh
Có một số cách được cho là có thể ngăn chặn cơn phát bệnh Lupus, bao gồm:
- Phòng các bệnh cảm, bệnh nhiễm trùng vì có thể là nguyên nhân dẫn đến phát bệnh Lupus.
- Tránh ăn uống các chất dễ làm tăng phản ứng viêm của cơ thể như chất béo, đường, muối, cà phê, rượu, thuốc lá...
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Tránh dùng các loại thuốc có hóc môn như estrogen.
- Cẩn thận khi dùng thuốc ngừa thai, cần theo dõi xem liệu thuốc ngừa thai có phải là tác nhân phát bệnh Lupus của mình hay không.
- Bổ sung vitamin D.
- Tập thể dục thường xuyên và tránh những căng thẳng quá mức.
- Chích ngừa (cúm, viêm phổi, HPV...) để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Michael Dũng Cao trình bày những điều quan trọng cần biết về bệnh Lupus.