Trong một cuộc tuần tra, ông Henry Koor thuộc đội tuần tra cộng đồng Nam Sudan giải thích với các bạn trẻ ở Tarneit, ngoại ô miền Tây thành phố Melbourne.
“Chúng tôi không đến gặp các bạn để làm nhiệm vụ của cảnh sát mà chúng tôi đến với các bạn để gây dựng một mối liên hệ,” ông nói.
Đội tình nguyện viên Nam Sudan đã quyết định hành động sau khi một số thanh thiếu niên người Nam Sudan bị buộc tội vì hành vi bạo lực và phá rối ở những nơi công cộng.
“Trong tư cách là những người đứng đầu cộng đồng, chúng tôi lo ngại với các em 10, 11 tuổi mà lại được ra ngoài đến tận đêm khuya. Đó là mối lo ngại lớn và chúng ta cần phải ngăn chặn ngay để bảo đảm các em phải được đưa về nhà,” Chủ tịch Cộng đồng Nam Sudan tại Victoria, Richard Deng
Tụ tập chứ không phạm tội
Tưởng cần nhắc lại, trong một vụ xảy ra vào tháng 12 năm ngoái, cảnh sát đã được gọi đến một cửa hàng bán đồ ăn nhanh tại vùng miền Tây Melbourne sau khi nhận được thông báo xuất hiện hàng chục thanh thiếu niên đang gây lộn xộn.
Sau đó, cảnh sát cho hay không có bằng chứng về hoạt động tội phạm và không có cáo buộc nào về vụ đó.
Thế nhưng các bậc trưởng lão, đứng đầu cộng đồng Nam Sudan tỏ ra quan ngại trước một làn sóng trong cộng đồng, chống người Nam Sudan sau khi báo chí đưa tin về sự việc đã xảy ra.
Từ đó mà Đội tuần tra Cộng đồng Nam Sudan ở Wyndham đã ra đời, và một trong những động lực đằng sau đội tuần tra theo ông Jok Mach.
“Chúng tôi đang cố gắng thay đổi và nói cho các cộng đồng khác biết rằng, chúng tôi không phải chỉ biết gây ra những thứ tồi tệ mà chúng tôi thật sự làm được nhiều việc tốt đẹp mà không mấy ai nói về điều đó,” ông Mach nói.
Còn ông Henry Koor khẳng định, cộng đồng Nam Sudan phải vào cuộc.
“Chúng tôi đã đưa ra ý tưởng này và muốn nói rằng hãy làm điều gì đó, hãy thành lập một đội để đi tìm hiểu xem thật sự điều gì đang xảy ra, có thật như những gì đã đưa tin không.”
“Chúng tôi phát hiện ra đúng là có vấn đề với một số lượng rất đông thanh thiếu niên cộng đồng chúng tôi,” ông Koor.
Ông Henry Koor cũng cho rằng một phần của vấn đề này đơn giản là việc thanh thiếu niên gốc Châu Phi tụ tập đông đảo.
“Trong văn hóa Sudan, mọi người chia sẻ thức ăn, nếu một bạn trẻ nào đó mua đồ ăn với cái giá $50 thì họ sẽ gọi thêm 5 người khác, hoặc 10 bạn khác để cùng chia sẻ đồ ăn.”
“Đó là điều xảy ra khi mọi người thấy có nhiều thanh thiếu niên tụ tập như vậy, vì thế mà cộng đồng bắt đầu thấy lo sợ,” ông Koor nói.
Cảnh sát không thân thiện với thanh thiếu niên gốc Phi châu?
Thế nhưng, có một vấn đề khác, theo ông chủ tịch cộng đồng Nam Sudan ở Wyndham, Richard Deng, thì thanh thiếu niên cộng đồng này không hợp tác với cảnh sát là có lý do.
“Những thanh thiếu niên này sợ hãi bởi vì nhiều người trong số các em tin rằng cảnh sát không mấy thân thiện gì với chúng.”
“Vì vậy, chúng tôi trong tư cách là một cộng đồng, thì những người đứng đầu phải vào cuộc và đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây,” ông Deng nói.
Đội tuần tra hiện nay có mặt thường xuyên trên nhiều con phố ở các vùng có thanh thiếu niên tự tập, và họ làm việc 7 ngày một tuần cho đến tận đêm khuya.
Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của hội đồng địa phương và cảnh sát.
Trung sĩ cảnh sát Peter Bitton cho rằng thanh thiếu niên người Nam Sudan thường bị quy kết dính líu đến tội phạm trong khi thật sự họ chỉ tụ tập giao tiếp xã hội theo văn hóa của họ thôi.
Cảnh sát Bitton cho hay, trong một vụ anh từng chứng kiến, cảnh sát đã được gọi đến một công viên chỉ vì người dân ở đó tỏ ra quan ngại về một nhóm rất đông thanh thiếu niên Nam Sudan tụ tập tại đó.
Và khi mà cảnh sát tới nơi thì mới biết rằng đó chỉ là một sự kiện cộng đồng đã được lên kế hoạch tổ chức từ trước.
“Thực tế thì đúng là chúng tôi thấy có một vài vấn đề với những thanh thiếu niên cộng đồng, chuyện tội phạm thanh thiếu niên đâu chỉ diễn ra ở Wynham này mà khắp nơi tại Victoria.”
“Nếu quy kết đây là vấn đề của cả một nhóm cộng đồng người Nam Sudan thì tôi phải khẳng định rằng điều đó không đúng đâu,” cảnh sát Bitton nói.
Thị trưởng Wyndham, ông Henry Barlow cũng đồng ý rằng không có chứng cứ cho thấy cộng đông Nam Sudan ở địa phương dính líu đến tội phạm có tổ chức.
“Có một quan niệm rằng thanh thiếu niên Sudan thật sự quá khích, đây không phải là ngoại lệ.”
“Giống như những thanh thiếu niên cộng đồng khác thôi, các em cũng muốn đi ra ngoài cùng chúng bạn.”
“Một bạn nào đó có thể dẫn dắt người khác làm những điều ngu ngốc và mọi người nhìn vào đó và nghĩ rằng chúng nó đang làm việc phi pháp đây mà.”
“Đúng là trong một vài chuyện nào đó thì các em đã vi phạm luật thế nhưng điều đó cũng đâu có khác gì tình trạng xảy ra ở các cộng đồng khác,” ông Barlow nói.
Đội tuần tra cộng đồng hiệu quả đến đâu?
Trong khi đó, cảnh sát Peter Bitton tin rằng hoạt động của đội tuần tra cộng đồng có thể ngăn chặn được một số vụ đơn giản như xả rác bừa bãi, lảng vảng tụ tập, bạo động hoặc một số vấn đề nghiêm trọng hơn.
Và điều đó có nghĩa là cảnh sát cũng được rảnh tay hơn đôi chút.
“Đó là những ngày đầu thôi nhưng rồi từ đó mà chúng tôi thấy rằng không cần phải lập tức hành động với tất cả các sự vụ hoặc là thông báo gửi đến chúng tôi, rằng thanh thiếu niên đang xuống đâu đó và tụ tập.”
“Lý do là đa số các lần đó chẳng dính dáng gì đến hành vi phạm tội cả. Đội tuần tra cộng đồng có thể đến với các em, trò chuyện với chúng về hành vi, về thái độ và điều đó có thể giải quyết được các vấn đề mà chúng ta đang chứng kiến.” ông Bitton nói.
Sau vài tuần hoạt động tuần tra cộng đồng được tiến hành, một số vị đứng đầu cộng đồng Nam Sudan khẳng định đã thấy có những biến chuyển và hy vọng việc này sẽ tiếp tục được thực hiện để xóa đi những tiếng xấu tiêu cực về cộng đồng.
Chủ tịch Cộng đồng Nam Sudan, Kot Monoah tin rằng đây cũng chính là hoạt động củng cố các giá trị cộng đồng.
“Khi chúng tôi bắt đầu hoạt động này thì đúng là phải chạy theo các em. Đến lúc này thì đã thấy một số em biến chuyển rồi, các em chấm dứt các hành động không đúng đắn và bắt đầu giao tiếp với chúng tôi.”
“Chúng tôi đã bắt đầu biết rõ tên tuổi các em, xác định được gia đình họ hàng của các em, những mối quan hệ với cộng đồng mà các em đã đánh mất,” ông Monoah nói.
Được biết, các cuộc tuần tra tương tự cũng được tiến hành ở gần Melton và sẽ có kế hoạch áp dụng ở trung tâm thành phố Melbourne.
Ông Richard Deng hy vọng hoạt động này sẽ ngăn chặn trước khi thanh thiếu niên Nam Sudan không lầm đường lạc lối.
“Nhiều thanh thiếu niên là những đứa trẻ ngoan ngoãn, nhưng nếu chúng ta cứ để các em ở bên ngoài quá lâu thì sẽ có vấn đề, các em có thể gây ra chuyện gì đó, thậm chí là phạm tội và đó là điều mà chúng ta cần phải ngăn chặn.”
“Trong tư cách là những người đứng đầu cộng đồng, chúng tôi lo ngại với các em 10, 11 tuổi mà lại được ra ngoài đến tận đêm khuya.”
“Đó là mối lo ngại lớn và chúng ta cần phải ngăn chặn ngay để bảo đảm các em phải được đưa về nhà,” ông Deng nói.