Hy vọng điều tốt nhất, nhưng lại lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra.
Các nhân viên cứu hộ và người dân địa phương, ở vùng Tây Tạng xa xôi của Trung Quốc đang đào bới đống đổ nát, tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất kinh hoàng.
Trận động đất đã khiến hàng ngàn ngôi nhà sụp đổ, thủ đô Kathmandu của quốc gia Nepal, lân cận cũng cảm nhận được rung chấn.
Trận động đất xảy ra ở huyện Tingri thuộc vùng cao nguyên nông thôn, cách Núi Everest khoảng 80 km về phía bắc, gần biên giới Trung Quốc với Nepal, vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương hôm thứ Ba.
READ MORE
Cần phải làm gì khi xảy ra động đất?
Từ trại trên núi Everest của mình, du khách người Đức này đã bị đánh thức bởi một loạt các cơn rung lắc dữ dội.
"Sáng nay tôi đang ở Everest trong trại của mình ở độ cao 5700 mét và lều của tôi rung lắc khá dữ dội".
"Vì vậy tôi thức dậy và nhìn ra ngoài thấy nhiều trận tuyết lở đổ xuống, các tảng băng lớn sụp đổ, những khối băng lớn như nổ tung và một làn sóng áp suất đập vào lều của tôi, gây ra một số thiệt hại, đó chỉ là một khoảnh khắc cay đắng”, du khách người Đức.
Số người chết cuối cùng vẫn chưa được xác nhận, nhưng đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, ít nhất 126 người đã mất mạng và gần 200 người khác bị thương, nhiều người trong tình trạng nguy kịch.
Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc đo được cường độ trận động đất là 6,8, trong khi Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ báo cáo là 7,1.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, là vùng có địa hình đồi núi ở phía Trung Quốc của núi Everest.
Nhiều ngôi nhà bị đổ, dường như được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống như đá, gạch bùn và dầm gỗ.
Cơ quan Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa Quốc gia Nepal cho biết, các cơn chấn động cũng được cảm nhận, ở 7 huyện đồi núi, giáp ranh với Tây Tạng.
Tại thủ đô Kathmandu của Nepal, một cư dân cho biết bà đã sơ tán khỏi nhà, khi nhận ra các cơn chấn động là động đất.
"Tôi đang ngủ khi động đất xảy ra, giường rung chuyển và tôi nghĩ, con tôi đang di chuyển giường".
"Tôi không chú ý nhiều, nhưng tiếng rung chuyển của cửa sổ, khiến tôi hiểu rằng đó là động đất".
"Sau đó, tôi vội vàng gọi con mình và di tản khỏi nhà, rồi ra ngoài bãi đất trống".
"Tôi vẫn đang run rẩy vì sợ hãi và bị sốc”, một cư dân ở Kathmandu.
Tác động cũng lan rộng khắp vùng Shigatse của Tây Tạng, nơi sinh sống của 800 ngàn người và là trụ sở truyền thống của Đức Panchen Lama, một nhân vật chủ chốt trong Phật giáo Tây Tạng.
Khu vực này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi động đất, vì nằm ở nơi ranh giới của các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu gặp nhau.
Trong khi đó các thành viên quốc hội lưu vong Tây Tạng tại Ấn Độ, đã đổ lỗi cho những gì họ gọi là sự khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách liều lĩnh của Trung Quốc, bao gồm khai thác mỏ và xây dựng đập, đã làm trầm trọng thêm thảm họa.
Trong số đó có Dolma Tsering, phó Chủ tịch Quốc hội lưu vong.
"Kể từ khi chiếm đóng Tây Tạng, Trung Quốc đã khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và do đó, nếu không có bất kỳ biện pháp nào được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo vệ môi trường, khi khai thác môi trường sống tự nhiên, bạn sẽ gặp ngày càng nhiều thảm họa do con người gây ra, chính sách do Trung Quốc vạch ra”, Dolma Tsering.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ toàn diện và chính quyền đã triển khai hơn 3.400 nhân viên cứu hộ và hơn 340 nhân viên y tế.
Viện trợ bao gồm lều vải, chăn bông và thiết bị chống chịu thời tiết lạnh, đã được chính quyền trung ương điều động.
Năm 2015, có gần 9 ngàn người đã chết và hơn 22 ngàn người bị thương, khi trận động đất mạnh 7,8 độ richter tấn công Nepal, phá hủy hơn nửa triệu ngôi nhà.
Một trận động đất khác vào tháng 12 năm 2023 ở tây bắc Trung Quốc, đã giết chết 148 người và khiến hàng ngàn người phải di dời ở tỉnh Cam Túc.