Thế hệ thứ Hai (Bài 90): Nữ doanh nhân gốc Việt Lê Hồ và ‘đế chế rác’ hàng triệu đô

Le Ho

Nữ doanh nhân gốc Việt Lê Hồ Source: Supplied

Bắt đầu kinh doanh từ năm 21 tuổi, Lê Hồ đã tiếp quản và điều hành công ty Capital City Waste Services từ một doanh nghiệp thua lỗ trở thành nơi cung cấp dịch vụ thu gom rác thải uy tín tại Sydney như hiện nay. Cô cũng là một diễn giả quốc tế với mong muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ các doanh nhân trẻ trên bước đường khởi nghiệp của mình.


Cùng ba mẹ vượt biên đến Úc khi Lê Hồ mới 18 ngày tuổi, năm 1981, cả gia đình cô đã đặt chân đến định cư ở tiểu bang Nam Úc.

Năm 21 tuổi, Lê Hồ bắt đầu làm quen với kinh doanh bằng việc mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên chuyên bán quần áo cưới tên là Honey Bee. Từ một cửa hàng ban đầu, 6 năm sau, cô phát triển thêm 6 cửa hàng bán lẻ khác.

Năm 2010, Lê Hồ đã ra một quyết định táo bạo thay đổi cả cuộc sống của mình, đấy là mua lại công ty quản lý chất thải Capital City Waste Services tại Sydney. Công ty này lúc bấy giờ đang bị thua lỗ nặng nề khoảng 20 ngàn đô mỗi tháng và đang trên bờ vực phá sản.

Thế nhưng chỉ sau 1 năm đầu tiên, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi. Và chỉ trong vòng 5 năm, Capital City Waste đã 'trở mình' trở thành doanh nghiệp trị giá 10 triệu đô.

Lê Hồ đã được vinh danh là một trong '100 Phụ nữ gây ảnh hưởng' (trong ngành kinh doanh) do Tạp chí Tài chính Úc và Ngân hàng Westpac công bố năm 2014; được đề cử vào vòng chung kết Giải thưởng đối với những doanh nghiệp người thiểu số (Ethnic Business Awards) năm 2014. Cô cũng có tên trong ấn bản năm 2016 Who's Who of Australian Woman về những phụ nữ nổi bật trên khắp nước Úc góp phần hình thành nên cộng đồng Úc.

Kim Anh: "Là người Úc gốc Việt thế hệ thứ hai lớn lên tại Úc, Lê Hồ gặp những thách thức và trở ngại gì?"

Lê Hồ: "Tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình trưởng thành và hòa nhập vào xã hội Úc. Tôi phải học hỏi và  cố gắng tiếp thu những giá trị văn hóa Úc, đồng thời vẫn phải giữ được những giá trị văn hóa Việt cũng như nguồn gốc Việt của mình.
Là con gái Việt được nuôi dạy trong một gia đình truyền thống Việt Nam, tôi được dạy bảo rằng phải kính trọng người lớn hơn mình, không thắc mắc hay tranh luận với những người khác. Thế nhưng tại trường học, tôi được dạy rằng phải luôn đặt câu hỏi nếu mình không hiểu vấn đề gì đó. Những sự khác biệt về văn hóa giống như vậy đã khiến tôi hoang mang trong quá trình trưởng thành, khi cố gắng dung nạp và cân bằng giữa hai nền văn hóa. Và đôi lúc, tôi cảm thấy điều đó thật khó khăn.

Tiểu bang Nam Úc vào những năm 80 cũng có rất ít người Châu Á. Vì vậy, khi tôi sống ở đó, tôi đã phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Tôi nhớ khi tôi mới 9 tuổi, khi đó tôi đang đứng chờ ở trạm xe buýt để về nhà, chỉ còn hai trạm nữa là về đến nhà, có hai thanh niên người Úc chạy xe ngang qua, họ thấy tôi thì dừng lại, chỉ trỏ, la hét và quấy nhiễu tôi. Điều đó khiến một cô bé 9 tuổi như tôi cảm thấy xấu hổ và tự hổ thẹn với chính mình. Phải mất 30 năm sau, tôi mới có can đảm kể lại câu chuyện này mà không mang nỗi hổ thẹn mình là người Châu Á. Nhưng hiện giờ thì tôi cảm thấy rất tự hào mình là người Úc gốc Việt."

Le Ho
Lê Hồ và công ty Capital City Waste Services (Supplied) Source: Supplied


Kim Anh: "Chị Lê Hồ có nghĩ rằng những thách thức này có ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành cũng như cuộc sống của chị không?"

Lê Hồ: "Chắc chắn rồi. Tôi nghĩ rằng mọi người nhìn nhận những nghịch cảnh hay hoàn cảnh không may theo nhiều cách khác nhau. Một số người viện cớ những điều bất lợi để đầu hàng nghịch cảnh. Nhưng một số người khác chọn vượt qua những hoàn cảnh bất lợi cho mình để trở nên tốt nhất có thể.

Lớn lên trong gia đình người Việt, ba mẹ luôn đặt ra những mục tiêu cho tôi chẳng hạn như học hành chăm chỉ để lấy được tấm bằng đại học, rồi sau đó lấy chồng và ổn định cuộc sống. Đó cũng là ước mơ của những người Úc.

Với tôi, ước mơ đó dường như quá lý tưởng. Tôi chỉ muốn sống theo cách tốt nhất có thể, bởi vì tôi muốn chắc chắn rằng mình được sống một cách trọn vẹn nhất, không phải từ bỏ những sở thích hay ước mơ của mình theo yêu cầu của ba mẹ."

Kim Anh: "Khi nào thì chị bắt đầu mở doanh nghiệp đầu tiên của mình?"

Lê Hồ: "Tôi mở doanh nghiệp đầu tiên của mình khi tôi 21 tuổi, tôi bảo lưu kết quả học tập và nghỉ một năm trong lúc đang học đại học vì tôi muốn đi làm trong một năm. Tôi làm toàn thời gian và mở cửa hàng riêng của mình ở Sydney."

Kim Anh: "Cửa hàng đầu tiên của chị khi đó hoạt động thế nào?"

Lê Hồ: "Khi đó tôi mới 21 tuổi. Tôi không nghĩ rằng mở cửa hàng sẽ khiến tôi trở nên giàu có, nhưng những gì tôi học hỏi được từ công việc này giúp tôi trở thành người như hiện nay. Tôi nghĩ khởi nghiệp khi còn trẻ như vậy cũng là điều tốt vì khi đó bạn khá là ngây thơ, không biết sợ là gì và chẳng có điều gì có thể ngăn cản được bạn làm bất cứ việc gì.

Công việc này đã giúp tôi học hỏi được tất cả những gì tôi cần, nếu tôi có phạm phải sai lầm gì thì tôi sẽ thu hẹp phạm vi hoạt động của mình lại và học hỏi được những sai lầm từ sớm.

Sau bảy năm, sau cửa hàng đầu tiên đó, tôi mở thêm 6 cửa hàng khác. Và tám năm trước, cơ hội đến khiến tôi bước chân vào ngành công nghiệp quản lý rác thải. Lúc đó, tôi cũng không hiểu lắm về ngành công nghiệp này. Tôi làm việc cho công ty này khoảng 1 năm, học hỏi tất cả những gì cần biết và sau đó mua lại công ty này."
“Đây là công việc chủ yếu dành cho nam giới, trong khi đó tôi chỉ mới hai mươi mấy tuổi, quá trẻ để điều hành công ty xử lý rác thải này, chưa kể tôi còn là phụ nữ châu Á. Tôi phải đối mặt với sự phân biệt về giới tính, tuổi tác và cả sắc tộc. Tôi đã phải làm việc rất vất vả để giành lấy sự tôn trọng của các đồng nghiệp.”
Kim Anh: "Tại sao chị lại chuyển sang ngành công nghiệp quản lý rác thải trong lúc đây là ngành chuyên dành cho đàn ông?"

Lê Hồ: "Đúng là rất khác biệt. Tôi bước chân vào ngành công nghiệp bán lẻ vì tôi rất đam mê kinh doanh. Tôi chọn kinh doanh thời trang vì bản thân tôi cũng thích giày dép, túi xách và quần áo. Tôi đã làm những gì tôi yêu thích. Trong hai năm đó, tôi đã học được rất nhiều thứ về kinh doanh. Vào thời điểm đó, mua sắm trực tuyến bắt đầu bùng nổ và điều đó làm thay đổi cũng như ảnh hưởng đến cách thức mua sắm truyền thống.

Khi tôi tình cờ đặt chân vào ngành quản lý rác thải, tôi nghĩ rằng những điều kiện kinh tế sẽ không tác động đến ngành công nghiệp này. Cho dù tình hình kinh tế thế nào đi chăng nữa thì bạn vẫn phải xử lý rác thải. Tôi bắt đầu quan tâm đến ngành này và cố gắng học hỏi những gì tôi có thể học được.

Khi tôi bắt đầu làm công việc này, quả thật rất khó khăn. Đây là công việc chủ yếu dành cho nam giới, trong khi đó tôi chỉ mới hai mươi mấy tuổi, quá trẻ để điều hành công ty xử lý rác thải này, chưa kể tôi còn là phụ nữ châu Á. Tôi phải đối mặt với sự phân biệt về giới tính, tuổi tác và cả sắc tộc. Tôi đã phải làm việc rất vất vả để giành lấy sự tôn trọng của các đồng nghiệp. Tôi nhớ rằng khi tôi ra ngoài giao tiếp với khách hàng, họ không nghiêm túc với tôi cho lắm vì họ không thường làm việc với những người quá trẻ, lại là phụ nữ Châu Á như tôi.

Và khi tôi làm việc trong cộng đồng người Châu Á, tôi cũng gặp những sự phân biệt tương tự. Có lẽ với đàn ông châu Á, đó là chuyện bình thường khi họ không thường giải quyết công việc với phụ nữ. Ngoài ra tuổi tác của tôi cũng là vấn đề khi họ nghĩ rằng họ lớn tuổi hơn, họ biết nhiều hơn và họ yêu cầu được kính trọng.

Tôi nghĩ rằng phải mất một thời gian dài tôi mới giành được sự tôn trọng của họ. Tôi phải học hỏi làm tất cả các công việc giống như nhân viên của tôi, ngay cả chuyện lái xe tải. Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi tôi lái xe tải rác trên đường phố. Tôi phải điều chỉnh ghế ngồi vì chân tôi không đủ dài để đạp cần ga và thắng. Mọi người đi ngang qua xe của tôi đều dừng lại và suy nghĩ không biết người ngồi sau tay lái là phụ nữ hay đàn ông để tóc dài (cười)."



Kim Anh: "Kim Anh được biết rằng khi chị mua lại công ty này vào thời điểm đó, công ty đang bị thua lỗ 20 ngàn đô mỗi tháng và đang trên bờ vực phá sản. Làm thế nào chị vực dậy công ty và tạo ra lợi nhuận?"

Lê Hồ: "Tôi vẫn còn nhớ khi tôi mua lại công ty này, tôi phải làm tất cả mọi công việc kể cả chuyện lái xe đi thu gom rác. Tôi nghĩ chuyện này đã khiến tất cả mọi người trong gia đình tôi bị sốc vì nghĩ rằng công việc quản lý rác thải có vẻ như là một nghề nghiệp thấp kém.

Lúc đó, công ty đang bị thua lỗ khoảng 20 ngàn đô mỗi tháng, và mọi người đang chờ đợi xem tôi sẽ chống đỡ được bao lâu cho đến khi công ty bị phá sản. Mọi người càng theo dõi và chỉ trích, tôi càng quyết tâm rằng sẽ chứng minh được cho mọi người thấy tôi sẽ vực dậy công ty như thế nào.

Trong tháng đầu tiên khi tôi mua lại công ty, tôi cho tất cả các nhân viên nghỉ việc từ tài xế đến giám đốc điều hành và quản lý kinh doanh. Tôi tự mình làm tất cả các công việc đó. Lúc đó tôi không có văn phòng làm việc, tôi làm tất cả mọi việc trên chính xe tải của mình, tất cả các hồ sơ, giấy tờ làm việc đều nằm trên xe của tôi. Tôi bắt đầu một ngày từ 5 giờ sáng trên xe tải cho đến 12 giờ trưa mỗi ngày, từ giữa trưa cho đến 5 giờ chiều tôi đi gặp khách hàng để ký kết các hợp đồng mới. Tôi trở về nhà lúc 6 giờ chiều để ăn tối. Sau đó tôi thức đến 1-2 giờ sáng để giải quyết các công việc giấy tờ, tài chính và khách hàng. Tôi làm như vậy liên tục trong 1 năm.

Tôi rất cảm kích ba mẹ và gia đình tôi đã ủng hộ quyết định của tôi và hỗ trợ tôi rất nhiều trong khoảng thời gian ấy. Không có sự hỗ trợ của ba mẹ, tôi sẽ không có ngày hôm nay.

Có lẽ tất cả những doanh nghiệp hay những người mới khởi nghiệp đều cùng chung suy nghĩ với tôi rằng cho dù bạn làm việc cần cù như thế nào đi chăng nữa, nếu không có sự ủng hộ và hỗ trợ từ gia đình cũng như các thành viên xung quanh bạn, bạn sẽ không thể tự mình làm được điều gì cả. Tôi đã rất may mắn khi có được nguồn động viên ấy trong hành trình khởi nghiệp của mình."

Kim Anh: "Kim Anh nghĩ rằng lúc đó chắc ba mẹ của Lê Hồ cũng không ngờ rằng con gái mình sẽ làm việc trong lĩnh vực quản lý rác thải?"

Lê Hồ: "Đúng vậy. Ba mẹ tôi, hay những bậc cha mẹ châu Á khác, luôn khuyến khích con cái cố gắng học hành giỏi giang, trở thành bác sĩ hay luật sư, những thứ khác đều không đủ tốt. Vài năm đầu ở trường đại học, tôi đã làm điều đó khá tốt, nhưng tôi phát hiện ra rằng đó không phải là đam mê của tôi. Khi tôi dấn thân vào con đường kinh doanh, điều này đã khiến ba mẹ tôi bị sốc. Cho đến khi tôi chuyển sang ngành rác thải, công việc còn thấp hơn nữa, thì ba mẹ càng sốc hơn. Thế nhưng ba mẹ chưa bao giờ ngừng hỗ trợ tôi cả, từ những ngày đầu, kéo dài suốt cả năm trời, cho đến khi công ty khởi sắc và phát triển tại tiểu bang New South Wales. Tôi nghĩ rằng bây giờ ba mẹ khá tự hào về tôi."
“Cho dù bạn làm việc cần cù như thế nào đi chăng nữa, nếu không có sự ủng hộ và hỗ trợ từ gia đình cũng như các thành viên xung quanh bạn, bạn sẽ không thể tự mình làm được điều gì cả. Tôi đã rất may mắn khi có được nguồn động viên ấy trong hành trình khởi nghiệp của mình. Tôi rất cảm kích ba mẹ và gia đình tôi đã ủng hộ quyết định của tôi và hỗ trợ tôi rất nhiều trong khoảng thời gian ấy. Không có sự hỗ trợ của ba mẹ, tôi sẽ không có ngày hôm nay."
Kim Anh: "Được biết rằng chị vừa bán thành công công ty quản lý rác thải và rời khỏi ngành công nghiệp này vào năm ngoái. Tại sao chị lại muốn bán công ty và hiện giờ chị đang làm gì?"

Lê Hồ: "Khi tôi mua lại công ty này, tôi cũng chưa từng tưởng tượng được nó sẽ phát triển như thế. Với tôi, đó là một thách thức khi vực dậy công ty đang trên bờ phá sản. Sau đó, công ty đã phát triển nhanh chóng.

Lúc này, tôi có mục tiêu khác trong đời, tôi không muốn làm việc suốt 7 ngày một tuần nữa. Từ những gì tôi đã học hỏi được trong thời gian quản lý công ty rác thải, tôi mong muốn có thể chia sẻ và truyền tải được tinh thần và cảm hứng cho những bạn trẻ khác đang trên đường khởi nghiệp.

Trong cuộc sống và công việc kinh doanh, tôi đã gặp nhiều khó khăn và trở ngại vì mình là một phụ nữ châu Á trong việc chia sẻ kinh nghiệm hay tìm kiếm sự ủng hộ từ một tổ chức nào đó. Tôi mong muốn thành lập một tổ chức nơi có thể hỗ trợ và chia sẻ mạng lưới thông tin cho những ai đang trên hành trình khởi nghiệp."

Kim Anh: "Với kinh nghiệm trong kinh doanh và quản lý doanh nghiệp, chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ gốc Việt muốn khởi nghiệp hay đang trên hành trình khởi nghiệp?"

Lê Hồ: "Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp là hãy bắt đầu sớm nhất có thể. Bạn không bao giờ là quá trễ để bắt đầu khởi nghiệp. Thế giới đang ngày càng rộng mở nhờ vào sự phát triển của Internet. Bạn càng bắt đầu sớm chừng nào, bạn sẽ sớm thành công một ngày nào đó. Khởi nghiệp lúc trẻ sẽ khiến bạn có nhiều tự do để tập trung vào công việc nhiều hơn, bạn không có nhiều sự ràng buộc hay bổn phận với gia đình, con cái.

Bạn mở 10 doanh nghiệp, bạn có thể thất bại đến 9 lần nhưng sẽ có một lần thành công. Khi bạn còn trẻ, chẳng hạn như tôi đã học hỏi được rất nhiều khi tôi khởi nghiệp sớm lúc 21 tuổi. Khi bạn còn trẻ, bạn cũng ngây thơ hơn, không suy nghĩ đắn đo quá nhiều vì chẳng có gì nhiều để mất.

Bạn cũng nên tìm kiếm một người tư vấn tốt, nhiều kinh nghiệm và thành công. Hãy bắt chước và học hỏi từ họ. Nếu bạn tìm được một người tư vấn thành công trong sự nghiệp, những người đã học hỏi được những bài học đắt giá trong thời gian dài, họ sẽ truyền đạt cho bạn những kinh nghiệm quý báu một cách nhanh chóng hơn."

Kim Anh: "Kim Anh nghe nói rằng chị cũng vừa được chọn vào vòng chung kết của giải thưởng Phụ nữ Kinh doanh của năm 2017 tiểu bang New South Wales?"

Lê Hồ: "Trong những năm qua, tôi đã được chọn, vào vòng chung kết và đạt nhiều giải thưởng về kinh doanh. Đối với tôi, sinh ra trong một gia đình người Việt, đây quả là điều vinh dự.  

Thế nhưng trong vài năm qua, tôi có dịp nói chuyện với nhiều doanh nhân trẻ cũng như các doanh nhân thành công, tôi nhận ra rằng với những nữ doanh nhân người Việt, chúng ta cần có thêm nhiều hình mẫu trong cộng đồng của mình. Chúng ta cần có những người dám bước lên và nói rằng đây là điều tốt và tuyệt vời. Chúng ta cần có thêm những tấm gương để thế hệ trẻ bước theo. Chúng ta cần có những người dám nói, dám làm và đóng góp vào những thành tựu của cộng đồng. Thế nhưng chúng ta vẫn chưa có người đại diện để nói lên những điều đó, đặc biệt là trong cộng đồng chúng ta. Chúng ta cần có thêm nhiều người đại diện để thế hệ trẻ có thể tìm đến tư vấn. Chúng ta cần thêm nhiều gương mặt trong kinh doanh cũng như quản lý cấp cao trong cộng đồng rộng lớn hơn.
“Động lực giúp tôi có thể làm được tất cả mọi thứ trong cuộc sống của tôi là sống một cuộc đời đáng sống, chia sẻ câu chuyện của mình đến với mọi người, để giúp họ có thêm động lực và niềm tin trong cuộc sống."
Tôi đã rất may mắn khi tạo ra được kênh để chia sẻ những kinh nghiệm bản thân và truyền nguồn cảm hứng ra bên ngoài cộng đồng rộng lớn hơn. Tôi không phải là tiến sĩ hay triệu phú gì hết. Tôi chỉ cố gắng làm việc chăm chỉ, kiên nhẫn, bền bỉ, cùng với sự hỗ trợ từ gia đình đã giúp tôi đạt được những thành quả như ngày hôm nay."

Kim Anh: "Nhìn lại hành trình đã qua, lý do nào dẫn đến sự thành công của chị ngày hôm nay?"

Lê Hồ: "Tôi trưởng thành cùng với lời dạy của ba mẹ rằng chúng ta học hỏi mỗi ngày, học hỏi từ những người xung quanh chúng ta, cho dù chúng ta đến từ đâu hay sẽ đi về đâu. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng học hỏi bởi vì tôi chỉ là một con người bình thường, tôi không phải là chuyên gia biết tất cả mọi thứ. Tôi cần những chuyên gia ở quanh tôi. Tôi tôn trọng những thành quả của họ và mong muốn họ truyền đạt cho tôi nhiều hơn. Và tôi học hỏi tất cả mọi điều từ những người xung quanh tôi.

Bắt đầu một doanh nghiệp luôn là một cơ hội cho tôi, khiến tôi thêm hứng thú và sáng tạo, hoàn thành nó vốn bắt đầu chỉ từ một ý tưởng.

Động lực giúp tôi có thể làm được tất cả mọi thứ trong cuộc sống của tôi là sống một cuộc đời đáng sống, chia sẻ câu chuyện của mình đến với mọi người, để giúp họ có thêm động lực và niềm tin trong cuộc sống."



 


Share